Các ông lớn công nghệ Mỹ chưa thể 'cai' chip Trung Quốc

Những lệnh hạn chế công nghệ chưa giúp các doanh nghiệp lớn của Mỹ thoát khỏi thị trường Trung Quốc. Hiện có 8 công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ vẫn phụ thuộc quốc gia này trong lĩnh vực bán dẫn.

Chip Mỹ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Chip Mỹ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Vẫn quyết bấu víu vào Trung Quốc

Apple, công ty có giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường ở mức 3.000 tỷ USD, là công ty toàn cầu kiếm được nhiều doanh thu nhất ở Trung Quốc vào năm 2022, chỉ xếp sau thị trường Mỹ.

Cụ thể, doanh thu của “Nhà táo” tại đây đã tăng 43% lên 74,2 tỷ USD trong năm tài chính 2022 từ 51,9 tỷ USD trong năm tài chính 2018.

Với Tesla, doanh số bán hàng của hãng tại nền kinh tế số 2 thế giới đã tăng vọt, chiếm 22% tổng doanh số bán hàng của hãng, nhờ việc Trung Quốc nhanh chóng áp dụng công nghệ xe điện.

Qualcomm, công ty phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, tính đến tháng 9 năm ngoái đã kiếm được 63,6% doanh số bán hàng tại đại lục và Hồng Kông.

Micron Technologies, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, bị ảnh hưởng nặng nề mất khi gần 1/8 doanh thu toàn cầu của mình do thương chiến Mỹ - Trung.

Dù vậy, hãng vẫn thông báo sẽ tăng cường đầu tư tại Trung Quốc, bổ sung 600 triệu USD để mở rộng nhà máy đóng gói chip ở Tây An.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, Micron khẳng định: “Dự án đầu tư minh chứng cam kết kiên định của Micron với việc kinh doanh và đội ngũ Trung Quốc”.

Xét chung, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 doanh số bán dẫn thế giới. Đối với một vài hãng chip, quốc gia này phụ trách 60-70% doanh thu. Ngay cả khi chip được sản xuất tại Mỹ, chúng thường được gửi đến Trung Quốc để lắp ráp và kiểm tra.

Emily S. Weinstein, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An toàn và Công nghệ mới nổi, nhận xét: “Chúng ta không thể chỉ bật công tắc và đột nhiên yêu cầu tất cả phải mang mọi thứ ra khỏi Trung Quốc”.

Theo nhiều chuyên gia, việc các công ty công nghệ Mỹ tiếp xúc nhiều với Trung Quốc cho thấy tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu. Cho tới gần đây, không có lý do cụ thể nào để nghĩ rằng việc phát triển thị trường đại lục là rủi ro.

Thị trường khó bỏ

Tổng thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đạt mức kỷ lục 690 tỷ USD trong năm 2022, trong đó Washington xuất khẩu tăng 28% trong giai đoạn 2018-2022. Ở chiều ngược lại, năm ngoái Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc 536,3 tỷ USD.

Micron Technologies dù bị Trung Quốc trừng phạt vẫn tăng cường đầu tư tại đây. (Ảnh: Reuters)

Micron Technologies dù bị Trung Quốc trừng phạt vẫn tăng cường đầu tư tại đây. (Ảnh: Reuters)

“Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu” - Fu Fangjian, Phó giáo sư Trường Kinh doanh Lee Kong Chian, Đại học Quản lý Singapore, nói.

“Thị trường này cũng giống thị trường nội địa tại Mỹ đối với các doanh nghiệp công nghệ. Trong khi chính phủ Mỹ cố gắng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp lại không thể sống thiếu thị trường bên kia bán cầu” - ông này cho biết thêm.

Thậm chí, một số chuyên gia cảnh báo, rủi ro lớn nhất đối với các công ty công nghệ Mỹ là cấm hoàn toàn và mất khả năng bán hoặc sản xuất tại Trung Quốc.

Hơn nữa, Trung Quốc là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới. Các công ty Mỹ cần phải kinh doanh tại đây để tiếp tục phát triển, đổi mới và đi trước đối thủ.

Cũng chính vì thế, sau khi các biện pháp kiểm soát Covid-19 được dỡ bỏ, lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ đã cấp tập tới thăm Bắc Kinh.

Tháng 3, Tim Cook, CEO của Apple và Cristiano Amon, CEO của Qualcomm, đã tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, cùng với các giám đốc điều hành từ các công ty toàn cầu khác.

Vào tháng 4, Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger đã đến thăm Bắc Kinh và gặp gỡ các quan chức Trung Quốc.

Cuối tháng 5, tỷ phú Elon Musk, đồng sáng lập công ty dẫn đầu về xe điện Tesla, cũng đã đến thăm Trung Quốc, sau đó đi thăm nhà máy Thượng Hải của Tesla.

Vào tháng 6, Bill Gates, người đồng sáng lập tập đoàn công nghệ khổng lồ Microsoft, đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón tại Bắc Kinh.

H.N (tổng hợp)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cac-ong-lon-cong-nghe-my-chua-the-cai-chip-trung-quoc-post106404.html