Các nước tính lộ trình thay thế xe chạy bằng xăng thế nào?
Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nhiều quốc gia đang tiến hành những bước chuyển mình lịch sử trong ngành giao thông, nhằm loại bỏ dần và tiến tới cấm xe xăng hoàn toàn.
Trong bối cảnh toàn cầu đang hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu, nhiều nước, kể cả những nước phát triển và đang phát triển, đều vạch ra lộ trình cấm xe xăng.
Tùy theo điều kiện và mục tiêu phát triển, mỗi nước chọn một cách tiếp cận khác nhau. Song điểm chung là quyết tâm thúc đẩy phương tiện không phát thải, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện các cam kết giảm phát thải ròng.
Trung Quốc
Những thành phố đông dân như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hải Nam đã đưa ra các biện pháp khuyến khích dùng xe chạy điện bằng cách ban hành những quy định hạn chế mua xe xăng, đăng ký biển số xe xăng có thể mất nhiều năm hoặc hàng nghìn USD...
Ví dụ ở Thượng Hải, người mua xe điện được hưởng lợi từ chính sách miễn phí đáng kể chi phí cấp biển số và được cấp biển số dường như ngay lập tức. Trong khi chủ xe chạy bằng xăng phải tham gia đấu giá hàng tháng, với chi phí khoảng trên dưới 12.330 USD. Chính sách cấp biển số miễn phí cho xe năng lượng mới (NEV) của thành phố đã được gia hạn đến hết năm 2025, tương thích với các ưu đãi khác của thành phố đối với việc đổi xe cũ và mua xe mới.
NEV bao gồm tất cả các loại xe chạy bằng nguồn năng lượng thay thế, trong đó có xe điện chạy bằng pin, xe điện hybrid sạc điện (sử dụng cả động cơ đốt trong và động cơ điện), xe điện chạy bằng pin nhiên liệu hydro.

Các trạm sạc dành cho phương tiện năng lượng mới tại thị trấn Gia Cát (tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc) vào năm 2022. Ảnh: cnsphoto
Đáng chú ý là tỉnh Hải Nam - một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi xanh - đã công bố kế hoạch cấm bán xe xăng mới toàn tỉnh kể từ năm 2030. Đây là kế hoạch cấm toàn diện đầu tiên ở Trung Quốc, được coi là tín hiệu thử nghiệm cho các tỉnh thành khác.
Gần đây, Trung Quốc đã đưa ra quy định bắt buộc gọi là Tín chỉ xe NEV đối với các nhà sản xuất ô tô, được cho là lấy cảm hứng từ quy định về Xe không phát thải của bang California (Mỹ). Theo đó, mỗi hãng xe phải bán ra một tỉ lệ nhất định xe NEV trong tổng số xe bán ra hàng năm của mình.
Mỗi loại xe NEV sẽ nhận được một số điểm tín dụng nhất định, tùy thuộc vào các đặc điểm như phạm vi hoạt động, hiệu suất năng lượng và công suất. Để tránh bị phạt, các hãng xe phải đạt được một số điểm nhất định theo quy định. Các yêu cầu này sẽ ngày càng khắt khe hơn theo thời gian, với mục tiêu đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm 40% tổng doanh số bán ô tô.
Chính phủ Trung Quốc đã tăng đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng sạc cho NEV, hỗ trợ xây dựng các trạm sạc và khuyến khích sự tham gia của vốn xã hội hóa. Theo Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, số lượng trạm sạc trên cả nước đã tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 13,75 triệu. Con số này bao gồm khoảng 3,9 triệu trạm sạc công cộng và 9,85 triệu trạm sạc tư nhân.
Cạnh đó, chính phủ cũng đã giúp các công ty xe điện trong nước duy trì hoạt động trong những năm đầu bằng cách ký kết các hợp đồng mua sắm chính phủ, thúc đẩy phát triển giao thông công cộng bằng NEV, taxi, giao hàng.
Năm 2023, Trung Quốc đã gia hạn chính sách thuế mua ưu đãi đối với xe NEV đến hết năm 2027. Theo đó, xe NEV mua vào năm 2024 và 2025 sẽ được miễn thuế mua và mỗi xe chở khách mua vào sẽ được miễn thuế lên tới 30.000 nhân dân tệ (khoảng 4.178 USD). Đối với xe NEV mua vào năm 2026 và 2027, thuế sẽ được giảm một nửa và mỗi xe chở khách sẽ được miễn thuế lên tới 15.000 nhân dân tệ.
Trung Quốc lần đầu tiên áp dụng chính sách miễn thuế mua xe NEV vào ngày 1-9-2014 và đã gia hạn chính sách này ba lần vào các năm 2017, 2020 và 2022.
Các nước khác châu Á
. Singapore đặt mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong trong việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh với một lộ trình rõ ràng và tham vọng. Theo Kế hoạch Xanh 2030, từ năm 2025, Singapore sẽ ngừng đăng ký mới các phương tiện chạy bằng xăng dầu, bao gồm cả ô tô và taxi.
Đến năm 2030, toàn bộ xe đăng ký mới phải là phương tiện năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid cắm sạc hoặc hydro. Tầm nhìn của Singapore là tất cả loại xe đều chạy bằng năng lượng sạch hơn vào năm 2040.
Tuy nhiên, hiện tại không có hạn chế nào đối với việc tiếp tục sử dụng ô tô hiện có - dù là xăng hay dầu diesel. Người dùng cũng có thể gia hạn giấy chứng nhận quyền sở hữu (COE) của những phương tiện này khi chúng sắp hết hạn để tiếp tục sử dụng, theo tờ Straits Times.
Những người mua xe điện tại Singapore vào năm 2025 sẽ tiếp tục được nhận khoản ưu đãi lên tới 40.000 SGD, như một phần trong nỗ lực của Cơ quan Quản lý Giao thông Đường bộ (LTA) nhằm thúc đẩy việc sử dụng xe điện rộng rãi hơn.
Xe ô tô và xe taxi chạy hoàn toàn bằng điện mới đăng ký sẽ được giảm 45% phí đăng ký bổ sung (ARF) - một loại thuế áp dụng khi đăng ký xe - với mức tối đa là 15.000 SGD.
. Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã cấm bán nhiên liệu cho các phương tiện cũ từ ngày 1-7-2025, khi chính quyền nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nguy hại tại siêu đô thị này. Theo phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2018, ô tô chạy xăng trên 15 năm tuổi và xe chạy dầu diesel trên 10 năm tuổi đã bị cấm lưu thông trên đường phố New Delhi. Tuy nhiên, hàng triệu người vẫn phớt lờ các quy định này, theo Straits Times.
Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1-7 nhằm buộc những phương tiện này ngừng hoạt động bằng cách không cho tiếp nhiên liệu. Từ tháng 11, lệnh cấm sẽ được mở rộng đến các thành phố vệ tinh xung quanh thủ đô, nơi sinh sống của hơn 32 triệu người.
Chính sách xe điện của New Delhi lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2020 và hết hiệu lực vào tháng 8-2023 đã được gia hạn nhiều lần kể từ đó. Hiện tại, chính sách này cung cấp các ưu đãi mua xe như 25% (tối đa 66 USD) cho xe đạp điện, tối đa 360 USD cho xe xích lô điện và xe điện chở hàng, và đối với xe hai bánh điện thì mức hỗ trợ là 60 USD mỗi kWh dung lượng pin (giới hạn ở 360 USD). Ngoài ra, các phương tiện thương mại điện nhẹ cũng đủ điều kiện nhận trợ cấp 360 USD, theo tờ Hindu Times.
Theo các quan chức am hiểu vấn đề, một bản dự thảo sửa đổi đã được soạn thảo và thảo luận, trong đó một số điều chỉnh bổ sung đã được đề xuất và bản dự thảo sẽ trải qua một vòng sửa đổi nữa. Dự thảo chính sách đặt mục tiêu đạt 100% phương tiện điện ở thủ đô trong ba năm tới, tờ Hindu Times đưa tin 16-7.
Các đề xuất chính trong dự thảo bao gồm lệnh cấm hoàn toàn đăng ký mới xe hai bánh chạy bằng xăng, diesel và sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG) sau ngày 15-8-2026, cũng như thay thế toàn bộ xe xích lô chạy bằng CNG bằng xe điện trước tháng 8-2025.
Các quốc gia khác
. Năm 2024, Ethiopia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm hoàn toàn việc nhập khẩu xe sử dụng động cơ đốt trong.
Không theo lộ trình dần dần đến 2030 hay 2035 như nhiều nước khác, Ethiopia áp dụng lệnh cấm ngay lập tức. Lý do chính là chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch vượt 5 tỉ USD mỗi năm - một gánh nặng lớn với nguồn ngoại tệ eo hẹp của quốc gia Đông Phi này. Cùng với đó, an ninh năng lượng và mục tiêu tự chủ cũng là động lực thúc đẩy chính sách mạnh tay.
Cùng thời điểm, Ethiopia bắt đầu vận hành các tổ máy đầu tiên của đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD) với công suất 5.150 MW, cung cấp khoảng 15.500 GWh điện sạch mỗi năm - nền tảng vững chắc để chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện.
Ban đầu, lệnh cấm chỉ áp dụng với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), còn xe nhập khẩu dưới dạng linh kiện (SKD, CKD) vẫn được cho phép nhằm hỗ trợ ngành lắp ráp nội địa. Tuy nhiên, đến tháng 5-2025, chính phủ mở rộng lệnh cấm sang cả SKD và CKD, chỉ giữ lại ngoại lệ cho xe điện, xe hybrid, và xe cứu thương.
Song song, hạ tầng sạc tại Ethiopia cũng đang phát triển nhanh chóng. Tại thủ đô Addis Ababa, trạm sạc nhanh siêu tốc đầu tiên được trang bị tám trạm 600 kW và mười hai trạm 500 kW, sạc đầy trong vòng 15 phút. Chỉ sau vài tuần hoạt động, trạm này đã cấp điện cho hơn 14.000 lượt xe, giúp giảm hơn 521 tấn CO2 - tương đương việc trồng khoảng 2.600 cây xanh.
. Tại Mỹ, quá trình chuyển đổi sang xe không phát thải chủ yếu do các bang tiên phong thúc đẩy, trong đó nổi bật nhất là California.

Các xe điện Tesla đang sạc tại một trạm sạc siêu nhanh ở Hawthorne, bang California (Mỹ). Ảnh: Caroline Brehman/Shutterstock
Bang này đã yêu cầu 100% xe ô tô con, xe tải và xe hạng nhẹ mới bán ra phải là xe không phát thải vào năm 2035, theo quy định Advanced Clean Cars II (ACC II). Quy định này được thực hiện theo sắc lệnh của Thống đốc Gavin Newsom ban hành từ năm 2020, và buộc các hãng xe phải tăng dần tỉ lệ xe điện bán ra mỗi năm cho đến khi đạt mốc 100%.
Theo sau California, 12 bang và Đặc khu Columbia cũng đã triển khai toàn phần hoặc một phần ACC II. Trong đó, Vermont, New York, Oregon và Washington đã thông qua ACC II từ năm 2022 và cùng đặt mục tiêu 2035. Các bang Maryland, Massachusetts và Rhode Island chính thức tham gia từ năm 2023.
Bang Washington thậm chí còn đặt mục tiêu táo bạo hơn: Yêu cầu toàn bộ xe mới phải là xe không phát thải từ năm 2030, sớm nhất toàn quốc. Một số bang như Colorado và Delaware mới đặt chỉ tiêu đạt 82% xe sạch vào năm 2032. New Jersey và New Mexico công bố kế hoạch tương tự, song New Mexico hiện chưa chính thức thông qua.
Thủ đô Washington, D.C. đã phê chuẩn tiêu chuẩn khí thải tương thích với California vào cuối năm 2023, còn các bang như Minnesota, Nevada và Pennsylvania vẫn đang xem xét các quy định tương tự.
. Na Uy hiện là quốc gia có tỉ lệ xe điện cao nhất thế giới. Theo Liên đoàn Đường bộ Na Uy (OFV), trong năm 2024, khoảng 89% số xe mới bán ra tại nước này là xe điện hoàn toàn - một mức tăng mạnh so với con số 82% của năm trước và vượt xa các nước phát triển như Mỹ, Đức hay Nhật.
Là quốc gia giàu có nhờ dầu khí, Na Uy lại sử dụng chính nguồn thu này để đầu tư cho tương lai xanh. Quỹ đầu tư quốc gia trị giá hơn 1.740 tỉ USD của nước này cho phép chính phủ mạnh tay đầu tư vào hạ tầng xe điện, các trạm sạc và hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân mà không làm tăng thâm hụt ngân sách.
Bên cạnh đó, hơn 88% điện năng của Na Uy đến từ thủy điện, với hơn 1.700 nhà máy và khả năng điều phối linh hoạt nhờ hệ thống hồ chứa khổng lồ. Nhờ vậy, việc phát triển xe điện không đi kèm nỗi lo thiếu điện.
Từ những năm 1990, Na Uy đã áp dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”: Xe xăng không bị cấm nhưng phải chịu thuế cao nếu phát thải nhiều CO2, còn xe điện thì được miễn VAT, miễn thuế nhập khẩu, miễn phí đỗ xe, giảm phí cầu đường, được phép đi vào làn buýt... Điều này khiến việc sở hữu xe điện vừa rẻ, vừa tiện lợi.
Từ năm 2023, một số ưu đãi thuế bắt đầu bị thu hẹp như áp VAT với phần giá vượt 500.000 kroner (khoảng 47.000 USD), song người dân vẫn ưu tiên lựa chọn xe điện, không chỉ vì chi phí mà vì ý thức bảo vệ môi trường đã ăn sâu vào văn hóa sống.
. Ngày 14-7, Chính phủ Anh công bố chương trình hỗ trợ mới trị giá 650 triệu bảng nhằm thúc đẩy người dân mua xe điện.
Theo đó, người mua xe điện có giá dưới 37.000 bảng sẽ được giảm trực tiếp đến 3.750 bảng (hơn 5.000 USD). Chính sách này áp dụng từ ngày 16-7 với các hãng xe đã đăng ký tham gia chương trình. Đây là bước đi mới nhằm khơi thông thị trường xe điện trong bối cảnh doanh số đang chững lại do giá thành còn cao - yếu tố cản trở lớn nhất đối với người tiêu dùng phổ thông.
Mục tiêu dài hạn của Anh là ngừng bán xe chạy xăng và diesel vào năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước đó, Anh từng hủy bỏ chương trình ưu đãi xe điện năm 2022 để chuyển trọng tâm sang phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng. Tuy nhiên, sau nhiều sức ép từ ngành công nghiệp ô tô, cũng như việc nới lỏng các tiêu chuẩn về bán xe điện vào tháng 4-2024, chính phủ buộc phải quay trở lại với chính sách trợ giá.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Anh (SMMT), từ đầu năm đến nay, các hãng xe đã phải chi khoảng 6,5 tỉ bảng cho các chương trình giảm giá để tránh bị phạt do không đạt chỉ tiêu xe sạch.
Chương trình ưu đãi mới sẽ kéo dài đến hết năm tài khóa 2028-2029. Theo đánh giá của các chuyên gia, khoản hỗ trợ này có thể giúp gần một nửa số mẫu xe điện trên thị trường trở nên dễ tiếp cận hơn, góp phần quan trọng đưa nước Anh trở lại quỹ đạo chuyển đổi xanh sau một thời gian chững lại.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-nuoc-tinh-lo-trinh-thay-the-xe-chay-bang-xang-the-nao-post860899.html