Các nước tiếp tục thả hàng viện trợ nhân đạo xuống khu vực Bắc Gaza

Người phát ngôn của Các Lực lượng vũ trang Ai Cập Gharib Abdel-Hafez ngày 12/3 tuyên bố, Ai Cập phối hợp với các nước tham gia liên minh quốc tế tiếp tục thả hàng viện trợ nhân đạo xuống khu vực phía Bắc Dải Gaza, trong ngày thứ hai của tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo, nhằm hỗ trợ người Palestine.

Hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống khu vực phía Bắc Dải Gaza ngày 5/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống khu vực phía Bắc Dải Gaza ngày 5/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Máy bay vận tải quân sự của Ai Cập cùng với một số máy bay khác từ các nước tham gia liên minh quốc tế đã phân phát hàng viện trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng ở phía Bắc Gaza.

Tuyên bố nhấn mạnh những nỗ lực chung của Ai Cập cùng với Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và các quốc gia khác phản ánh cam kết tập thể hướng tới giảm bớt nỗi đau khổ của người dân Palestine.

Ai Cập đã tiến hành nhiều đợt thả hàng viện trợ kể từ khi Israel bắt đầu phong tỏa Dải Gaza.

Quốc gia Bắc Phi này cũng cung cấp viện trợ thông qua các tuyến đường bộ bao gồm cửa khẩu Rafah do Ai Cập kiểm soát và cửa khẩu Karm Abu Salem do Israel kiểm soát.

Người phát ngôn Abdel-Hafez tuyên bố Ai Cập đã tham gia liên minh toàn cầu cùng với Jordan, Mỹ, Pháp, Hà Lan và Bỉ để thả viện trợ xuống Gaza nhằm cứu trợ người Palestine.

Một nguồn tin ngoại giao ngày 12/3 cho biết Maroc đã gửi 40 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza qua một sân bay của Israel, như một nỗ lực mới nhất nhằm đa dạng hóa các tuyến viện trợ dành cho vùng lãnh thổ Trung Đông đang bị chiến tranh tàn phá.

Nguồn tin nói rằng viện trợ lương thực đã đến sân bay Ben Gurion gần Tel Aviv, trước khi được chuyển đến Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ của Palestine tại cửa khẩu Kerem Shalom giữa Israel và Gaza.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Maroc nêu rõ: "Maroc là quốc gia đầu tiên vận chuyển viện trợ nhân đạo qua tuyến đường bộ chưa từng có này".

Kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas bắt đầu vào ngày 7/10/2023, các xe tải viện trợ thường tiến vào Dải Gaza qua Ai Cập.

Các quan chức Israel chưa đưa ra xác nhận về việc liệu sáng kiến của Maroc có phải là tuyến đường bộ đầu tiên đưa viện trợ nhân đạo qua lãnh thổ Israel hay không.

Nguồn tin ngoại giao Maroc cho biết thêm mối quan hệ của Maroc với Israel, được bình thường hóa trong hiệp định do Mỹ làm trung gian vào năm 2020, đã giúp hoạt động này được tiến hành. Nguồn tin nói: “Maroc luôn nói rằng mối quan hệ của họ với Israel là nhằm phục vụ hòa bình trong khu vực và lợi ích của người Palestine”.

Cùng ngày 12/3, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thông báo, hàng cứu trợ đủ dùng cho 25.000 người lần đầu tiên vào được TP Gaza sau nhiều tuần. Trong thông cáo được phóng viên TTXVN tại LHQ trích dẫn, WFP nêu rõ: “WFP đã phân phát lượng thực phẩm đủ dùng cho 25.000 người dân Gaza vào sáng 12/3, thông qua chuyến hàng vận chuyển thành công lần đầu tiên kể từ ngày 20/2. Với việc người dân Gaza đứng bên bờ vực của nạn đói, chúng ta cần thực hiện việc phân phối hàng ngày và cần mở thông các cửa khẩu trực tiếp vào phía bắc Gaza”.

Thông tin trên xuất hiện tại thời điểm các tổ chức nhân đạo LHQ hoan nghênh thông báo cùng ngày về việc tàu cứu trợ Open Armas đã rời cảng ở Cyprus để cập bến Gaza, mang theo 200 tấn hàng viện trợ.

Tuy nhiên, nguồn hàng bằng đường biển này không thể thay thế việc chuyên chở bằng đường bộ đối với Gaza khi cư dân tại đây đứng trước nguy cơ nạn đói.

Ông Jens Laerke, người phát ngôn Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo LHQ (OCHA), nhấn mạnh: “Chúng ta đều hiểu rằng bất kể lương thực hay hàng viện trợ khẩn cấp nào vào được Gaza đều đặc biệt cần thiết, đó là điều không thể nghi ngờ. Chúng tôi đánh giá cao hàng viện trợ từ tàu Open Armas. Nhưng hoạt động này không thể thay thế cho vận chuyển lương thực và hàng viện trợ khẩn cấp khác bằng đường bộ vào Gaza, đặc biệt là khu vực phía Bắc Gaza”.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Washington đưa tin 4 tàu của quân đội Mỹ đã rời căn cứ ở bang Virginia mang theo khoảng 100 binh sĩ và thiết bị cần thiết để xây dựng một cảng tạm thời bên bờ biển Gaza nhằm chuyển hàng viện trợ khẩn cấp cho người Palestine.

Phát biểu với các nhà báo, Chuẩn tướng Lục quân Mỹ Brad Hinson cho biết cơ sở mới - bao gồm một ụ nổi ngoài khơi để chuyển hàng viện trợ từ các tàu lớn sang tàu nhỏ hơn và một bến tàu để đưa hàng viện trợ vào bờ - dự kiến đi vào hoạt động "sau 60 ngày".

Tổng cộng khoảng 500 binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Vận tải viễn chinh số 7 sẽ tham gia chiến dịch này. Ông nhấn mạnh: “Một khi chúng tôi có đầy đủ năng lực thực hiện sứ mệnh, chúng tôi sẽ có thể vận chuyển 2 triệu khẩu phần ăn hoặc 2 triệu chai nước lên bờ mỗi ngày”. Giới chức Mỹ cho biết nỗ lực này không liên quan đến "việc triển khai trên bộ" ở Gaza, nhưng quân đội Mỹ sẽ đến gần vùng lãnh thổ ven biển bị bao vây này khi họ xây dựng bến tàu, vốn phải được neo vào bờ.

Trong diễn biến khác, truyền thông khu vực ngày 12/3 đưa tin một quan chức cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas cho biết phong trào này đã chấp thuận đề xuất sửa đổi của Mỹ về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.

Quan chức trên xác nhận với báo Al Arabiya rằng đại diện của Hamas dự kiến sẽ tới thủ đô Cairo của Ai Cập trong những ngày tới để thảo luận các chi tiết cuối cùng và việc thực hiện thỏa thuận.

Theo đề xuất gần đây nhất, thỏa thuận cũng sẽ quy định sự trở lại dần dần của những người Palestine di tản khỏi Gaza. Israel sẽ thả tù nhân Palestine theo tỉ lệ 10 người đổi lấy 1 con tin bị Hamas bắt giữ.

Mohammad Nazzal, một thành viên của văn phòng chính trị Hamas, cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra nhưng “bị đình trệ”. Ông cũng nói thêm rằng Israel đề xuất lệnh ngừng bắn tạm thời, tuy nhiên Hamas sẽ không chấp nhận điều này.

Báo báo Al Arabiya dẫn lời ông Mohammad Nazzal nhấn mạnh rằng “sự hiện diện của Israel bên trong Gaza ngăn cản sự trở về của những người di tản”, đồng thời nói thêm Hamas kiên quyết bảo vệ quan điểm liên quan việc đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza không có bất kỳ điều kiện hay hạn chế nào.

Cùng ngày 12/3, Mỹ kêu gọi Hamas thả con tin đang bị giam giữ ở Gaza đồng thời chấp nhận ngừng bắn tạm thời với Israel để tạo tiền đề đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài hơn.

Phát biểu với các phóng viên, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói: “Chúng tôi cố gắng đạt được một lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 6 tuần nhằm trao đổi các con tin và từ đó nỗ lực xây dựng một thỏa thuận lâu dài hơn, nếu Hamas đồng ý thả các con tin phụ nữ, người bị thương và người già". Tuy nhiên, ông Sullivan không đưa ra bất kỳ dự đoán nào về khả năng này.

Các nước trung gian Qatar, Ai Cập và Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn trong tháng lễ Ramadan để đổi lấy việc thả các con tin Israel bị bắt trong cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 dẫn tới bùng phát xung đột ở Gaza.

Vòng đàm phán mới nhất tại Cairo vừa qua, không có sự tham gia của Israel, đã bị gián đoạn. Israel đã chấp nhận các điều khoản ngừng bắn kéo dài 6 tuần để đổi lấy việc thả một số con tin bị Hamas bắt giữ.

Trong khi đó, Hamas cho biết sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận dựa trên lệnh ngừng bắn lâu dài nhằm chấm dứt xung đột và bao gồm việc Israel rút quân khỏi Dải Gaza, thay vì một lệnh ngừng bắn tạm thời.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/314188/cac-nuoc-tiep-tuc-tha-hang-vien-tro-nhan-dao-xuong-khu-vuc-bac-gaza.html