Các quốc đảo Thái Bình Dương tiên phong trên mặt trận chống biến đổi khí hậu

Các quốc đảo Thái Bình Dương là minh chứng cho sự hợp tác xuyên biên giới nhằm giải quyết hiệu quả các thách thức chung.

Đó là nhận định của ông Jalil Rasheed* trong bài viết “Why we must follow Pacific Islands’ lead on climate change” (tạm dịch: Tại sao chúng ta cần đi theo sự dẫn dắt của quần đảo Thái Bình Dương trong vấn đề biến đổi khí hậu?) đăng tải trên South China Morning Post ngày 18/9.

Bài viết đăng tải trên South China Morning Post ngày 18/9. (Ảnh chụp màn hình)

Bài viết đăng tải trên South China Morning Post ngày 18/9. (Ảnh chụp màn hình)

Dẫn đầu trong cuộc chiến

Các quốc đảo Thái Bình Dương nổi tiếng với những bãi biển đẹp như tranh vẽ và hoàng hôn say đắm lòng người, nhưng đằng sau khung cảnh thiên đường ấy lại là mối nguy từ biến đổi khí hậu.

Năm 2021, Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu, ông Simon Kofe, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên hợp quốc trong khi nước ngập tới đùi và tuyên bố: “Chúng tôi đang chìm”. Mặc dù các lời kêu gọi hành động khẩn cấp về biến đổi khí hậu đã được đưa ra, nhưng tiếng nói của một quốc đảo với dân số chỉ khoảng 11.000 người dường như dễ bị lãng quên.

Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu, ông Simon Kofe, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên hợp quốc trong khi nước ngập tới đùi. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu, ông Simon Kofe, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên hợp quốc trong khi nước ngập tới đùi. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, Tuvalu không đơn độc trên hành trình này. Từ lâu, khu vực Thái Bình Dương đã “nắm chặt tay” để cùng vượt qua các thách thức chung. Kể từ khi thành lập năm 1971, Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương trở thành nền tảng chính trị và kinh tế quan trọng trong sự hợp tác của 18 quốc gia thành viên.

Tuyên bố chung từ Diễn đàn các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương lần thứ 53 vào tháng 8/2024 nhấn mạnh “tầm quan trọng của sự đoàn kết trước vô vàn thách thức”. Chiếm gần 20% bề mặt Trái Đất, các quốc đảo Thái Bình Dương là cái nôi của nhiều nền văn hóa đa dạng và hệ sinh thái độc đáo.

Mặc dù chỉ đóng góp rất ít lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, các quốc gia tại khu vực này lại gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu bao gồm mực nước biển dâng cao và các thảm họa thiên nhiên dữ dội. Vị trí địa lý thấp cũng là nguyên nhân khiến các quốc đảo tại đây ngày càng phải vật lộn với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương tiếp tục dẫn dắt khu vực ứng phó với những khó khăn này. Đặc biệt, dòng viện trợ phát triển chính thức (ODA) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tăng khả năng chống chịu thảm họa và cải thiện phúc lợi chung.

Diễn đàn nhấn mạnh vai trò thiết yếu trong bảo đảm tương lai bền vững và thịnh vượng cho khu vực Thái Bình Dương, đây cũng là mục tiêu được nêu ra trong Chiến lược cho Lục địa Xanh Thái Bình Dương 2050.

Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 53 tổ chức tại Nuku'alofa, thủ đô Tonga từ ngày 26-30/8. (Nguồn: PIF)

Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 53 tổ chức tại Nuku'alofa, thủ đô Tonga từ ngày 26-30/8. (Nguồn: PIF)

Diễn đàn thảo luận các chính sách để tiến tới hành động thực tiễn trong các lĩnh vực như tiếp cận tài chính khí hậu, xây dựng năng lực khu vực, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, thu thập dữ liệu. Đây cũng là một chiến lược cần thiết cho sự sống còn và thịnh vượng của một “Thái Bình Dương xanh”.

Tầm quan trọng của Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương không chỉ giới hạn trong khu vực, mà các quốc đảo còn nắm giữ vị trí chiến lược, là các tuyến hàng hải và cửa ngõ quan trọng trong thương mại nối châu Á và châu Mỹ.

Vai trò chiến lược của khu vực này cần “sự chung tay” và hỗ trợ từ các quốc gia trên thế giới. Đối với cộng đồng quốc tế, đây thực sự là “sứ mệnh đạo đức” trước khi hậu quả của biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới môi trường và kinh tế toàn cầu.

Chìa khóa cho sự thịnh vượng và bền vững

Tuy nhiên, các quốc đảo Thái Bình Dương không chỉ là những nước thụ hưởng viện trợ mà còn cống hiến to lớn cho thế giới, chia sẻ kinh nghiệm chống chịu và chủ động thích ứng thiên tai. Đồng thời, các quốc gia tại đây cũng tiên phong trong nhiều sáng kiến như Cơ sở khả năng chống chịu Thái Bình Dương và xây dựng các quan hệ đối tác với Mỹ, Liên minh châu Âu...

Các chiến lược và quan hệ đối tác này không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách của khu vực mà còn đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Cộng đồng quốc tế cũng được hưởng lợi từ những sáng kiến và cơ hội hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương.

Các quốc đảo Thái Bình Dương không chỉ là những nước thụ hưởng viện trợ mà còn cống hiến to lớn cho thế giới, chia sẻ kinh nghiệm chống chịu và chủ động thích ứng thiên tai. (Nguồn: Getty)

Các quốc đảo Thái Bình Dương không chỉ là những nước thụ hưởng viện trợ mà còn cống hiến to lớn cho thế giới, chia sẻ kinh nghiệm chống chịu và chủ động thích ứng thiên tai. (Nguồn: Getty)

Theo Bản đồ viện trợ Thái Bình Dương năm 2023 của Viện Lowy, từ năm 2008-2011, các quốc đảo Thái Bình Dương nhận hơn 40 tỷ USD vốn ODA. Nguồn tài trợ này quan trọng đối với Thái Bình Dương hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, chiếm một phần lớn trong doanh thu của chính phủ khu vực. Ngoại trừ Papua New Guinea, trung bình các quốc gia Thái Bình Dương nhận khoảng 33% GDP từ nguồn viện trợ phát triển chính thức.

Song các nguồn tài trợ cho phát triển khí hậu và các lĩnh vực quan trọng khác như y tế, an ninh lương thực và giáo dục lại thiếu hụt nghiêm trọng. Điều này đặc biệt quan trọng vì các quốc đảo nhỏ đang phát triển thường không có điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa kinh tế trên quy mô lớn.

Các quốc đảo Thái Bình Dương đang vận động để có thêm kinh phí cho sáng kiến tài chính hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu. (Nguồn: Reuters)

Các quốc đảo Thái Bình Dương đang vận động để có thêm kinh phí cho sáng kiến tài chính hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu. (Nguồn: Reuters)

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay, thế giới có thể học hỏi nhiều hơn từ Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương. Diễn đàn cũng là minh chứng cho hợp tác xuyên biên giới để giải quyết hiệu quả các thách thức chung; đồng thời thể hiện sức mạnh tập thể và vai trò lãnh đạo, đem lại thay đổi cho người dân Thái Bình Dương. Khi diễn đàn tiếp tục tiên phong trong hành động đương đầu với hậu quả của biến đổi khí hậu, thông điệp sẽ lan tỏa xa hơn phạm vi khu vực Thái Bình Dương.

Các quốc đảo Thái Bình Dương đang trên hành trình mới. Vẫn còn kịp để cả thế giới cùng tham gia và chèo lái con thuyền này.

Tựu trung, khu vực Thái Bình Dương đang đứng trước những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu và các vấn đề kinh tế, nhưng các nước đã cho thấy sức mạnh của sự đoàn kết cùng khả năng thích ứng vượt trội. Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương không chỉ dẫn dắt khu vực ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu mà còn đưa đến cho cộng đồng quốc tế những bài học quý giá và kêu gọi sự tham gia toàn cầu. Tương lai của Thái Bình Dương không phải là cuộc chiến riêng của vùng đất này mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

* Ông Jalil Rasheed là Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Tony Blair về thay đổi toàn cầu. Ông nắm giữ các vị trí lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực tài chính và đầu tư suốt hơn hai thập kỷ qua, tham gia các dự án chuyển đổi quy mô lớn ở cả lĩnh vực công và tư nhân. Ông Jalil cũng tham gia điều hành các chiến dịch tranh cử, quản lý văn phòng chuyển giao quyền lực, hội đồng kinh tế quốc gia và từng là CEO của một quỹ tài sản và tập đoàn lớn.

(theo South China Morning Post)

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-quoc-dao-thai-binh-duong-tien-phong-tren-mat-tran-chong-bien-doi-khi-hau-286927.html