Các phương pháp thử thai độc lạ của phụ nữ cổ đại
Trong thời kỳ cổ đại, khi mà công nghệ hiện đại còn chưa phát triển, dựa vào những kinh nghiệm sống của mình, phụ nữ cổ đại cũng đã tìm ra các phương pháp thử thai thủ công khác nhau.
1. Thử thai bằng lúa mì, lúa mạch
Từ những năm 1350 trước công nguyên, phụ nữ Ai Cập muốn biết mình có mang thai hay không bằng cách ngâm một vài hạt lúa mì và lúa mạch vào nước tiểu của chính mình trong vài ngày. Sau đó họ lấy hạt lúa mì và lúa mạch ra và quan sát, nếu hạt lúa mạch nảy mầm thì người phụ nữ mang thai bé trai. Nếu hạt lúa mì nảy mầm thì người phụ nữ mang thai bé gái. Hoặc cả hai không nảy mầm thì người phụ nữ đó không mang thai.
Nghe có vẻ vô lý nhưng theo kết quả nghiên cứu của viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1963 đã chứng minh phương pháp này cho kết quả chính xác tới 70%. Nước tiểu của người phụ nữ mang thai đã kích thích hạt lúa nảy mầm trong khi nước tiểu của đàn ông và phụ nữ không mang thai thì không làm được như vậy. Người ta cho rằng chính hormone oestrogen tăng cao là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Tuy nhiên việc kết luận lúa mạch nảy mầm sinh con trai và lúa mì nảy mầm sinh con gái thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
2. Thử thai bằng củ hành hoặc tỏi
Nếu phụ nữ Ai Cập sử dụng lúa mì và lúa mạch để thử thai, phụ nữ Hy Lạp cổ đại lại thử thai bằng cách nhét một củ hành hoặc một loại củ có mùi hăng như tỏi, hoặc gừng vào âm đạo và để qua đêm. Nếu sáng hôm sau hơi thở của người phụ nữ có mùi hành thì chứng tỏ cô ấy không mang thai và ngược lại. Lý giải cho phương pháp này, người Hy Lạp ghi lại trong tài liệu của Hippocrates (năm 460 – 370 trước Công nguyên) rằng họ kết luận như vậy vì nếu không có thai thì tử cung sẽ đóng lại do đó hơi thở sẽ không có mùi.
Người phụ nữ khi nghi ngờ mình mang thai có thể uống sữa của một bà mẹ đang nuôi con trai sơ sinh, nếu người này cảm thấy buồn nôn thì chứng tỏ cô ấy đang mang thai.
4. Quan sát màu sắc nước tiểu
Thử thai dựa vào màu sắc nước tiểu là phương pháp phổ biến tại Châu Âu vào thế kỷ 16. Một tài liệu từ năm 1552 đã mô tả nước tiểu của phụ nữ có bầu là: “có màu vàng nhạt đến trắng đục”. Người ta còn thử thai bằng cách trộn nước tiểu với rượu rồi quan sát kết quả.
Thực tế, rượu phản ứng với một số protein trong nước tiểu, vì vậy thử nghiệm này có tỷ lệ chính xác nhất định. Tuy nhiên, thử nghiệm này sẽ không chính xác nếu người phụ nữ mắc một số bệnh như tiểu đường, trầm cảm hoặc ăn một số thực phẩm như cà rốt, dâu tây khiến màu nước tiểu thay đổi.
5. Dựa vào màu sắc âm đạo
Khi người phụ nữ mang thai khoảng 6 đến 8 tuần, cổ tử cung và âm đạo sẽ thay đổi màu sắc: có thể có màu tím hoặc đỏ sẫm do lượng máu đến khu vực này tăng lên. Đây được cho là dấu hiệu đáng chú ý của thai kỳ, trước cả những dấu hiệu phổ biến như thèm của chua, ốm nghén.
Một bác sĩ người Pháp đã chú ý đến dấu hiệu này từ năm 1836 nhưng đến tận năm 1886, bác sĩ sản khoa James Read Chadwick mới giới thiệu phát hiện này tại một cuộc họp của hội Phụ khoa Mỹ. Sau đó, việc theo dõi màu sắc vùng âm đạo để thử thai được gọi là “dấu hiệu Chadwick”. Tuy nhiên để nhận thấy “dấu hiệu Chadwick” đòi hỏi phải khám âm đạo vì vậy nhiều phụ nữ không muốn dùng biện pháp rắc rối này.
6. Tiêm nước tiểu của phụ nữ vào thỏ hoặc chuột nhắt cái
Vào những năm 1920, hai nhà khoa học Đức, Selmar Aschheim và Bernhard Zondek đã phát hiện một loại hormone trong nước tiểu của phụ nữ mang thai dẫn đến sự phát triển buồng trứng (đó là hormone hCG). Sau khi tiêm nước tiểu của phụ nữ mang thai vào thỏ con hoặc chuột nhắt, họ nhận thấy buồng trứng của chúng tăng trưởng đáng kể giống như ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, họ đã nghĩ ra cách sử dụng thỏ để thử thai.
Phương pháp thử thai này đã khiến rất nhiều thỏ bị giết chết. Thậm chí thời đó cụm từ “thỏ chết” có nghĩa là người phụ nữ đang mang thai. Thật may mắn vì ngày nay, phụ nữ có thể thử thai dễ dàng bằng que thử mà không phải tàn sát nhiều loài vật như vậy nữa.