Các phe phái Syria đạt đồng thuận quan trọng

Ngày 24-12, lãnh đạo lực lượng đối lập lớn nhất tạiSyria ông Ahmed al-Sharaa cho biết các phe phái đối lập khác đã đồng ý giải tán và giới lãnh đạo cầm quyền hiện nay tại Syria đã đạt được thỏa thuận hợp nhất các phe phái này thành một lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng của chính quyền lâm thời.

Thủ lĩnh lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ở Syria, ông Ahmad al-Shara.

Thủ lĩnh lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ở Syria, ông Ahmad al-Shara.

Trong một tuyên bố phát đi ngày 24-12 của chính quyền lâm thời Syria, cuộc họp giữa ông al-Sharaa và những người đứng đầu các lực lượng đối lập khác đã kết thúc bằng một thỏa thuận về việc giải thể tất cả các nhóm và sáp nhập dưới sự giám sát của Bộ Quốc phòng hiện nay tại Syria. Tuy nhiên, nhóm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo và được Mỹ hỗ trợ ở khu vực Đông Bắc Syria đã không tham gia vào thỏa thuận vừa được công bố.

Tin tức trên được đưa ra trong bối cảnh Syria đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp chính trị kéo dài 3 tháng sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ chỉ 12 ngày kể từ khi liên minh quân sự do HTS lãnh đạo tiến hành chiến dịch quân sự lớn từng bước chiếm thủ đô Damascus. Vào tuần trước, Thủ tướng lâm thời Mohammed al-Bashir cho biết Bộ Quốc phòng nước này sẽ được tái cấu trúc thông qua việc sử dụng các lực lượng phiến quân cũ trước đây và các sĩ quan rời khỏi hàng ngũ của lực lượng quân đội của Chính quyền Bashar al-Assad.

Trước đó, kênh Al Jazeera từng chia sẻ, sau khi Chính quyền al-Assad sụp đổ, các chiến binh đối lập từ khắp đất nước đã đổ về Damascus và một số người trong số họ tuyên bố kiểm soát các vùng lãnh thổ khác nhau của thủ đô. Al Jazeera cho rằng, nỗi lo lắng chính là làm sao để những nhóm đã chiến đấu chống lại chính quyền cũ trong suốt 13 năm nội chiến - những nhóm được trang bị vũ khí hạng nặng - có thể hợp nhất và thống nhất. Vì thế, việc ông Ahmed al-Sharaa có thể hợp nhất được các lực lượng vào Bộ Quốc phòng là một diễn biến tích cực trong giải quyết những bất ổn sâu sắc trong lòng Syria hiện nay.

Sau cuộc tấn công toàn diện cách đây hơn 2 tuần, nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) của ông al-Sharaa lên nắm thực quyền tại Damascus hiện nay. Giới lãnh đạo cầm quyền hiện nay tại Syria đã bổ nhiệm ông Murhaf Abu Qasra, một nhân vật lãnh đạo trong cuộc chiến lật đổ Tổng thống al-Assad, làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền lâm thời Syria.

Thủ lĩnh lực lượng đối lập lớn nhất tại Syria, ông Al-Sharaa trước đó đã cam kết rằng mọi vũ khí trong nước, bao gồm cả vũ khí do lực lượng người Kurd nắm giữ, sẽ nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Ông cũng đã tìm cách trấn an các quan chức phương Tây tới thăm đến Syria rằng HTS sẽ không tìm cách trả thù chế độ cũ cũng như không đàn áp bất kỳ nhóm tôn giáo thiểu số nào. Ông cho biết trọng tâm chính của mình là tái thiết đất nước và đạt được phát triển kinh tế và không quan tâm đến việc tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột mới nào.

Hiện nay, ông al-Sharaa đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cố gắng tránh xung đột với nhiều nhóm sắc tộc, tôn giáo tại Syria. Các nhóm thiểu số về sắc tộc và tôn giáo của Syria bao gồm người Kurd theo đạo Hồi và người Shiite - những người lo sợ bất kỳ nhóm lãnh đạo Hồi giáo Sunni cũng sẽ gây phương hại cho cuộc sống của mình - cũng như những người theo Chính thống giáo Syria, Hy Lạp và Armenia, và cộng đồng Druze.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya cho biết nước này đã tạo điều kiện cho 25.000 người Syria tự nguyện hồi hương trong 15 ngày qua, đánh dấu mức tăng gấp 7 lần so với mốc thông thường những năm qua. Theo đó, Ankara đơn giản hóa các thủ tục đối với người Syria hồi hương; cho phép họ mang theo đồ đạc cá nhân như đồ gia dụng và xe cộ; đưa ra các biện pháp mới, cho phép một thành viên của mỗi gia đình Syria được đi lại qua biên giới 3 lần trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến 7-2025.

Cũng trong ngày 24-12, người phát ngôn của Chính phủ Iran Fatemeh Mohajerani cho biết nước này và Syria đang tiến hành các cuộc tham vấn ngoại giao về việc mở lại đại sứ quán của mỗi bên tại Damascus và Tehran. Bà Mohajerani cho biết thêm rằng cả hai bên đều đã sẵn sàng cho thực hiện kế hoạch này. Ngoài ra, nữ phát ngôn viên nêu rõ phía Iran nhấn mạnh điều cần thiết là phải thành lập một Chính phủ Syria dựa trên phiếu bầu của người dân và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này. Song song với đó cần ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của chủ nghĩa khủng bố để tránh mọi tác hại đối với Syria cũng như các quốc gia láng giềng.

Liên quan tình hình Syria, ngày 24-12, Qatar kêu gọi nhanh chóng dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế đối với Syria sau khi ông Bashar al-Assad bị lật đổ; cho rằng những nguyên nhân dẫn tới lệnh trừng phạt này giờ đây không còn nữa. Lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi một phái đoàn cấp cao của Qatar đến thăm Damascus. Đại sứ quán Qatar đã mở cửa trở lại tại Damascus vào ngày 22-12, chấm dứt rạn nứt kéo dài 13 năm giữa hai nước.

Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị hỗ trợ Syria in tiền mới, tái thiết hạ tầng

Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ chính quyền lâm thời của Syria trong việc in tiền giấy. Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thổ Nhĩ Kỳ Abdulkadir Uraloglu cho biết ngày 24-12.

Sau khi chính phủ của ông al-Assad sụp đổ, ngày càng có nhiều lời kêu gọi thay thế tiền tệ hiện tại của Syria, đặc biệt là những tờ tiền có hình ảnh của ông Hafez và al-Assad. Thay thế một loại tiền tệ quốc gia phải trải qua nhiều bước, bao gồm thiết kế tiền mới, lựa chọn biểu tượng và vật liệu, xin phê duyệt của chính phủ và quản lý quá trình in ấn. Các chuyên gia kinh tế lưu ý rằng loại tiền tệ mới đòi hỏi quản lý ổn định, cải cách kinh tế và nguồn lực tài chính để trang trải chi phí sản xuất trong khi vẫn kiểm soát lạm phát. Việc đưa ra một loại tiền tệ mới cũng đòi hỏi phải có khuôn khổ pháp lý để thực thi quá trình sử dụng và điều chỉnh cơ chế trao đổi với loại tiền tệ cũ.

Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố kế hoạch hỗ trợ Syria tái thiết cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông quan trọng. Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đến Syria sớm nhất có thể để đánh giá cơ sở hạ tầng điện và năng lượng, đồng thời đề xuất các giải pháp giải quyết khủng hoảng năng lượng ở quốc gia láng giềng. Ankara sẽ nỗ lực phục hồi các trung tâm giao thông của Syria, bắt đầu bằng việc khôi phục hoạt động các sân bay ở Damascus và Aleppo. Thổ Nhĩ Kỳ cũng công bố kế hoạch khôi phục các sân bay này cũng như một số phần của tuyến đường sắt Hejaz lịch sử ở Syria.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cac-phe-phai-syria-dat-dong-thuan-quan-trong-post306567.html