Các quốc gia tiếp tục các nỗ lực phòng, chống và điều trị COVID-19

Trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, bên cạnh những biện pháp đề phòng, cách ly nghiêm ngặt, các quốc gia vẫn tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu vắcxin phòng, chống SARS-CoV-2.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, bên cạnh những biện pháp đề phòng, cách ly nghiêm ngặt, các quốc gia vẫn tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu vắcxin phòng, chống SARS-CoV-2.

Campuchia quy định mức phạt vi phạm quy định cách ly

Báo Khmer Times ngày 11/11 dẫn thông báo của Bộ Y tế Campuchia (MoH) cho hay bất kỳ cá nhân nào vi phạm quy định của bộ này về cách ly đề phòng lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ bị phạt từ 200.000 riel (50 USD) đến 1 triệu riel và bị xử lý theo Luật Hình sự.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, quyết định của MoH được đưa ra sau khi hơn 1.100 người được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong 14 ngày vì có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto trong chuyến thăm của quan chức này tới Phnom Penh ngày 3/11.

Ông Peter Szijjarto đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 ngày 4/11 khi tới Thái Lan sau khi rời Campuchia.

Theo quy định của MoH, những người tự cách ly tại nhà hoặc ở trung tâm cách ly trong 14 ngày không được rời khỏi địa điểm cách ly, phải ở trong phòng riêng, sử dụng phòng tắm, nhà vệ sinh riêng, thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch và không ăn cùng các thành viên khác trong gia đình.

Những người đang cách ly phải liên tục đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m với các thành viên khác trong gia đình, khi có bất kỳ triệu chứng nào như ho, đau họng, khó thở phải nhanh chóng gọi đường dây nóng 115.

Những cá nhân bị buộc cách ly chỉ được phép kết thúc quá trình cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong ngày thứ 13 cách ly.

Trước đó, ngày 10/11, MoH cho biết đã có 4 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong tổng số 1.143 người đang cách ly sau khi có tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto.

Những người có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu vẫn phải thực hiện xét nghiệm 2 lần nữa để chắc chắn không nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã có kết quả xét nghiệm âm tính trong lần xét nghiệm thứ 2 và vẫn đang tự cách ly 14 ngày.

Thủ tướng Hun Sen đã yêu cầu những người có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto tự cách ly 14 ngày tại nhà một cách nghiêm túc để ngăn chặn nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng.

Nếu những người này không thể tự cách ly tại nhà một cách thích đáng, cơ quan chức năng sẽ đưa họ đến những trung tâm cách ly được Bộ Y tế bố trí.

Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia ngày 10/11 xác nhận có ít nhất 9 trường hợp, 2 sở giáo dục tỉnh và một trung tâm dạy võ Karate có liên quan đến đoàn Hungary.

Trước đó, ngày 8/11, Bộ trên đã thông báo tạm thời đóng cửa tất cả các trường học ở Phnom Penh và Kandal để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng.

Lên quan tình hình đại dịch COVID-19 tại Campuchia, sáng 11/11, MoH xác nhận thêm một trường hợp mắc COVID-19 là người Mỹ 35 tuổi, bay từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc vào Campuchia hôm 4/11, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia từ đầu mùa dịch đến nay lên 301 trường hợp, trong đó 288 người đã khỏi bệnh.

Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi cảnh giác cao nhất

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chỉ đạo nhóm đặc trách ứng phó đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của chính phủ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở nước này có xu hướng tăng mạnh khi mùa Đông đang tới gần.

Phát biểu tại cuộc họp của nhóm đặc trách ngày 10/11, Thủ tướng Suga nhấn mạnh chính phủ cần ứng phó với tình hình hiện nay với mức độ khẩn trương cao nhất. Ông yêu cầu các thành viên của nhóm đặc trách làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự lây lan của virus nguy hiểm này trước khi mùa Đông đến, trong khi vẫn đảm bảo duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội.

Đài truyền hình NHK dẫn lời Thủ tướng Suga cho biết hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân/số giường bệnh có sẵn ở các bệnh viện vẫn ở mức khoảng 30% ngay cả ở những tỉnh có số ca nhiễm mới đang tăng. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ nỗ lực kiểm soát virus dựa trên kinh nghiệm trước đây nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân.

Theo Thủ tướng Suga, Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm phòng ngừa các cụm lây nhiễm trên cơ sở những hướng dẫn về tình huống khẩn cấp mà nhóm chuyên gia y tế đã công bố một ngày trước đó. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tăng cường nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các tình huống có rủi ro lây nhiễm cao để người dân phòng ngừa tốt hơn trước virus.

Thử nghiệm phương pháp chữa trị sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã bình phục

Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu (NCGM) của Nhật Bản đã thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 bằng huyết tương của những người bệnh đã bình phục.

Theo Tiến sỹ Satoshi Kutsuna, các chuyên gia đã lấy huyết tương từ 97 bệnh nhân bình phục và sử dụng cho 6 nam bệnh nhân ở độ tuổi từ 30 đến 60.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các huyết tương này chứa kháng thể có thể giúp bệnh nhân COVID-19 chống lại virus SARS-CoV-2. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào trong số những bệnh nhân trên có triệu chứng bất thường sau khi tiếp nhận huyết tương.

Theo Tiến sỹ Kutsuna, NCGM dự định sẽ áp dụng liệu pháp truyền huyết tương cho khoảng 60 bệnh nhân mắc COVID-19 ở thể trung bình hoặc nghiêm trọng và đang gặp khó khăn trong quá trình hô hấp, để xác định mức độ an toàn và hiệu quả của phương pháp chữa trị này.

Australia sẽ có vắcxin phòng ngừa từ tháng 3/2021

Ngày 11/11, Bộ trưởng Y tế Australia Grey Hunt tuyên bố nước này sẽ có vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào tháng 3/2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tại buổi cập nhật tình hình dịch bệnh trong sáng cùng ngày, Bộ trưởng Hunt khẳng định Australia đã được đảm bảo 10 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) sản xuất. Loại vắcxin này vừa cho kết quả đột phá với hiệu quả lên tới 90% trong giai đoạn thử nghiệm lần thứ 3 - giai đoạn thử nghiệm cuối - trên cơ thể người.

Bộ trưởng Hunt nói 2 trong số 4 loại vắcxin mà Australia đặt mua hiện đã cho có các kết quả nghiên cứu rất tích cực. Các quy trình phê duyệt đối với các loại vắcxin này đang được theo dõi và cập nhật nhanh chóng.

Ông kỳ vọng vắcxin sẽ có mặt tại Australia vào tháng 1/2021 với “mức đảm bảo tuyệt đối về độ an toàn” và được phân phối rộng rãi bắt đầu từ tháng 3/2021.

Bộ trưởng Hunt nhấn mạnh đây là thông tin rất quan trọng đối với Australia, cho thấy chính phủ nước này đang đi đúng hướng để có thể tiếp cận được vắcxin phòng bệnh COVID-19 một cách nhanh nhất và an toàn nhất.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Y tế Australia, do vắcxin của hãng Pfizer cần bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C, nên Canberra đã tích cực làm việc để đảm bảo một hệ thống “chuỗi phân phối lạnh” đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất cho việc vận chuyển và phân phối vắcxin.

Trước đó, Chính phủ Australia công bố mua tổng cộng 134,8 triệu liều vắcxin từ các nguồn cung cấp trong và ngoài nước. Australia cũng cam kết đóng góp 123,2 triệu AUD (96 triệu USD) vào cơ chế COVAX toàn cầu, nhằm đảm bảo vắcxin cho người dân Australia và giúp các quốc gia khác tiếp cận được vắcxin với giá phải chăng.

Australia cũng đã đóng góp 80 triệu AUD vào chương trình COVAX AMC của Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng Gavi, để tăng cường khả năng tiếp cận của các quốc gia khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á đối với vắcxin ngừa COVID-19 một cách an toàn, hiệu quả cùng mức giá hợp lý.

Ấn Độ cam kết đẩy mạnh sản xuất vắcxin

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tại cuộc họp lần thứ 20 của Hội đồng Nguyên thủ quốc gia Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO), diễn ra theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nước này sẽ sử dụng năng lực sản xuất, phân phối vắcxin của mình để giúp nhân loại chống lại đại dịch COVID-19.

Ông Modi nhấn mạnh Ấn Độ là “quốc gia sản xuất vắcxin lớn nhất” trên thế giới. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nước này đã gửi dược phẩm thiết yếu tới hơn 150 quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-quoc-gia-tiep-tuc-cac-no-luc-phong-chong-va-dieu-tri-covid19/676289.vnp