Các quy định về xử phạt hành chính trên lĩnh vực đất đai
Theo Hội Luật gia tỉnh, thời gian qua, trong các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, có nhiều ý kiến của người dân thắc mắc về các quy định xử phạt đối với những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, lấn chiếm đất công, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp...
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (gọi tắt là Nghị định 91, có hiệu lực từ ngày 5-1) đã quy định rất cụ thể về chế tài xử phạt đối với các trường hợp nêu trên.
* Các mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai
Theo luật sư Ngô Văn Định, tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định 91 quy định trường hợp chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: phạt tiền từ 30-50 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1ha đến dưới 0,5ha; từ 50-80 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 1ha; từ 80-120 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 1ha đến dưới 3ha; từ 120-250 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên. Đặc biệt, chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt gấp 2 lần mức phạt quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định 91.
Ngoài ra, Nghị định 91 cũng quy định chế tài khá nghiêm khắc đối với hành vi lấn, chiếm đất. Cụ thể, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05ha; từ 3-5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05ha đến dưới 0,1ha; từ 30-70 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 1ha trở lên…đối với trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn.
Theo luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh), Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có tác động rất lớn đến người dân, tổ chức, công tác quản lý nhà nước về đất đai. Do đó, cần kịp thời tuyên truyền, phổ biến nghị định này để người dân nắm bắt, thực hiện, chấp hành. Bởi vì, nghị định quy định mức phạt tiền lên tới 500 triệu đồng đối với cá nhân, 1 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm và chế tài rất nhiều hành vi mà người sử dụng đất vi phạm mang tính phổ biến, thường gặp như: hủy hoại, lấn, chiếm đất đai; chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định…
Còn đối với trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05ha; từ 5-10 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05ha đến dưới 0,1ha; từ 50-120 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 1ha trở lên...
“Đây là quy định mới, tất cả người dân cần biết để chấp hành và thực thi. Làm sao để mọi người dân biết, nắm được các quy định này thì đó là trách nhiệm của cơ quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật” - luật sư Định nói.
Khi triển khai cho người dân, nhất là nông dân nội dung này, luật sư Định bày tỏ, không phải ai cũng biết pháp luật về đất đai đã quy định như vậy. Do đó, trong quá trình sản xuất, canh tác, không ít người vô ý vi phạm hoặc vi phạm nhưng không biết đó là hành vi bị pháp luật cấm. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai của các cấp chính quyền, đoàn thể chưa sâu rộng. Đồng thời, công tác quản lý về đất đai nhiều địa phương vẫn còn lơ là và có cả nguyên nhân vì lợi ích trước mắt có người bất chấp quy định pháp luật, cố ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật.
“Một khi người dân nắm bắt được và chấp hành Nghị định 91 thì tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép; lấn chiếm đất công, ao hồ, sông suối làm nhà ở; lấn chiếm đất người khác… sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất và công tác quản lý về đất đai tại các địa phương, nhất là các địa phương đang “nóng” về tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép cũng sẽ tốt hơn” - luật sư Định nhận định.
* Thế nào là lấn, chiếm, hủy hoại đất?
Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh) phân tích, theo Khoản 1, Điều 3, Nghị định 91, lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Còn tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 91 quy định, chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép; sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật...
Ngoài ra, Khoản 3, Điều 3, Nghị định 91 giải thích, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
“Nghị định 91 đã giải thích các khái niệm về lấn, chiếm, hủy hoại đất. Tuy nhiên, nếu không đọc kỹ phần giải thích từ ngữ sẽ dễ bị nhầm lẫn. Một khi hiểu sai từ ngữ, quy định pháp luật thì rất tai hại. Bởi vì, luật quy định một đằng lại thực hiện, áp dụng một nẻo. Do đó, để người dân hiểu sâu hơn về việc xử phạt hành chính trên lĩnh vực đất đai, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền các điểm nổi bật của Nghị định 91 để người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định” - luật sư Đức bày tỏ.