Các nước tiếp tục đẩy nhanh hoạt động sơ tán khỏi Afghanistan
Australia, Bỉ và Anh đang tiếp tục đẩy nhanh hoạt động sơ tán công dân khỏi Afghanistan, trong bối cảnh tình hình tại Kabul vẫn rất khó lường và việc tiếp cận sân bay 'rất khó khăn và nguy hiểm.'
Ngày 24/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết hơn 650 người Australia và Afghanistan đã được sơ tán khỏi Afghanistan trong đêm 23/8 trên 4 chuyến bay của Không quân Australia và một chuyến bay của Không quân New Zealand.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh "đây là đêm lớn nhất của chúng ta” trong bối cảnh tình hình tại Sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul vẫn rất khó lường và việc tiếp cận sân bay rất khó khăn và nguy hiểm.
Hơn 1.700 người, bao gồm công dân Australia, công dân Afghanistan và các công dân nước ngoài khác, đã được Australia và New Zealand sơ tán trong tuần qua kể từ khi lực lượng Taliban tiếp quản thủ đô Kabul của Afghanistan.
Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Bỉ cho biết máy bay vận tải C-130 Hercules đầu tiên của Bỉ cất cánh từ sân bay Kabul đã hạ cánh xuống Islamabad hôm 23/8 với hơn 100 người được sơ tán khỏi Afghanistan.
Giới chức Bỉ khẳng định tiếp tục cung cấp các chuyến bay để đảm bảo sơ tán công dân của nước này cùng với những phiên dịch viên người Afghanistan, phóng viên và những đối tượng khác, với thời gian lâu nhất có thể.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, hôm 16/8, chính phủ liên bang đã phát động chiến dịch "Red Kite" để đưa hàng trăm người Bỉ và những người liên quan rời khỏi Afghanistan.
3 máy bay vận tải C-130H đã được triển khai tới Islamabad, thủ đô Pakistan, đóng vai trò là hậu cần cho biệt đội Bỉ gồm khoảng 100 người tham gia chiến dịch. Những chiếc máy bay này tiếp tục thực hiện 3 đến 4 chuyến bay mỗi ngày. Theo Bộ Quốc phòng Bỉ, những bay này có thể chuyên trở khoảng 400 người rời khỏi Kabul.
Sáng 23/8, 226 người đã được đưa đến sân bay quân sự Melsbroek của Bỉ, từ Islamabad trên hai máy bay, một máy bay Airbus A340 của công ty Air Belgium và một máy bay Airbus A330 MRTT của một đơn vị đa quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có trụ sở tại Hà Lan, mà Bỉ cũng là một thành viên đóng góp.
Cho đến nay, những người được sơ tán chủ yếu là người Bỉ, cùng với gia đình của họ, hoặc công dân châu Âu. Tuy nhiên, rất ít cộng tác viên người Afghanistan được đưa khỏi Kabul.
Theo Quốc vụ khanh Bỉ phụ trách vấn đề tị nạn Sammy Mahdi, việc sơ tán những người Afghanistan này rất khó khăn vì họ phải vượt qua được sự kiểm soát của Taliban, khi lực lượng này chỉ cho phép người châu Âu được qua.
Sau đó, đến những lối đi do người Mỹ quản lý để đảm bảo an ninh tại sân bay. Hiện, giới chức Bỉ đang thảo luận với phía Mỹ để cố gắng đảm bảo cho những cộng tác viên Afghanistan cũng được sơ tán.
Vương quốc Anh ngày 23/8 cũng cho biết đã sơ tán 7.109 người khỏi Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh hoạt động này sẽ tiếp tục được triển khai đến khi nào tình hình an ninh tại quốc gia Tây Nam Á này vẫn cho phép, và không đặt ra thời điểm cụ thể kết thúc các chuyến bay sơ tán này.
Những người được sơ tán là nhân viên Đại sứ quán Anh, công dân Anh, những người đủ điều kiện được rời khỏi Afghanistan, cùng một số công dân các nước đối tác của Anh tại nước này.
Anh bắt đầu tiến hành hoạt động sơ tán người dân khỏi Afghanistan từ ngày 13/8 vừa qua với chiến dịch mang tên "Operation PITTING." Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh, hơn 1.000 nhân viên của Lực lượng vũ trang Anh đã được triển khai tại Kabul.
Trong cuộc điện đàm ngày 23/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí phối hợp giữa hai nước nhằm bảo đảm tất cả những người đủ điều kiện được sơ tán khỏi Afghanistan kể cả sau khi hoàn tất giai đoạn sơ tán ban đầu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, người đang ở thăm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ngày 23/8 cho rằng cần thêm thời gian sau hạn chót ngày 31/8 để hoàn tất hoạt động sơ tán ở Afghanistan.
Ông Le Drian nhấn mạnh: "Chúng tôi lo lắng về hạn chót 31/8 do Mỹ đặt ra. Cần thêm nhiều thời gian để hoàn tất các hoạt động hiện nay."./.