Các phương pháp điều trị ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%, nhưng nếu phát hiện ở giai đoạn càng muộn thì hiệu quả điều trị càng giảm...
1. Ai có nguy cơ mắc ung thư đại tràng?
Ung thư đại tràng thường gặp ở người trên 50 tuổi, gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Những yếu tố nguy cơ như:
Người có polyp đại tràng.
Người mắc bệnh viêm ruột, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.
Tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng.
Người thường xuyên phải tiếp xúc với chất gây ung thư.
Thói quen ăn uống: Thường xuyên ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, giăm bông, thịt hun khói, thịt nướng…). Ăn ít chất xơ, trái cây, rau xanh.
Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ cao ở người hút nhiều thuốc lá trong nhiều năm, người uống nhiều/nghiện rượu, người ít hoạt động thể lực, thừa cân béo phì…
Khi có rối loạn tiêu hóa kéo dài, chán ăn, khó tiêu, đầy chướng bụng trên vùng rốn, đau tức bụng… cần đi kiểm tra để phát hiện bệnh sớm. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới sụt cân kèm theo các rối loạn đại tiện, đại tiện khó khăn, chảy máu, mệt mỏi suy nhược… thì bệnh đã ở các giai đoạn muộn hơn.
2. Các biện pháp điều trị ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng được phát hiện và điều trị ở giai đoạn 1 có tỉ lệ sống trên 5 năm là 90%; sang giai đoạn 2 tỉ lệ này còn khoảng 80%, giai đoạn III chỉ còn khoảng 60%. Sang đến giai đoạn IV thì tỉ lệ này giảm rất thấp.
Về các phương pháp điều trị ung thư đại tràng, tùy thuộc loại tế bào ung thư cũng như giai đoạn bệnh sẽ có các chỉ định đơn trị liệu hoặc phối hợp điều trị để mang lại hiệu quả cao nhất. Theo đó, phác đồ chung là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm đích phân tử.
Phẫu thuật ung thư đại tràng: Phương pháp này được sử dụng ở hầu hết các giai đoạn ung thư đại tràng. Sau đó, bệnh nhân có thể được chỉ định tiếp phương pháp hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót.
Xạ trị:Phương pháp này sử dụng các chùm tia năng lượng cao, nhằm tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Đối với ung thư đại tràng, xạ trị được chỉ định khi bệnh di căn đến xương, não…
Có thể phối hợp xạ trị cả trước và sau mổ làm giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ. Ở những trung tâm điều trị ung thư lớn, xạ trị trong khi mổ cũng đã được ứng dụng cho khối u lớn. Xạ trị trong mổ có thể tránh được tổn hại các cơ quan bằng cách xạ chọn lọc.
Hóa trị:Là phương pháp sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển; phân chia hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Tùy theo từng giai đoạn, thuốc được chỉ định qua đường uống hoặc dùng qua đường tĩnh mạch.
Liệu pháp hóa trị kết hợp với thuốc điều trị trúng đích được chỉ định cho trường hợp ung thư đại tràng có dấu hiệu di căn xa (gan, phổi…) mà bệnh nhân không thể điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật đơn thuần.
Liệu pháp này có thể được chỉ định sau phẫu thuật nhằm ngăn chặn nguy cơ tái phát và tăng cơ hội sống cho bệnh nhân, khi có dấu hiệu di căn tới hạch bạch huyết lân cận với vùng bị ung thư.
Liệu pháp nhắm đích phân tử:Gần đây, do các tiến bộ về sinh học nên hiểu biết về ung thư ngày càng được hiểu rõ hơn ở mức độ phân tử. Từ đó đã có cơ sở cho liệu pháp hóa trị mới: Liệu pháp nhắm đích phân tử, hay còn gọi là liệu pháp trúng đích. Các thuốc điều trị trúng đích nhắm đến và tiêu diệt các tế bào ung thư mang các đặc tính cụ thể.
Liệu pháp này sử dụng các loại thuốc nhằm khóa sự tăng trưởng, lây lan của ung thư, can thiệp vào các phân tử đặc hiệu trong cơ chế sinh ung thư và sự tăng trưởng của khối u. Qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, một số thuốc đã được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Các thuốc điều trị trúng đích có thể được dùng đơn trị liệu hoặc kết hợp với nhau, hoặc kết hợp với các liệu pháp khác như hóa trị.
3. Cách nào phòng ngừa ung thư đại tràng?
Ung thư đại tràng thường bắt đầu từ polyp lành tính. Dù polyp không phải là khối u nhưng nếu không được cắt bỏ thì lâu dần có thể phát triển thành ung thư.
Do đó, người có nguy cơ cao nên kiểm tra đại trực tràng thường xuyên mỗi 6 tháng/lần để được phát hiện sớm polyp và cắt bỏ sớm. Đây được coi là cách phòng ung thư đại tràng tốt nhất.
Ngoài ra, trong đời sống hằng ngày, cần hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh:
- Hạn chế các loại thịt đỏ, thịt rán, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích. Thay vào đó nên ăn tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây)
- Hạn chế đồ uống chứa cồn.
- Bỏ thuốc lá.
- Tăng cường hoạt động thể lực.