Các quy định về năng lượng của Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2024 sẽ ra sao?
Các quy định về khí hậu và năng lượng được ban hành dưới chính quyền Biden có thể sẽ có những thay đổi đáng kể sau cuộc bầu cử năm 2024, trước những bất ổn về pháp lý và chính trị ngày càng tăng.
Các quy định về khí hậu và năng lượng được ban hành dưới chính quyền Biden có thể sẽ có những thay đổi đáng kể sau cuộc bầu cử năm 2024. Khi cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần, ngành năng lượng đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, dự đoán những thay đổi tiềm ẩn trong định hướng chính trị và các quy định hiện hành. Các quyết định pháp lý đang diễn ra, cùng với kết quả bầu cử, sẽ xác định xem các quy định hiện tại sẽ được duy trì, thay đổi hay bị bãi bỏ.
Quy định dưới áp lực pháp lý
Các quy định về khí hậu do chính quyền Biden ban hành phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý. Quy định năm 2023 của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) yêu cầu các nhà máy điện chạy than phải thu hồi 90% lượng carbon trước năm 2032 và các tiêu chuẩn mới về tiêu thụ nhiên liệu cho xe cộ trước năm 2031 đang gây tranh cãi. Việc Tòa án Tối cao bãi bỏ học thuyết Chevron đã làm phức tạp việc bảo vệ các quy định của các cơ quan liên bang. Vì các tòa án không còn phải tôn trọng các giải thích của những cơ quan đó về các đạo luật được đưa ra. Sắp tới, các tòa án phải giải thích luật một cách độc lập, điều này có thể dẫn đến những phán quyết bất lợi cho các quy định hiện hành.
Sự không chắc chắn về pháp lý ngày càng gia tăng, yêu cầu sự cho phép rõ ràng từ Quốc hội để các cơ quan có thể quy định những vấn đề quan trọng. Điều này làm cho việc thực thi các quy định của chính quyền Biden càng trở nên phức tạp, khi nhiều vụ kiện đang được đưa ra trước các tòa án liên bang. Các công ty trong ngành nhận thức được những rủi ro này nên vẫn luôn cảnh giác trước những diễn biến của các quyết định pháp lý.
Các quy định có được bãi bỏ dưới thời chính quyền Đảng Cộng hòa không?
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2024 có thể thay đổi hoàn toàn bối cảnh pháp lý. Ông Trump hứa sẽ bãi bỏ các quy định về năng lượng từ thời Biden, ủng hộ chính sách “thống trị năng lượng” tập trung vào việc khai thác nhiên liệu hóa thạch. Các biện pháp đang được xem xét bao gồm rút khỏi Hiệp định Paris, loại bỏ các quy định của EPA về khí mê-tan và tăng cường nhượng quyền khai thác dầu khí, kể cả ở Alaska.
Các chuyên gia pháp lý dự đoán sẽ có một làn sóng các sắc lệnh hành pháp khi bắt đầu chính quyền mới của Đảng Cộng hòa, nhằm đảo ngược các quy định hiện hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên hóa thạch. Các công ty trong ngành đã chuẩn bị cho trường hợp các quy định pháp lý được bãi bỏ, từ đó định hướng lại chiến lược đầu tư của họ cho phù hợp.
Ý nghĩa đối với ngành năng lượng
Sự không chắc chắn của các quy định pháp lý tạo ra sự biến động lớn cho các công ty năng lượng. Ngành này phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: chuẩn bị cho việc tiếp tục các chính sách về khí hậu dưới thời chính quyền của Đảng Dân chủ, hoặc một biến động hoàn toàn dưới thời Tổng thống của Đảng Cộng hòa. Các phân tích cho thấy rằng các công ty cần chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau, từ việc tiếp tục đầu tư cho năng lượng tái tạo và công nghệ giảm phát thải cho đến việc trở lại đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Các khoản tín dụng thuế hydro sạch, các quy định về khí mê-tan và tiêu chuẩn thu hồi carbon đều bị thay đổi tùy thuộc vào kết quả bầu cử. Báo cáo "Dự án 2025" của Quỹ Di sản đề xuất một chương trình bãi bỏ quy định sâu rộng, có thể làm cơ sở cho chính quyền Đảng Cộng hòa, bao gồm cả việc xem xét các chính sách khí hậu thời Biden.
Chiến lược ngành trước những bất ổn
Trong môi trường đầy biến động này, các công ty đang điều chỉnh chiến lược của mình. Một số công ty thì tập trung vào công nghệ giảm phát thải và năng lượng tái tạo, đặt cược vào tính liên tục của các quy định hiện hành. Những công ty khác thì đang chuẩn bị kế hoạch cho việc bãi bỏ quy định, tái tập trung vào năng lượng hóa thạch và đẩy nhanh các dự án phát triển.
Cuộc bầu cử năm 2024 sẽ không chỉ quyết định tương lai của chính sách năng lượng của Mỹ mà còn có tác động toàn cầu. Ngành năng lượng phải chuẩn bị cho một năm có nhiều thay đổi, điều chỉnh chiến lược để thích nghi với việc tăng cường các quy định hay tự do hóa thị trường.