Các startup Việt chưa hấp dẫn được vốn đầu tư
So với một số nước khu vực như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, tổng số lượng đầu tư cũng như nhà đầu tư của Việt Nam thấp hơn. Lý do cơ bản, các startup của Việt Nam chưa tạo sức hấp dẫn đủ mạnh, chưa hướng đến sản phẩm dịch vụ có tính đột phá, dựa trên công nghệ cao, sáng chế mới.
Theo ông Đặng Quang Vinh, chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB), thực tế trên đã khiến cho việc tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn đối với khu vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam. Theo Khảo sát khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 của WB, trên hai phần ba (69%) doanh nghiệp được hỏi cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính. Tương tự, gần một nửa các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia khảo sát PCI năm 2021 nói về khó khăn đó, cao hơn so với năm 2017.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, khả năng tiếp cận tài chính là vấn đề cấp thiết, nhất trong những giai đoạn phát triển ban đầu khi phải làm sản phẩm khả thi tối thiểu. Thiếu hụt vốn cho giai đoạn ban đầu và hạn chế của "dòng vốn kiên nhẫn" - nghĩa là dòng vốn trong đó các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư dài hạn hơn, thường là quá 5 năm.
Chỉ có 15% các doanh nghiệp tham gia Khảo sát doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 cho biết được nhận vốn đầu tư mạo hiểm trước khi ra mắt sản phẩm. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ các doanh nghiệp tự huy động vốn hoặc tiếp nhận đầu tư của người thân và bạn bè trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Bất cập này được coi là cấp thiết nhất với các startup dựa vào quyền sở hữu trí tuệ và phát triển phần cứng, do các hoạt động này đòi hỏi nhiều vốn để phát triển (các sản phẩm khả thi tối thiểu). Thiếu hụt về "dòng vốn kiên nhẫn" cũng được ghi nhận. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam đang tập trung vào phần mềm và các mô hình sao chép ý tưởng nhằm nội địa hóa ý tưởng kinh doanh cho thị trường Việt Nam.
Tại báo cáo "Điểm lại - Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", WB cũng nhận định: Chưa có nhiều nhà đầu tư mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng dài hạn hoặc các doanh nghiệp có công nghệ hoặc mô hình kinh doanh quá mới mẻ. Các nhà đầu tư thiên thần, thường đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn giai đoạn ban đầu còn khan hiếm và các hoạt động chưa được chuyên nghiệp hóa. Hợp vốn đầu tư - phương thức đầu tư chia sẻ rủi ro, trong đó một số nhà đầu tư tập hợp nguồn lực để đầu tư cùng nhau với nhiều giao dịch hơn, chưa phải là phương thức phổ biến trong số các nhà đầu tư thiên thần tại Việt Nam.
Tiếp tục chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu, năm 2023, các startup Việt Nam nhận được 529 triệu USD vốn đầu tư, giảm 17% so với năm trước. Đây là một trong những nội dung chính được đề cập tại Báo cáo đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo 2024 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư Do Ventures công bố tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024.
Theo Báo cáo đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu, năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Tuy nhiên, so với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm nhẹ này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn.
Ngoại trừ các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD, số lượng thương vụ trong phạm vi từ 0,5 triệu USD - 3 triệu USD chứng kiến mức giảm ít nhất cũng cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển ổn định với sự ra đời và hoạt động gọi vốn của các công ty mới. Xu hướng này cũng thể hiện các nhà đầu tư vẫn giữ góc nhìn lạc quan với các thương vụ ở giai đoạn đầu cũng như tin tưởng vào năng lực vượt trội của những nhà sáng lập khởi nghiệp trong giai đoạn thử thách.
Các dấu hiệu sự phục hồi bắt đầu xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 khi số lượng thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tăng lên so với nửa đầu năm và giá trị đầu tư tăng 34% so với năm trước, vượt qua mức cùng kỳ năm 2020. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư. Singapore dẫn đầu cả về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư, theo sau là Indonesia.
Lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm trước, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Lĩnh vực giáo dục cũng nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư năng động nhất đến từ Singapore, theo sau là các nhà đầu tư Việt Nam.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cac-startup-viet-chua-hap-dan-duoc-von-dau-tu-169949.html