Các quốc gia vùng Baltic dẫn đầu về số ca mắc COVID-19 mới tại Đông Âu
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, sự gia tăng của các ca nhiễm mới ở các nước thành viên ở khu vực phía Đông Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là các nước vùng Baltic, đang khiến hệ thống y tế nơi đây chịu áp lực ngày càng lớn, buộc chính phủ những nước này lại phải đưa ra các biện pháp hạn chế về phòng dịch.
Ngày 19/10, Romania báo cáo có 561 ca tử vong và 18.863 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ đầu đại dịch tại nước này.
Romania là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu, khi chưa đến 30% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, và cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì CPVOD-19 bình quân đầu người cao nhất châu Âu.
Các bệnh viện đang hoạt động quá tải tại nước này do số ca bệnh tiếp tục tăng trong những tuần qua - với số bệnh nhân được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt cao kỷ lục trong tuần này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước EU đã vận chuyển máy thở, máy tạo oxy và các kit xét nghiệm tới Rumani để hỗ trợ nước này điều trị số lượng bệnh nhân trở nặng đang ngày một tăng.
Đánh giá tình hình, Heather Papowitz, một bác sĩ từ WHO, cho biết "ưu tiên cấp bách là tăng cường tiêm chủng cho các nhóm dễ bị tổn thương, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, đồng thời giảm áp lực lên hệ thống y tế".
Trong khi đó, một kịch bản tương tự đang diễn ra ở Bulgaria, nơi mới có khoảng 25% dân số trưởng thành đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, đạt tỉ lệ thấp nhất trong các nước EU.
Các cơ quan y tế Bulgaria ngày 19/10 đã báo cáo, có 4.979 trường hợp nhiễm mới, đây là số nhiễm mới hàng ngày cao nhất kể từ cuối tháng 3 tại nước này.
Theo số liệu mới nhất, hơn 80% trường hợp nhiễm mới và khoảng 94% trường hợp tử vong đã được báo cáo ở những người không được tiêm chủng. Trong khi Romania và Bulgaria đều đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới kể từ cuối mùa Hè, các nước Baltic hiện có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất ở EU.
Litva đã ghi nhận 972 ca mắc mới trên 100.000 dân trong hai tuần trước đó, tiếp theo là Latvia (864 ca) và Estonia (859 ca).
Đầu tháng này, các nhân viên y tế từ hai trong 3 bệnh viện lớn nhất ở thủ đô Vilnius của Litva đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân không khẩn cấp do số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tăng đột biến. Tuy nhiên, hơn 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ ở Litva.
Chính phủ Latvia thông báo áp dụng lại lệnh phong tỏa 4 tuần từ ngày 21/10 đến 15/11, bao gồm lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng và đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước, một số bệnh viện báo cáo tỷ lệ bệnh nhân đã chiếm tới 80% số giường bệnh. Theo Thủ tướng Krisjanis Karins, hệ thống y tế của Latvia đang nguy cấp và cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là tiêm vaccine.
Quốc gia Baltic này tuần trước đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng, cùng với việc kiểm soát rộng hơn các hạn chế liên quan đến COVID-19.
Trong khi đó, tại Estonia, chính phủ liên minh dường như đang thảo luận về các biện pháp mới tiềm năng để giải quyết sự gia tăng các ca bệnh mới. Cựu Thủ tướng Jüri Ratas cho biết: "Nếu các bệnh viện của chúng tôi nhận được tín hiệu tương tự như ở Latvia, thì tất cả các khả năng và biện pháp phải được sử dụng".
Slovakia cũng đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới, khiến chính phủ phải tái áp đặt các hạn chế đối với 5 tỉnh phía Bắc của nước này từ ngày 18/10. Slovakia là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở EU, với chỉ một nửa trong số gần 5,5 triệu người được tiêm chủng đầy đủ.