Các siêu thị ở TP.HCM căng mình chống dịch Covid-19

Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM đang căng mình để vừa tăng cường phòng, chống dịch bệnh vừa đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm cần thiết của người dân.

TP.HCM có 237 siêu thị và gần 2.800 cửa hàng tiện lợi tập trung đông người đến mua sắm, nếu không kiểm soát tốt sẽ dễ có nguy cơ lây dịch bệnh Covid-19. Một số của hàng tiện lợi đã phải đóng cửa và mới đây, siêu thị Big C ở Quận 10 cũng phải tạm dừng hoạt động do có ca mắc Covid-19 vào mua sắm.

Trước tình trạng này, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM đang căng mình để vừa tăng cường phòng chống dịch bệnh vừa đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm cần thiết của người dân.

UBND TP.HCM đã có chỉ thị dừng hoạt động các chợ tạm, siết chặt việc phòng, chống dịch bệnh ở các chợ truyền thống. Chính vì vậy, người dân thành phố chuyển sang tập trung mua sắm ở các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhiều hơn. Hiện nay, nhiều siêu thị ở TP.HCM vừa tăng cường nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh.

Shipper ở siêu thi AEON ngồi giữ khoảng cách chờ giao hàng cho khách đặt hàng.

Shipper ở siêu thi AEON ngồi giữ khoảng cách chờ giao hàng cho khách đặt hàng.

Các hệ thống siêu thị đều dự trữ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu tăng từ 40% so với trước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng từ 3-6 tháng tới. Đồng thời, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh 5K của Bộ Y tế.

Cụ thể tại 18 siêu thị VinMart và gần 500 cửa hàng VinMart+ ở thành phố đã cho nhân viên hỗ trợ khách hàng rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, đo nhiệt độ trước khi vào mua sắm; giãn cách tối thiểu 2m kể cả trong khu mua sắm lẫn khu tính tiền; lắp đặt vách ngăn giữa nhân viên thu ngân với khách...

Còn hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra thực hiện phân luồng, hướng dẫn khai báo y tế và điều tiết khách hàng ngay từ cổng vào, tránh tình trạng khách vào siêu thị quá đông, không đảm bảo giãn cách. Riêng các siêu thị AEON thì ngoài thực hiện 5K còn tăng tần suất vệ sinh sát khuẩn từ 2 lần/ngày 4 lần/ngày.

Anh Nguyễn Nhơn Quý, Trưởng phòng Truyền Thông AEON Việt Nam cho biết thêm, tài xế ngồi chờ giao hàng của siêu thị cũng được bố trí khu vực riêng, ngồi giãn cách đảm bảo phòng, chống dịch.

“Đối với các khách mua sắm tại chỗ, siêu thị tăng cường phòng, chống dịch bệnh như thay mới toàn bộ tấm chắn giọt bắn tại các quầy thu ngân, dịch vụ khách hàng toàn bộ hệ thống siêu thị AEON. Công ty cũng trang bị thêm miếng đeo chắn giọt bắn cho nhân viên tiếp xúc nhiều như tài xế xe, người giao hàng...”, anh Quý cho biết.

Trước tình hình dịch bệnh diện biến phức tạp, TP.HCM cho dừng hoạt động chợ tự phát nên nhiều người cũng chuyển sang mua hàng online, qua điện thoại, zalo... của các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Chị Nguyễn Thị Kim, nhà ở đường Tân Thắng, quận Tân Phú, trước đây đi làm về thường tấp vào chợ tự phát dọc đường thì giờ chuyển hẳn sang mua hàng online và nhận hàng tại nhà.

“Tôi mua online rất tiện và hạn chế việc đến nơi đông người, đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người. Mua online khách lại có thể chuyển khoản, không phải tiếp xúc tiền mặt cũng như tiếp xúc trực tiếp với người giao hàng”, chị Kim cho biết.

Siêu thị chuẩn bị các lại thực phẩm thiết yêu cung cấp cho người dân trong thời điểm dịch bệnh này tăng 40% so với trước đó.

Siêu thị chuẩn bị các lại thực phẩm thiết yêu cung cấp cho người dân trong thời điểm dịch bệnh này tăng 40% so với trước đó.

Hiện nay, hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM đều có kênh bán hàng online, bán hàng qua điện thoại, zalo và dịch vụ đi chợ giúp... Với các siêu thị, tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng online cũng là cách để giảm khách đến mua hàng trực tiếp, hạn chế tập trung đông người, phòng chống dịch bệnh. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), ngoài siêu thị, còn có gần 200 cửa hàng tiện lợi (Satrafood).

Bà Phạm Thi Vân, Trưởng Ban quản lý Hệ thống bán lẻ Satra cho biết, hệ thống đã tăng cường bán hàng qua trực tuyến online, triển khai phương án G1 - hình thức đi chợ hộ cho người dân. “Người mua chỉ cần tải app về và đặt hàng trên đó sẽ có đội ngũ nhân viên đi mua đồ giúp. Hoặc thông qua Zalo, số hotline cũng có người đi chợ hộ, lượng đơn hàng hệ thống nhận hiện nay tăng 50%, doanh thu tăng 30%”, bà Vân cho biết.

Trong thời điểm hiện nay, việc tập trung đông người mua sắm là nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, cùng với việc các siêu thị thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh thì người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen mua sắm để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng./.

Lệ Hằng/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cac-sieu-thi-o-tphcm-cang-minh-chong-dich-covid-19-868283.vov