Các quốc gia cần làm gì để ngăn biến thể Omicron ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế?

Năm 2021 là năm đại họa thứ hai đối với ngành du lịch. Nhiều quốc gia có thể phải tiếp tục áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn ngừa biến thể Omicron. Đến nay, Omicron đang nhanh chóng lan ra nhiều nước. Ngoài chuyện gây ra dịch bệnh và chết chóc, biến thể này còn làm dấy lên mối lo ngại nó sẽ ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng nhau theo dõi các quốc gia châu Á đưa ra các biện pháp phòng ngừa nhằm chống lại Omicron như thế nào để vừa phòng dịch vừa có thể giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế.

Ngoài ra, bài viết cũng đi tìm câu trả lời liệu Omicron có ngăn trở đà phục hồi kinh tế thế giới hay không.

Các nhà khoa học ở Nam Phi thông báo phát hiện một biến thể Covid-19 mới, B.1.1.529, được đặt tên là Omicron. CFP

Phản ứng của một số nước châu Á

Các quốc gia châu Á đã có nhiều phản ứng nhằm ngăn ngừa sự phát tán nhanh của biến thể Omicron.

Nhật Bản bắt đầu chiến dịch tiêm mũi tăng cường

Theo hãng tin NHK, Chính phủ Nhật đã bắt đầu kế hoạch tiêm mũi thứ ba, trước mắt là các nhân viên y tế.

Hôm thứ Tư, 1-12, chiến dịch tiêm chủng mới của nước Nhật được khởi động tại trung tâm Y tế ở quận Meguro thuộc thủ đô Tokyo, với nhóm đầu tiên gồm 18 bác sĩ và y tá.

Một y tá vừa được tiêm mũi thứ ba cho biết cô vẫn chưa chắc cơ thể sẽ phản ứng như thế nào. Tuy nhiên, cô vẫn tự tin vì mình đã chuẩn bị tinh thần cho làn sóng Covid-19 thứ sáu có thể xảy ra tại Nhật. Theo nữ y tá này, người Nhật đã biết cách đề phòng chủ động hơn, vì thế sự sẵn sàng chuẩn bị đối phó rất cần thiết.

Araki Kazuhiro, giám đốc trung tâm y tế, nói ông cảm thấy nhẹ nhõm sau khi bước quan trọng đầu tiên được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân và gia đình cũng như các nhân viên y tế.

Ông Kazuhiro vẫn chưa rõ hiệu quả của các vaccine Covid-19 hiện có đối với biến chủng Omicron. Tuy nhiên, vị giám đốc này khẳng định vaccine vẫn có khả năng nhất định chống được biến thể Delta và các chủng khác. Vì vậy, việc tiêm mũi thứ ba rất quan trọng.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, 1,04 triệu nhân viên y tế đã tiêm đủ hai mũi cách đây ít nhất tám tháng nên tiêm mũi thứ ba vào tháng 12 năm nay là điều cần làm.

Hai triệu nhân viên y tế và 1,03 triệu người, trong đó có nhóm người 65 tuổi trở lên, sẽ được tiêm mũi ba vào tháng 1-2022. Tháng 3-2022, chủng ngừa tăng cường sẽ được tiến hành ở các công ty và trường đại học.

Các phiếu chủng ngừa mũi tăng cường sẽ được phát cho nhóm người đã tiêm mũi hai sau tám tháng.

Indonesia tăng thời gian cách ly, hạn chế đi lại

Theo hãng tin Reuters, các quan chức Indonesia đã tăng cường thời gian cách ly, siết chặt lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại nhằm giảm sự lây lan của biến chủng Omicron tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.

Indonesia đã từng là ổ dịch Covid-19 lớn ở châu Á với hơn 4,2 triệu ca nhiễm cho đến nay. Indonesia vẫn chưa công bố chủng Omicron xuất hiện. Tuy nhiên, họ đã đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng xấu, như tăng thời gian cách ly đối với du khách từ 7 lên 10 ngày.

Khách du lịch từ 11 quốc gia, trong đó có Nam Phi, Botswana, Namibia và Nigeria, không được phép nhập cảnh Indonesia. Người Indonesia từ nước ngoài được trở về nước, nhưng họ phải cách ly đủ 14 ngày.

Theo Bộ trưởng Giao thông Indonesia, các biện pháp hạn chế di chuyển trong nước sẽ được thực hiện bằng cách giảm lượng xe cộ lưu thông.

Singapore yêu cầu người nghi nhiễm chủng Omicron đến trung tâm cách ly

Các bệnh nhân Singapore nhiễm biến thể Omicron cần đến cách ly ở Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Singapore. Người bệnh sẽ phải ở lại trung tâm cho đến khi các bác sĩ khẳng định họ không còn cần thực hiện xét nghiệm nữa.

Bộ Y tế Singapore sẽ truy quét việc tiếp xúc đối với các ca bệnh. Nhóm người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng phải cách ly ở trung tâm. Xét nghiệm PCR sẽ được thực hiện trong suốt giai đoạn cách ly đối với từng cá nhân.

Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói: “Chăm sóc y tế sẽ được thực hiện nghiêm ngặt hơn, tương tự như những gì đã làm khi dịch Covid-19 vừa bùng phát”.

Ông Ong nhấn mạnh, việc xét nghiệm PCR do công ty công nghệ sinh học ThermoFisher đưa ra có thể xác định một người có nhiễm biến thể Omicron hay không. Du khách đến Singapore sẽ được ưu tiên tiến hành xét nghiệm này, ông nói thêm.

Bộ trưởng Ong cũng nhận định: “Chúng ta có hai dạng biến thể và hai phương pháp y tế. Một là biến thể Delta, thứ hai dành cho Omicron. Có thể phân biệt các biến chủng qua xét nghiệm PCR bằng máy ThermoFisher”.

Theo Bộ trưởng Y tế Singapore, chính phủ nước này cần chú trọng đến việc đẩy mạnh việc chủng ngừa tăng cường.

Ông Ong cho rằng thời điểm hiện tại không phải là lúc tranh cãi nên chủng ngừa hay không, bởi vì vẫn còn nhiều biến chủng mới sẽ xuất hiện. Nếu chần chừ chờ vaccine mới, nhiều người có thể sẽ phải mất mạng.

Theo Bộ trưởng Ong, vẫn còn cơ may là vaccine đang có hiện nay có thể chống được các biến thể Covid-19 mới.

Malaysia cấm cửa du khách từ nhiều quốc gia có nguy cơ cao

Bộ trưởng y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết nước này đã tạm thời cấm du khách từ các quốc gia có biến thể Omicron.

Quốc gia Đông Nam Á này cùng nhiều nước khác đã áp đặt lệnh cấm du lịch đến Nam Phi, nơi được cho là đang lây nhiễm biến chủng Omicron mạnh mẽ nhất.

Chính phủ phải tái áp dụng biện pháp cách ly đối với công dân Malaysia và người lao động nước ngoài dài hạn dù nhóm người này đã tiêm đủ hai mũi vaccine.

Bộ trưởng y tế Malaysia nói: “Cần tạm thời áp dụng các biện pháp này cho đến khi hiểu rõ hơn về biến thể Omicron. Khi nào thực sự an toàn, chúng ta sẽ gỡ bỏ chúng”.

Liệu Omicron có làm gián đoạn kế hoạch phục hồi du lịch?

Gần như toàn bộ doanh nghiệp du lịch trên thế giới đã phải chôn chân tại chỗ suốt hai năm do sự khốc liệt của đại dịch Covid-19. Chỉ vừa khởi động trở lại được một thời gian ngắn thì giờ đây, tình hình ngành du lịch bổng trở nên tệ hơn vì nhiều quốc gia áp đặt lệnh cấm mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của Omicron.

Từ các khu mua sắm ở Tokyo, các hướng dẫn viên du lịch ở Holy Land thuộc Trung Đông, cho đến các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở dãy núi Alps cùng các hãng hàng không, cả thế giới đang phải chịu áp lực với các lệnh cấm mới nhằm đối phó với Omicron.

Trong khi đó, nhiều du khách đã buộc phải đọc các lệnh cấm vừa ban hành và sau đó hoãn các chuyến đi đã lên kế hoạch.

Abby Moore, phó giáo sư tại Đại học North Carolina ở thành phố Charlotte, dự định thăm thủ đô Prague của Cộng hòa Séc tuần này. Tuy nhiên, một ngày trước khi lên máy bay, cô Moore được tin Prague phải đóng cửa chợ Giáng sinh và áp đặt lệnh giới nghiêm. Cô đành phải dời lại chuyến du lịch vào tháng 3 năm sau.

Được biết chỉ sau khi nới lỏng lệnh cấm du lịch cho các chuyến bay quốc tế chưa đầy một tháng, chính phủ Mỹ đã cấm du khách gần đây đến tám quốc gia thuộc vùng Nam Phi. Nhật và Israel cũng siết chặt lệnh cấm đi lại ngay sau khi nới lỏng lệnh cấm. Các nước châu Âu và Canada cũng đã làm điều tương tự.

Người ta vẫn chưa rõ biến thể Omicron xuất hiện từ đâu sau khi các nhà khoa học Nam Phi đã xác định chủng Omicron trong tuần qua.

Các động thái trên là dấu hiệu cho thấy chính phủ ở nhiều quốc gia đã rút kinh nghiệm từ việc ứng phó với làn sóng Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, lệnh cấm du lịch chỉ có tác dụng hạn chế trong khi lại gây áp lực lên đời sống và sinh kế của người dân. Còn theo các chuyên gia, lệnh cấm du lịch không ngăn được sự xâm nhập của biến thể, nhưng sẽ cho nhiều quốc gia thêm thời gian để tiến hành chủng ngừa gấp rút hơn.

Hôm thứ Ba, 30-11, hãng hàng không Easy Jet tại thành phố London cho rằng lệnh cấm du lịch đã bắt đầu gây tổn hại lên tình hình du lịch mùa đông, dù có thể không nghiêm trọng như các làn sóng trước. Giám đốc của hãng hàng không Scandinavia (SAS) nói tuy số lượng khách du lịch trong kỳ nghỉ đông có xu hướng cải thiện, họ vẫn cần biết thêm thông tin về biến thể Omicron.

Helane Becker, nhà phân tích dịch vụ tài chính của công ty Cowen, khẳng định: “Trong năm 2020, các biến thể đã khiến số lượng du khách giảm. Tuy nhiên, người du lịch lại có xu hướng tăng sau khi số ca nhiễm giảm xuống. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục”.

Việc Israel đưa ra quyết định cấm các du khách có thể gây ảnh hưởng đến ngành du lịch nước này trước lễ Hanukkah và Giáng sinh. Israel chỉ vừa mở cửa đón du khách vào tháng 11 năm nay, sau khi cấm hầu hết du khách nước ngoài từ đầu năm 2020.

Vào tháng 11 vừa qua, chỉ có 30.000 du khách đến Israel, trong khi nước này đón 421.000 du khách trong tháng 11 năm 2019.

Không ai biết được biến thể Covid-19, trong đó có Omicron, sẽ làm gì kế tiếp. Các biến thể đã khiến ngành du lịch lâm vào khủng hoảng nặng nề. Tuy nhiên, nếu chúng ta có niềm tin cuộc sống sẽ sớm trở về bình thường, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn và sẽ thực hiện các chuyến du lịch sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Nhật Bản hôm 29-11 đã xác nhận trường hợp đầu tiên ở nước này nhiễm biến thể Omicron, là một du khách đến từ Namibia. Kyodo

Ảnh hưởng của Omicron đến phục hồi kinh tế

Biến chủng Omicron xuất hiện đầy bất ngờ gây hoảng loạn toàn thế giới trong khi phân phối vaccine toàn cầu còn thấp, tờ India Times cho biết.

Nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ, đã phải xem xét lại việc mở cửa du lịch. Một số nước khác phải xem xét việc áp dụng các lệnh cấm mới vì số ca nhiễm có xu hướng tăng. Các chuyên gia hàng đầu tin rằng biến chủng mới lây nhiễm thêm ở nhiều nơi chỉ là vấn đề thời gian.

Trong khi các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu ảnh hưởng từ biến chủng Covid-19, nhiều tổ chức và chuyên gia lo ngại rằng biến thể này sẽ gây ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu cũng như sự phục hồi kinh tế.

Biến thể Omicron có đe dọa đến việc phục hồi kinh tế toàn cầu không?

Một khi chúng ta không ngăn ngừa được sự lây lan của biến thể mới, số ca nhiễm toàn cầu sẽ tăng mạnh và số ca nhập viện ở các quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa thấp sẽ tăng lên đáng kể.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết chính phủ các quốc gia phương Tây có thể sẽ phải hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các doanh nghiệp và hộ gia đình nếu biến thể Omicron làm cho phục hồi kinh tế toàn cầu bị trì trệ.

Mối lo ngại lớn nhất của OECD là sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Họ nhấn mạnh một làn sóng Covid-19 mới sẽ khiến cho việc phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Nếu Omicron trở thành biến chủng thống lĩnh thế giới do có khả năng lây nhiễm mạnh cũng như khả năng chống lại vaccine, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục bị đứt gãy sau khi đã tơi tả vì các đợt tấn công trước đó. Điều này sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn trong thời gian dài, khiến việc phục hồi kinh tế toàn cầu bị trì trệ.

Chuyện gì xảy ra nếu Omicron trở thành biến thể thống lĩnh toàn cầu?

Nếu biến thể Omicron hoành hành dữ dội hơn dự đoán, chính phủ nhiều nước sẽ phải tái áp đặt lệnh các lệnh phong tỏa. Đây sẽ là tổn thất nặng nề với hàng hóa, dịch vụ cũng như ngăn cản các hoạt động kinh tế tương tự như các lệnh cấm được áp đặt đầu đại dịch năm 2020.

Laurence Boone, kinh tế trưởng của OECD, cho biết hai kịch bản có thể xuất hiện nếu biến thể Omicron gây khủng hoảng toàn cầu.

“Kịch bản thứ nhất diễn ra nếu các chuỗi cung ứng bị đứt gãy và kéo dài lạm phát”, bà Boone cho biết. “Còn kịch bản kia xảy ra nếu tình hình nghiêm trọng hơn và chúng ta phải áp dụng lệnh hạn chế đi lại. Trong trường hợp đó, nhu cầu sẽ giảm xuống và lạm phát có thể giảm xuống nhanh hơn”.

Bà Boone cho biết thêm biến thể Omicron có thể buộc nhiều chính phủ phải cung cấp tài chính khẩn cấp để bảo vệ doanh nghiệp và hộ gia đình. “Đây có thể là kịch bản xảy ra và khi đó chúng ta sẽ phải cần thêm sự hỗ trợ của công cụ tài khóa”, bà nói.

Nhiều quốc gia chậm chân trong chủng ngừa

Trong một báo cáo về kinh tế của tổ chức OECD, việc phục hồi kinh tế toàn cầu ngày càng mất cân bằng vì nhiều lý do, chẳng hạn như nhiều quốc gia không thể đẩy nhanh tốc độ nhằm tăng tính hiệu quả của chủng ngừa.

Bản báo cáo dự đoán tốc độ tăng GDP toàn cầu đạt 5,6% trong năm nay, sau đó giảm xuống còn 4,5% vào năm 2022 và 3,2% vào năm 2023.

Nhóm G20 đã tiêu 10.000 tỉ đô la Mỹ cho các kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của họ kể từ đầu đại dịch. Tuy nhiên, bà Boone cũng nhấn mạnh chỉ cần dành 50 tỉ đô là có thể đủ đảm bảo việc tiêm ngừa Covid-19 toàn cầu đạt hiệu quả. “Biến thể Omicron có thể là lời nhắc nhở vì sao chúng ta nhanh chóng thất bại”, bà nói. “Chúng ta chỉ quan tâm đến kinh tế nước mình mà lại không chịu chủng ngừa cho toàn cầu. Vì thế cho nên thế giới chưa tốt hơn được”.

————

Nguồn tham khảo:

https://www.reuters.com/business/healthcare-pharmaceuticals/indonesia-tightens-travel-curbs-it-braces-omicron-arrival-2021-12-02/

https://www.thestar.com.my/aseanplus/aseanplus-news/2021/11/30/singapore-suspected-omicron-covid-19-cases-to-be-taken-to-national-quarantine-centre-no-home-recovery-allowed?fbclid=IwAR2afFo4ybL4rofAMMFsxAUqG-scQ_mEdsQyJUufA0B5mSx7ebXQxJxH2kM

https://www.khaleejtimes.com/coronavirus/covid-19-omicron-variant-malaysia-bans-travellers-from-countries-deemed-high-risk

https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/20211201_17/

https://www.msn.com/en-in/money/topstories/explained-impact-of-omicron-variant-on-global-economy/ar-AARnAbO

https://www.pbs.org/newshour/world/omicron-disrupts-travel-industrys-comeback-as-new-restrictions-are-put-in-place?fbclid=IwAR1072BQYEURNcsj-XWSdKjR7RK8ZEIy3XeZDO0_7cQ7AExbhQemo16SywE

Andy Huỳnh Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-quoc-gia-can-lam-gi-de-ngan-bien-the-omicron-anh-huong-den-phuc-hoi-kinh-te/