Các 'ông lớn' Dầu khí & tham vọng năng lượng sạch

Các công ty dầu khí hàng đầu thế giới vẫn kiếm tiền bằng nhiên liệu hóa thạch, nhưng cùng lúc, họ cũng đi đầu trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Nhà máy thu giữ carbon lớn nhất thế giới Orca của Iceland

Nhà máy thu giữ carbon lớn nhất thế giới Orca của Iceland

Theo một báo cáo của BloombergNEF, trong 5 năm qua, tổng đầu tư vào công nghệ, lưu trữ, vận chuyển năng lượng tái tạo trên toàn cầu tới gần 60 tỉ USD.

ExxonMobil

Trong 6 năm tới, ExxonMobil có kế hoạch đầu tư hơn 15 tỉ USD cho các sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính.

Exxon đang đi đúng lộ trình để đạt được các mục tiêu giảm cường độ phát thải vào năm 2025. Theo tiến độ, Exxon đang thực hiện các kế hoạch cắt giảm tích cực hơn nữa phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris, cũng như Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan của Mỹ được công bố mới đây.

Một trong những công nghệ chính là thu hồi và lưu trữ carbon, một phương pháp đã được chứng minh có thể thu thập và lưu trữ khí thải CO2 an toàn ở sâu dưới lòng đất. Các chuyên gia độc lập thuộc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ủy ban Liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu nhấn mạnh, việc thu hồi và lưu trữ carbon là vô cùng quan trọng nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng O vào năm 2050.

ExxonMobil là công ty hàng đầu thế giới về thu hồi carbon và đã thu được nhiều khí thải CO2 do con người tạo ra hơn bất kỳ công ty nào khác.

Mới đây, ExxonMobil đã bày tỏ sự quan tâm đến việc hỗ trợ trung tâm thu hồi và lưu trữ carbon trong khu vực công nghiệp Houston (Mỹ). Đại diện ExxonMobil tin rằng, đến năm 2040, trung tâm này có thể thu hồi khoảng 100 triệu tấn CO2 hằng năm từ các nhà máy lọc dầu, hóa chất và sản xuất điện, tương đương với lượng phát thải khí nhà kính từ hơn 20 triệu phương tiện chở khách chạy xăng.

TotalEnergies

Tham vọng của TotalEnergies là đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. TotalEnergies đã thiết lập quan hệ đối tác với AgriProve và Corporate Carbon để phát triển các bể chứa carbon dưới lòng đất ở Australia.

Với AgriProve, TotalEnergies có kế hoạch triển khai quá trình cô lập 3 triệu tấn CO2 trên 20.000 ha. Mối quan hệ hợp tác thứ hai dựa trên phương pháp quản lý chống cháy rừng theo bí quyết của người Australia bản địa.

Kể từ tháng 10-2020, Total Energies và AgriProve đã hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của các bể chứa carbon. Dự án này tài trợ và hỗ trợ cho nông dân trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp thâm canh sang nông nghiệp tái sinh. Nông dân tham gia chương trình cũng được hưởng thu nhập bổ sung từ việc bán hạn ngạch carbon của Australia.

TotalEnergies và Daimler Truck hôm 11-11-2021 đã ký một thỏa thuận cùng nhau tham gia vào quá trình khử carbon trong vận tải hàng hóa đường bộ tại EU, nhờ sử dụng các xe tải hạng nặng chạy bằng hydro.

Đôi bên sẽ hợp tác phát triển các phương tiện chở hàng hạng nặng chạy bằng hydro. Mục tiêu là chứng minh sức hấp dẫn và hiệu quả của vận tải đường bộ chạy bằng hydro sạch và tạo động lực cho việc triển khai cơ sở hạ tầng hydro cho đường bộ.

TotalEnergies đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ vận hành trực tiếp hoặc gián tiếp khoảng 150 trạm sạc hydro ở Đức, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Pháp.

Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tương lai

Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tương lai

BP

Hồi tháng 3-2021, “ông lớn” dầu khí BP đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh H2 Teesside bằng phương pháp chuyển đổi khí tự nhiên (CH4) thành hydro và CO2. Dự án có công suất thiết kế 1 GW, có khả năng thu gom và lưu trữ 2 triệu tấn CO2/năm. Nhà máy có vị trí gần các địa điểm lưu trữ CO2 ở Biển Bắc, khả năng kết nối cao với mạng lưới đường ống dẫn khí và phân phối hydro. Trong giai đoạn một của dự án, BP sẽ lắp đặt công suất 500 MW, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027. Giai đoạn hai sẽ mở rộng công suất của nhà máy vào năm 2030, khi nhu cầu tiêu thụ hydro tăng lên. Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của dự án dự kiến được thông qua vào năm 2024.

H2 Teesside sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động kinh doanh hydro của BP và góp phần vào mục tiêu đạt công suất 5 GW trong sản xuất hydro của Chính phủ Anh vào năm 2030.

Với quy mô lớn và chi phí sản xuất hydro xanh thấp, dự án có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của các cơ sở công nghiệp từ sử dụng khí thiên nhiên sang hydro trong khu vực Teesside. H2 Teesside sẽ được tích hợp với các dự án trong khu vực là Net Zero Teesside và Northern Endurance Partnership.

Shell

Tháng 5-2021, Shell thông báo đã ký thỏa thuận với 2 nhà phát triển hệ thống điện mặt trời của Anh để tiến hành các dự án mới ở Anh.

Gã khổng lồ năng lượng Anh - Hà Lan cho biết, họ đã ký một thỏa thuận khung với Công ty năng lượng tái tạo Island Green Power để phát triển một số dự án điện mặt trời ở Anh, đi kèm với các hệ thống lưu trữ.

Shell cũng hợp tác với Clearstone Energy trong một số dự án điện mặt trời được lên kế hoạch ở phía Đông Nam nước Anh, công suất khoảng 100 MW.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao vị thế trong lĩnh vực điện mặt trời và năng lượng tái tạo, Shell cũng xúc tiến thương vụ mua nhà phát triển Dự án Savion của Mỹ. Shell sẽ mua lại 100% cổ phần của Savion từ chủ sở hữu hiện tại, Macquarie’s Green Investment Group.

Thỏa thuận này làm tăng thêm lợi ích hiện có về điện mặt trời tại Mỹ của Shell thông qua cổ phần của công ty và đánh dấu một bước tiến lớn trong tham vọng đi đầu điện mặt trời toàn cầu của Shell.

Các điều khoản tài chính của thỏa thuận không được tiết lộ, nhưng Shell cho biết, khoản đầu tư hằng năm dành cho năng lượng carbon thấp đã giảm xuống dưới 2-3 tỉ USD.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cac-ong-lon-dau-khi-tham-vong-nang-luong-sach-640177.html