Các phương án giải quyết vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản trong sản xuất VLXD được đưa ra trong Chiến lược phát triển VLXD
Nguồn tài nguyên phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng đang dần bị cạn kiệt, bên cạnh đó trong quá trình khai thác đã ảnh hưởng đến môi trường tác động đến biến đổi khí hậu. Vì vậy phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đảm bảo môi trường đang là hướng đi, định hướng của nhiều địa phương, nhất là những địa phương có dồi dào nguồn khoáng sản phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng.
Hoàn thiện thể chế chính sách
Một trong những giải pháp hàng đầu để thực hiện mục tiêu trên là hoàn thiện thể chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho việc cấp giấy phép khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, tránh khai thác bừa bãi, tự phát ảnh hưởng đến môi trường.
Trong quý IV/2019 đến đầu quý I/2020, Quảng Bình đã tổ chức phiên đấu giá theo quy định đối với 02 khu vực mỏ có diện tích 24,55ha, trong đó cát làm vật liệu xây dựng thông thường 01 khu vực mỏ, diện tích 4,55ha và đất làm vật liệu san lấp 01 khu vực mỏ, diện tích 20,0ha.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ cụ thể cho từng khu vực mỏ, bao gồm: Đo đạc, xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền mặt trước cho từng khu vực mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá; lập, phê duyệt dự toán kinh phí liên quan để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực mỏ, cho phép ứng vốn để thực hiện và thanh toán theo thực tế từ nguồn cân đối tài chính năm 2019 của đơn vị; tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản cũng như pháp luật khác có liên quan.
Đối với các Sở, ngành, địa phương có liên quan, UBND tỉnh cũng yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức, triển khai hoạt động đấu giá quyền khai thác theo kế hoạch đề ra; chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện bảo vệ mặt bằng, mốc giới khu mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo nguyên trạng để bàn giao cho tổ chức, cá nhận trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phối hợp tổ chức, triển khai hoạt động đấu giá quyền khoáng sản...
Cũng thực hiện giải pháp này, tại Cao Bằng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 5 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh năm 2020 gồm: Nà Bát, xã Hồng Việt (Hòa An); Bản Tin, xã Hạnh Phúc (Quảng Hòa); Nà Cháo, xã Sóc Hà, Bản Chá, xã Ngọc Đào (Hà Quảng); Bó Chiêu, xã Phan Thanh (Bảo Lạc).
Kế hoạch nhằm đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh làm căn cứ pháp lý cho việc lập thủ tục cấp Giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 trên nguyên tắc đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Thông qua đấu giá, lựa chọn những tổ chức, cá nhân đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án hoạt động khoáng sản, triển khai công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và trách nhiệm với địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.
Đầu tư trang thiết bị, bảo vệ môi trường sản xuất
Cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành Vật liệu xây dựng trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đều có sự chuyển biến một cách tích cực. Các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường từng bước được loại bỏ. Các nhà máy mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Phát triển vật liệu xây dựng đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời kỳ 10 – 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất ra thị trường thế giới.
Ở Quảng Ninh, ngành vật liệu xây dựng chủ yếu là khai thác đá, cát, sét, sỏi; sản xuất xi măng và các trạm trộn bê tông. Trữ lượng các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh tương đối lớn, phân bố rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, như: Mỏ đá vôi ở Hoành Bồ, Cẩm Phả; mỏ cao lanh ở các huyện miền núi Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Móng Cái; các mỏ sét phân bố tập trung ở Đông Triều, Hoành Bồ và Hạ Long. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: Vấn đề bảo vệ môi trường cực kỳ nhạy cảm và phức tạp, nhất là liên quan đến các hoạt động khai thác, sản xuất cát, đá, sỏi, sét làm vật liệu xây dựng. Hiện các cơ sở đã có nhiều biện pháp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, như việc chủ động hoàn thiện hồ sơ về bảo vệ môi trường; ký quỹ môi trường. Qua công tác kiểm tra, rà soát thường xuyên của đơn vị, hiện trên địa bàn có 20/20 mỏ khai thác có giấy phép còn hiệu lực đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chương trình phục hồi môi trường; có 4/4 mỏ khai thác cát do UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác còn hiệu lực đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chương trình phục hồi môi trường; 4/4 mỏ khai thác Pyrophylit được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chương trình phục hồi môi trường.
Đối với các cơ sở khai thác sét ở Quảng Ninh, hầu hết đã bố trí những khu lắng đọng nước thải trước khi thải ra môi trường; thu gom, quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các đơn vị có trạm trộn bê tông đã xây dựng hệ thống thu gom nước thải, bể lắng nước thải để tái sử dụng; thiết bị phối trộn bê tông xi măng đã được đơn vị thiết kế, chế tạo lắp đặt hệ thống bao che, không làm phát tán bụi ra môi trường. Riêng các trạm trộn bê tông nhựa đã được thiết kế đồng bộ hệ thống xử lý khí thải trong quá trình đốt nóng và phối trộn nguyên liệu.
Theo quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn. Nếu cơ sở nào vi phạm, không tuân thủ nghiêm ngặt, đầy đủ theo quy trình sản xuất và theo đúng giấy phép được cấp thì sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng phát triển công nghiệp vật liệu, trong đó có ngành công nghiệp vật liệu xây dựng. Điều này được minh chứng khi ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở. Khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Vật liệu xây dựng trong nước cũng chịu sự tác động của các xu thế phát triển trên thế giới. Do đó, việc ban hành các chủ trương, chính sách để ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển nhanh và bền vững là một yêu cầu cấp bách.
Trong thời gian tới, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tái chế từ phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, giảm lượng phát thải để bảo vệ môi trường. Hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.