Các sản phẩm chất lượng sẵn sàng cho việc gắn sao OCOP
Với mục tiêu nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực hoàn thiện sản phẩm để tham gia Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP).
Năm nay là năm đầu tiên Hợp tác xã (HTX) Triệu Nguyên, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông tham gia đánh giá, phân hạng chương trình OCOP với sản phẩm trà đậu đen xanh lòng hoa nhài. Đây là sản phẩm có nhiều công dụng như hỗ trợ giấc ngủ ngon, giải nhiệt, lọc gan thận, chống lão hóa, giúp đen tóc, ngăn ngừa ung thư,… Chị Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc HTX Triệu Nguyên cho biết, với mong muốn bảo tồn, trồng và nâng cao giá trị giống đậu đen xanh lòng hạt nhỏ của địa phương, tạo ra sản phẩm giải khát mới từ nguyên liệu nông sản truyền thống, HTX đã đứng ra liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã theo hướng HTX cung cấp hạt giống, hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng tự nhiên, xây dựng vùng sản xuất an toàn có diện tích hơn 6 ha để chủ động nguyên liệu.
Hạt đậu đen xanh lòng đưa vào sản xuất trà được lựa chọn kỹ càng, được rang bằng máy đúng tiêu chuẩn giúp chín hết nhân xanh nhưng không làm cháy vỏ nên sản phẩm giữ được tối đa các thành phần dinh dưỡng, phát huy tác dụng tốt cho sức khỏe, có vị thanh nhẹ, dễ uống. Thành phẩm sau khi rang được phối trộn với hoa nhài theo công thức chuyên biệt gia truyền và được người tiêu dùng đánh giá cao. “Hiện tại HTX đang bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng theo yêu cầu của đơn vị tư vấn và Hội đồng đánh giá, phân hạng. Theo đánh giá, sản phẩm trà đậu đen xanh lòng hoa nhài của HTX có khả năng đạt từ 3 - 4 sao OCOP cấp tỉnh”, chị Phượng cho hay.
Năm 2021, huyện Đakrông có 2 chủ thể tham gia xây dựng sản phẩm OCOP với các sản phẩm trà thất tiên thảo, trà trinh nữ của HTX Hùng Anh và trà đậu đen xanh lòng hoa nhài của HTX Triệu Nguyên. Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, để hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các HTX trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm, quảng bá phát triển thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết, đến nay các chủ thể đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ gửi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh để phân hạng trong thời gian tới.
Tại huyện Triệu Phong, anh Nguyễn Đăng Tôn Cảnh, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Vạn Linh, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong cho biết, trong các năm 2019, 2020, cơ sở có 2 sản phẩm là bún tươi và bột bánh canh tươi được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Với những tiêu chuẩn như chất lượng sản phẩm được đảm bảo, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên được người tiêu dùng đón nhận. “Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian qua, sản lượng bán ra của cơ sở vẫn được duy trì ổn định. Năm nay, cơ sở tiếp tục đưa sản phẩm bột lọc tươi nhồi sẵn tham gia chương trình OCOP; dự kiến sẽ đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh”, anh Cảnh cho biết thêm.
Theo đánh giá của UBND huyện Triệu Phong, sau 3 năm thực hiện, chương trình OCOP đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý. Đến nay, toàn huyện đã có 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 5 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao gồm bún sạch Vạn Linh, bánh canh Vạn Linh, nước mắm Gia Đẳng, bánh cốm gạo lứt Mè Quê, ngũ cốc Trần Lan và 1 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao là gạo sạch Triệu Phong.
Năm 2021, dự kiến sẽ có thêm 4 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng và được gắn sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm trà tía tô Đông Triều, bánh gai Sáu Nhàn, bột gừng sấy lạnh Trần Lan và bột lọc tươi nhồi sẵn Vạn Linh. Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Vũ Thành Công cho biết, để chương trình OCOP ngày càng đi vào chiều sâu, huyện Triệu Phong đang xây dựng chính sách hỗ trợ các đối tượng, tổ chức đã tham gia chương trình OCOP phát triển thành lập mới các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng có sự tham gia của cộng đồng. Đẩy mạnh kết nối các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP với các nhà tư vấn phù hợp với ngành hàng. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể OCOP sáng tạo, nâng cao chất lượng các sản phẩm. Phấn đấu mỗi năm có 3 - 4 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng.
Ảnh hưởng của COVID-19 nên năm nay nhiều chủ thể OCOP gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và thiếu vốn đầu tư. Đặc biệt, COVID-19 còn gây không ít trở ngại trong việc tư vấn, hướng dẫn các chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Do vậy, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngoài hệ thống tổ chức thực hiện các cấp, đơn vị đã ưu tiên tập trung công tác tư vấn đến từng HTX, hộ kinh doanh cá thể, từng sản phẩm về chất lượng, quy cách, nhận diện cũng như các hoạt động phục vụ thị trường. Đồng thời công tác xúc tiến, hỗ trợ bán hàng cho các sản phẩm OCOP cũng được quan tâm. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) Hoàng Minh Trí, qua đánh giá sơ bộ các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP lần này đều có chất lượng khá tốt, có nhiều lợi thế trong cạnh tranh. Tuy nhiên, để đạt được chứng nhận cao thì các chủ thể cần tiếp tục bổ sung hồ sơ sản phẩm theo hướng dẫn của đơn vị tư vấn.
Qua đó, vừa hoàn thiện chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng được năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và vươn ra thế giới. “ Chi cục PTNT và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp, thực hiện nghiêm việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao giá trị sản phẩm như hỗ trợ chi phí kiểm nghiệm, công bố chất lượng sản phẩm; thiết kế, in ấn nhãn mác, bao bì sản phẩm; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hỗ trợ thông tin thị trường cũng như đẩy mạnh các hình thức xúc tiến, quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước”, ông Trí khẳng định.