Các nước triển khai nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn đại dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều nước đang ráo riết tăng cường các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn.

 Một khu phố shopping thường ngày đông đúc ở Bangkok (Thái Lan) nay trở nên vắng vẻ vì đại dịch. Ảnh: Anadolu Agency

Một khu phố shopping thường ngày đông đúc ở Bangkok (Thái Lan) nay trở nên vắng vẻ vì đại dịch. Ảnh: Anadolu Agency

Ngày 1-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành luật trao thêm một số quyền cho nội các nước này, trong đó có việc ban bố lệnh trình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và tăng nợ trong trường hợp phải áp dụng các biện pháp cách ly và dịch tễ học. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nga đã ghi nhận 2.777 trường hợp mắc Covid-19 ở 75 khu vực trên cả nước.

Cùng ngày, Tổng thống Putin đã ký ban hành các sửa đổi Đạo luật vi phạm hành chính (CAO), theo đó sẽ phạt tiền tối đa 10 triệu rubble các pháp nhân phát tán qua các phương tiện truyền thông hay internet thông tin giả đe dọa tới tính mạng, kể cả dịch bệnh.

Còn tại Hungary, Quốc hội nước này đã thông qua dự luật, với tỷ lệ 137 phiếu thuận và 52 phiếu chống, trao quyền cho Thủ tướng Victor Orban điều hành đất nước bằng sắc lệnh không giới hạn về thời gian. Dự luật đã được Tổng thống Janos Ader ký ban hành luật, theo đó cho phép áp dụng hình phạt tù đối với những người cản trở các biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch hoặc phát tán thông tin sai lệch liên quan tới dịch bệnh. Những người không tuân thủ lệnh kiểm dịch sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự và Hungary sẽ trục xuất những người nước ngoài không tuân thủ kiểm dịch bắt buộc.

Một quốc gia khác ở châu Âu là Tây Ban Nha cũng siết chặt các quy định hạn chế đi lại sau khi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Các lao động trong lĩnh vực không trọng yếu được yêu cầu ở nhà từ ngày 30-3. Các hạn chế này sẽ kéo dài đến ngày 12-4 nhưng cũng có thể được gia hạn tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Trong khi đó tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết Anh sẽ "tăng cường xét nghiệm hàng loạt" trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang hoành hành tại nước này. Theo số liệu công bố ngày 1-4, tại Anh đã ghi nhận 2.352 ca tử vong. Ngày 1-4 là ngày có số ca tử vong cao nhất trong một ngày ở Anh với 563 ca. Tại Ireland, Phó thủ tướng Simon Coveney ngày 2-4 cho biết các biện pháp hạn chế cao độ (yêu cầu mọi người ở trong nhà) đang áp dụng từ tuần trước có thể sẽ kéo dài sau thời hạn chót ngày 12-4.

Cùng với các nước châu Âu, các nước châu Á cũng đang quyết liệt thực thi thêm nhiều biện pháp để ngăn chặn đại dịch. Tại Hàn Quốc, Viện Công tố Tối cao Hàn Quốc cho biết sẽ có thể bắt giam điều tra đối với những cá nhân nhập cảnh Hàn Quốc song không tuân thủ lệnh cách ly 14 ngày bắt buộc, làm lây lan dịch bệnh, cản trở chính sách phòng dịch của Chính phủ nước này. Theo Viện Công tố Tối cao Hàn Quốc, trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tù tối đa một năm hoặc phạt hành chính 10 triệu won (8.050 USD), căn cứ theo Luật Kiểm dịch. Bộ Tư pháp Hàn Quốc cùng ngày cũng đã lập hệ thống điện tử chia sẻ thông tin số điện thoại liên lạc, địa chỉ nơi ở của người nước ngoài, trao đổi thông tin với chính quyền các địa phương để ngăn chặn các ca nhiễm Covid-19 "nhập ngoại".

Ngày 2-4, Tòa án sơ thẩm thành phố Ipoh (Malaysia) đã phạt 26 cá nhân, trong đó có 12 người nước ngoài, mỗi người 1.000 ringgit (khoảng 240 USD) do không chấp hành Mệnh lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) được ban hành nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nếu không nộp phạt, các đối tượng nói trên sẽ bị bỏ tù trong 3 tháng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2-4 dự báo đỉnh dịch tại Malaysia có thể vào giữa tháng 4 khi mà có dấu hiệu số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang chững lại. Malaysia hiện là quốc gia có số ca mắc cao nhất tại Đông Nam Á với 2.908 trường hợp và số tử vong là 45 người.

Còn tại Thái Lan, Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã ra lệnh cho cảnh sát trên toàn quốc đẩy mạnh các cuộc tuần tra an ninh và có hành động cứng rắn đối với những người không tuân thủ các biện pháp được đưa ra nhằm chặn đứng đại dịch, trong đó có lệnh cấm tụ tập đông người. Nước này đã đặt mục tiêu 80% người dân tham gia giãn cách xã hội. Kết quả khảo sát của Cục Sức khỏe tâm thần thuộc Bộ Y tế Thái Lan cho thấy, khoảng 70% người dân nước này hiểu và đang tham gia cuộc vận động giãn cách xã hội. Cuộc khảo sát này được thực hiện tuần trước với 26.000 người nhằm tìm ra những biện pháp thích hợp cần thiết để thúc đẩy số người tham gia giãn cách xã hội vượt ngưỡng 80%.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cac-nuoc-trien-khai-nhieu-bien-phap-manh-de-ngan-chan-dai-dich-covid-19-614119