Các quận tại Hà Nội tìm hướng đối phó với dịch sốt xuất huyết

Trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, việc vệ sinh môi trường, tuyên truyền phòng dịch sốt xuất huyết đang được các quận, huyện thuộc Hà Nội chú trọng.

 Các địa phương trên Hà Nội tập trung phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Prevention.

Các địa phương trên Hà Nội tập trung phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Prevention.

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tuần 44 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 1.312 ca mắc sốt xuất huyết mới, tăng 8,9% so với tuần trước (1.205).

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay số ca mắc sốt xuất huyết của địa phương này trong năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội được đánh giá là đang diễn biến rất phức tạp, thành phố đứng trước nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân diễn biến nặng do sốt xuất huyết.

Lúc này, vai trò của các địa phương và người dân là yếu tố tiên quyết trong hiệu quả phòng, chống dịch.

Quận Thanh Xuân tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân

Theo báo cáo, từ đầu năm 2022 đến nay, quận Thanh Xuân ghi nhận 345 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tăng 188 ca so với cùng kỳ năm 2021 (157). Trong khi đó, số lượng ổ dịch lũy tích đến nay trên địa bàn là 19.

Hiện các ổ dịch đều được xử lý theo quy định. Còn một ổ dịch tại P405 A12 Thanh Xuân Bắc gồm 3 bệnh nhân vẫn đang hoạt động và dự kiến kết thúc vào ngày 13/11 trong trường hợp không ghi nhận thêm bệnh nhân mới.

 Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà tới kiểm tra việc phòng dịch sốt xuất huyết tại quận Thanh Xuân. Ảnh: TĐ.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà tới kiểm tra việc phòng dịch sốt xuất huyết tại quận Thanh Xuân. Ảnh: TĐ.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Y tế (TTYT) quận Thanh Xuân đã phối hợp với Trạm Y tế và UBND 11 để chủ động giám sát ổ dịch sốt xuất huyết cũ. Đồng thời cùng CDC Hà Nội tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát về phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022 cho cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch.

Mặt khác, địa phương này cũng tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường. Đến nay, quận đã triển khai 2 chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất chủ động diệt muỗi trưởng thành tại toàn bộ 11/11 phường; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Trong đợt kiểm tra mới đây, người dân tại khu nhà trọ phường Khương Đình vẫn còn chủ quan và chưa tích cực vệ sinh môi trường khu trọ nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân.

Do đó, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đã yêu cầu quận Thanh Xuân vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền để mọi người dân đều nắm được kiến thức và có biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Quận cũng được yêu cầu tăng cường chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi. Với các khu nhà trọ, chủ nhà trọ cần quán triệt người dân đến ở trọ thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh. Ngược lại, người dân khu trọ cần trang bị kiến thức về sốt xuất huyết.

Riêng tại phường Khương Đình, địa phương trọng điểm của dịch sốt xuất huyết thuộc quận Thanh Xuân từ trước đến nay, đã ghi nhận 67 ca mắc trong năm 2022. Cao điểm trong tháng 10, địa phương này đã ghi nhận 47 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn.

Tại đây, đội ngũ cộng tác viên cùng nhân viên y tế đã đến từng hộ gia đình phát tờ rơi, hướng dẫn gia đình có bệnh nhân cách phòng chống muỗi đốt, vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước…

Bà Nguyễn Thị Bắc, Trưởng Trạm Y tế phường Khương Đình, cho biết địa bàn phường có nhiều khu nhà trọ, dân di cư biến động, người thuê trọ thay đổi liên tục, người dân đến thuê trọ đi làm bất thường nên việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn.

Dù công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, người dân thuê trọ vẫn còn chủ quan, thờ ơ, thiếu hiểu biết về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác luôn được duy trì và thường xuyên tuyên truyền đến cộng đồng dân cư. Với phòng, chống dịch sốt xuất huyết, phường có một tổ xung kích diệt bọ gậy với 347 cộng tác viên và các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, thường xuyên cập nhật dịch bệnh, lồng ghép với các hoạt động khu dân cư, tổ dân phố tuyên truyền tới người dân.

Quận Hoàn Kiếm chủ động hơn trong phòng dịch

Theo báo cáo, quận Hoàn Kiếm trong năm 2022 đã ghi nhận 119 bệnh nhân sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong. Địa phương này ghi nhận 7 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó, 6 ổ dịch đã ngừng hoạt động, một ổ dịch đã qua 8 ngày không phát sinh bệnh nhân mới.

Bác sĩ Trần Xuân Phát, Phó trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật - HIV/AIDS quận Hoàn Kiếm, nhận định Hoàn Kiếm là quận trung tâm, có mật độ dân số cao, nhà ở của người dân chật chội, tồn tại nhiều dụng cụ chứa nước không nắp đậy, khách du lịch đông, dân cư di biến động lớn, ý thức phòng chống dịch sốt xuất huyết của người dân vẫn còn hạn chế.

“Đây là những nguy cơ phát sinh và bùng phát của dịch bệnh sốt xuất huyết”, vị lãnh đạo khẳng định.

Mặt khác, dù đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, vẫn còn một số bộ phận nhân dân trên địa bàn chưa hiểu, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết,

Vì thế, từ đầu năm 2022, TTYT quận Hoàn Kiếm đã tham mưu cho UBND quận ban hành kế hoạch phòng chống dịch và kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết cụ thể theo từng cấp độ dịch.

Đơn vị thường xuyên giám sát côn trùng tại các ổ dịch cũ và những điểm nguy cơ cao phát sinh lăng quăng, muỗi; phối hợp với các phường chỉ đạo trạm y tế tăng cường tuyên truyền, vận động thu gom phế liệu, diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-quan-tai-ha-noi-tim-huong-doi-pho-voi-dich-sot-xuat-huyet-post1373523.html