Các 'ông lớn' công nghệ bị thổi bay nghìn tỷ USD, Mỹ kiện TikTok

Các 'ông lớn' công nghệ bị thổi bay nghìn tỷ USD; Mỹ kiện TikTok xâm phạm quyền trẻ em... là những thông tin nổi bật trong bản tin công nghệ thứ 7 tuần này.

Các 'ông lớn' công nghệ bị thổi bay nghìn tỷ USD

Bảy công ty công nghệ vốn hóa lớn nhất của Mỹ đã bị thổi bay khoảng 1.000 tỷ USD trong ngày giao dịch đầu tuần (5/8) trên sàn chứng khoán Mỹ.

Trong đó, Nvidia mất 300 tỷ USD ngay khi thị trường mở cửa, nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi được một nửa khoản lỗ. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip đóng cửa giảm 6,4%, tương đương 168 tỷ USD.

Định giá của Apple và Amazon lần lượt giảm 224 tỷ USD và 109 tỷ USD đầu phiên. Kết thúc ngày giao dịch, vốn hóa “nhà táo” giảm 4,8% tương đương 162 tỷ USD, còn Amazon giảm 4,1%, tương đương 72 tỷ USD.

Cùng với những "gã khổng lồ" công nghệ khác như Meta, Microsoft, Alphabet và Tesla, tổng cộng 7 công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đã mất 995 tỷ USD và chỉ phục hồi không đáng kể sau đó.

Thị trường giảm mạnh ngay đầu tuần với lo ngại về suy thoái kinh tế, bắt nguồn từ dữ liệu kinh tế thất vọng của tuần trước. Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 12%, mức giảm sâu nhất kể từ “ngày thứ hai đen tối” năm 1987 của phố Wall. Bitcoin cũng giảm mạnh 11%, dẫn đầu làn sóng bán tháo tiền mã hóa và cổ phiếu có liên quan.

Trong lĩnh vực công nghệ, các nhà đầu tư đang trở nên quan ngại những tuần gần đây. Nasdaq đã giảm 3,4% vào tuần trước, đánh dấu chuỗi ba tuần tồi tệ nhất trong 24 tháng qua.

Mỹ kiện TikTok xâm phạm quyền trẻ em

Hôm 2/8, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện TikTok và công ty mẹ ByteDance vì không bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên ứng dụng.

Mỹ cáo buộc TikTok cho phép trẻ dưới 13 tuổi tạo tài khoản mà không có sự đồng ý hay biết từ bố mẹ. Ảnh: Shutterstock

Mỹ cáo buộc TikTok cho phép trẻ dưới 13 tuổi tạo tài khoản mà không có sự đồng ý hay biết từ bố mẹ. Ảnh: Shutterstock

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc TikTok vi phạm Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (COPPA) khi cho phép trẻ em tạo tài khoản mà không được sự đồng ý của bố mẹ. TikTok còn thu thập và lưu trữ giữ liệu cá nhân từ trẻ em, chẳng hạn địa chỉ email, số điện thoại, vị trí và không làm theo yêu cầu xóa thông tin trẻ em từ phụ huynh.

Vụ kiện là động thái mới nhất của Mỹ trước TikTok và ByteDance vì lo ngại công ty này thu thập không đúng cách lượng dữ liệu khổng lồ về người Mỹ cho Trung Quốc, đồng thời ảnh hưởng đến nội dung theo cách có thể gây hại cho người Mỹ. Mục đích của vụ kiện là chấm dứt "các cuộc xâm phạm quy mô lớn bất hợp pháp của TikTok đối với quyền riêng tư của trẻ em".

Theo CNN, vụ kiện bắt nguồn từ thỏa thuận năm 2019 giữa TikTok và Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) để giải quyết cáo buộc TikTok thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân của người dưới 13 tuổi. Thỏa thuận yêu cầu ứng dụng Trung Quốc thực hiện các biện pháp cụ thể để tuân thủ COPPA. Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố TikTok đã tiếp tục vi phạm pháp luật, cũng như lệnh của tòa án năm 2019.

FTC bắt đầu điều tra khả năng vi phạm COPPA của TikTok từ đầu năm nay. Trong tuyên bố hôm 2/8, Chủ tịch FTC Lina Khan khẳng định: “TikTok biết và liên tục xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em, đe dọa an toàn của hàng triệu trẻ em cả nước”.

Trung Quốc phóng thành công vệ tinh Internet

Hôm 6/8, Trung Quốc đã phóng loạt vệ tinh Internet đầu tiên, chính thức khởi động cuộc đua với dịch vụ Starlink của SpaceX.

Được biết đến với cái tên "Ngàn cánh buồm", Trung Quốc cho biết chùm 14.000 vệ tinh sẽ tạo ra vùng phủ sóng Internet toàn cầu.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chiều ngày 6/8, tên lửa đẩy Trường Chinh 6A được phóng từ trung tâm Thái Nguyên ở phía bắc tỉnh Sơn Tây, đưa 18 vệ tinh quỹ đạo tầm thấp đầu tiên vào không gian đúng như kế hoạch.

CNBC nhận định, vụ phóng nhấn mạnh tham vọng không gian của Trung Quốc và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đánh bật sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực này khi cuộc chiến công nghệ giữa hai quốc gia mở rộng.

Dự án “Ngàn cánh buồm” được thiết lập năm ngoái với mục tiêu tạo mạng lưới vệ tinh LEO đủ khả năng thách thức Starlink. Đơn vị chủ trì là Công ty công nghệ vệ tinh Yuanxin Thượng Hải. Dự án bao gồm ba giai đoạn, trong đó, giai đoạn cuối và đến năm 2030 sẽ vận hành hơn 14.000 vệ tinh để cung cấp đa dịch vụ thẳng đến thiết bị di động.

Ngoài “Ngàn cánh buồm”, các dự án quy mô lớn khác của Trung Quốc đang được lên kế hoạch, bao gồm chùm 12.992 vệ tinh của China Satellite Network, chùm 10.000 vệ tinh của Lanjian Aerospace.

Hải Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cac-ong-lon-cong-nghe-bi-thoi-bay-nghin-ty-usd-my-kien-tiktok-2310347.html