Các 'ông lớn' nước ngoài Google, Amazon đóng thuế 'khủng' nhưng chưa tương xứng

Có chuyên gia gia cho rằng, doanh thu từ những ông lớn đa quốc gia như Google, Amazon ở trên thị trường Việt Nam là rất lớn, nhưng lượng thuế họ nộp chưa tương xứng.

Thương mại điện tử Việt Nam phát triển "nóng"

Thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm.

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương: Nếu cách đây 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.

 Thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua. (Ảnh: ST)

Thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua. (Ảnh: ST)

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số cho rằng: TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng.

Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối.

Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của TMĐT cũng đối mặt với không ít khó khăn. Đặc biệt, TMĐT không chỉ là “sân chơi” của các doanh nghiệp trong nước mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon. Do đó, việc bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, nhất là công tác quản lý thuế là vô cùng thách thức.

Các 'ông lớn' nước ngoài Google, Amazon đóng thuế 'khủng' nhưng chưa tương xứng

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: TMĐT là hình thức kinh doanh mới trên thế giới, là hình thức thay đổi rất nhanh chóng, trong khoảng thời gian rất ngắn đã có những hình thức kinh doanh mới ra đời. Chính vì lẽ đó, việc quản lý TMĐT cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, vừa qua, nhiều “ông lớn” như Google, Amazon và nhiều doanh nghiệp đa quốc gia khác đã đăng ký khai thuế tại Việt Nam. Nhờ đó, lượng nộp thuế của các doanh nghiệp từ chỗ rất nhỏ đến lúc có hàng ngàn tỷ đồng như hiện nay cũng đã là một bước tiến vượt bậc.

“Tuy nhiên, doanh thu từ những ông lớn này ở trên thị trường Việt Nam là rất lớn, nhưng lượng thuế họ nộp chưa tương xứng. Rõ ràng chúng ta cần phải có cơ sở thống kê dữ liệu, các kho dữ liệu lớn và các phương pháp quản lý để từ đó chúng ta có bằng chứng để có thể thu đúng, thu đủ từ các ông lớn này”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu.

Trước thực trạng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị phải hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. Đơn cử,\ năm 2010, trong Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Thế nhưng đến bây giờ, quy định này đã không còn phù hợp.

“Thời đại khác rồi, kinh tế số chỉ cần 1 giây là đã có đầy đủ, chúng ta không phải miễn cái đó”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, ông Thịnh đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, kho dữ liệu. Vì kho này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội.

“Cho nên việc chúng ta xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu về thương mại điện tử là việc làm cần thiết và cấp bách”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc tuyên truyền để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng, đủ cho nhà nước. Đó là điều chúng ta phải thực thi. Trên cơ sở như vậy, kể cả các chủ thể không có thể nhân ở Việt Nam nhưng người Việt Nam tiêu dùng hàng hóa của họ vẫn có đòi hỏi, buộc họ phải nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam là một điều mỗi người dân cần phát huy điều đó.

“Chúng tôi cho rằng kết hợp giữa các Bộ, ban, ngành, kết hợp giữa tuyên truyền, quảng cáo và ý thức của người dân đối với hoạt động quản lý và thu thuế từ thương mại điện tử sẽ là cơ sở chúng ta có thể quản lý thương mại điện tử một cách phù hợp và sâu sát hơn”, ông Thịnh nói thêm.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-ong-lon-nuoc-ngoai-google-amazon-dong-thue-khung-nhung-chua-tuong-xung-post313591.html