Các siêu thị vẫn ăm ắp hàng, không hề khan thiếu
Cuộc kiểm tra thực tế tại các siêu thị hôm nay 5-2 của Bộ Công thương cho thấy, hàng hóa, nông sản, thực phẩm vẫn đầy ăm ắp, không hề thiếu, khan như các nguồn tin phản ánh
Hôm nay (5-2), khi cùng Đoàn công tác của Bộ Công thương đi kiểm tra thực tế về tình hình cung ứng hàng hóa sau Tết Nguyên đán, cho thấy tại các siêu thị vẫn đang đầy đủ hàng, các loại trái cây, rau củ, nông thổ sản, thủy sản… không hề khan thiếu như dư luận phản ánh.
Đoàn công tác của Bộ Công thương do Vụ Thị trường trong nước tổ chức đã tới thực tế tại các siêu thị thuộc hệ thống Big C và Co.opmart tại Hà Nội của hệ thống Saigon Co.op.
Thực tế tại các siêu thị ngày 5-2 cho thấy, sau Tết Nguyên đán, các siêu thị đều chuẩn bị lượng hàng gấp 3 lần so với trước, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu: mắm muối, dầu ăn, thịt các loại, thủy sản, thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt mặt hàng nước uống đóng chai tăng 300% so với trước.
Lượng khách đến các siêu thị cũng vừa phải chứ không đông như nhiều người nghĩ. Tại một số khu gian hàng như thịt và sữa, thậm chí còn không có khách.
Trong các siêu thị, các loại rau xanh, trái cây cũng được cung ứng rất nhiều, tha hồ cho khách hàng lựa chọn. Từ chiều ngày 5-2, các mặt hàng trái cây xuất khẩu như thanh long, dưa hấu… do gặp khó khăn khi đưa lên cửa khẩu biên giới, hiện có nguy cơ phải “giải cứu”, đã về tới các siêu thị để phục vụ người tiêu dùng trong nước với giá rất rẻ: dưa hấu 7.900 đồng/kg; thanh long chỉ có: 14.000 đồng/kg. Bình thường, giá bán thanh long ở bên ngoài siêu thị là 25.000 -30.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán tới 60.000-70.000 đồng/kg.
Ngoài trái cây thì mặt hàng cá tra gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc hiện cũng đang chuẩn bị được đưa vào các siêu thị để phục vụ người tiêu dùng nội địa.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, hiện các doanh nghiệp cũng dự báo được nhu cầu của người dân sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này.
Cụ thể hệ thống siêu thị Big C đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho hệ thống; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 30-50% lượng hàng cung ứng cho thị trường.
Ngoài ra, qua trao đổi nhanh với một số hệ thống doanh nghiệp phân phối khác như hệ thống siêu thị Lotte mart, hệ thống siêu thị MM Megamarket… các doanh nghiệp cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm, giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam, như Đà Lạt đưa ra, nên nguồn cung ổn định.
Bên cạnh việc cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, các siêu thị cũng đã và đang làm việc với các nhà cung cấp khẩu trang (cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải), nước sát khuẩn để tăng mạnh lượng cung cho thị trường.
Liên quan tình trạng nhiều loại nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là tại tỉnh Lạng Sơn, chiều nay 5-2, văn phòng Bộ NN-PTNT thông tin tới báo giới như sau: Đầu giời chiều nay (5-2), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã điện đàm với Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu.
Và bắt đầu từ 14 giờ ngày 5-2, số xe nông sản ùn ứ này đã bắt đầu được giải quyết, thông quan (chỉ dành cho số xe đang bị ùn ứ).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã điện đàm với lãnh đạo các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Thuận... và được biết một số nhà máy chế biến đang thu mua thanh long với giá phù hợp. Cụ thể LaviFood thu mua với giá 12.000 đồng/kg để cắt nhỏ, đóng gói vận chuyển đường biển xuất khẩu.
UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đề nghị các nhà vườn, doanh nghiệp ở phía Nam không nên đưa dưa hấu, thanh long ra cửa khẩu phía Bắc cho đến khi Trung Quốc mở cửa các chợ biên giới trở lại.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cac-sieu-thi-van-am-ap-hang-khong-he-khan-thieu-643951.html