Các sự kiện công nghệ nổi bật nhất thế giới trong năm 2022
Những thời khắc cuối cùng của năm 2022 đang dần khép lại, mang tới cho chúng ta cơ hội nhìn lại một năm đầy những sự kiện chấn động trong giới công nghệ.
1. Tỷ phú Ellon Musk mua Twitter
Mạng xã hội Twitter đang trải qua một giai đoạn hỗn loạn sau khi Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla, Elon Musk, mua lại công ty trong thương vụ trị giá 44 tỷ USD hồi tháng 10 năm nay.
Các quyết định điều hành của Musk ở Twitter gây tranh cãi trên toàn thế giới, chẳng hạn như kế hoạch cắt giảm một nửa lực lượng lao động toàn cầu của công ty, để giảm bớt chi phí hoạt động. Kể từ đó, không ít người dùng đã dọa rời bỏ Twitter, giúp nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác có cơ hội vươn lên như Mastodon hay Tumblr.
Trong động thái ổn định tình hình, Musk đã công bố kế hoạch từ chức CEO Twitter và bán giao công việc cho người kế nhiệm phù hợp, sau khi người dùng Twitter bỏ phiếu lựa chọn điều này.
2. Sự trỗi dậy của công nghệ màn hình gập
2022 chứng kiến công nghệ gập trở nên phổ biến hơn, khi nhiều hãng điện thoại tung ra sản phẩm có thể gập, dẫn đầu là Samsung với hai mẫu Galaxy Z Fold và Z Flip.
Điện thoại có thể gập làm đôi về cơ bản sẽ cho phép người dùng nhét màn hình lớn hơn vào túi họ. Các mẫu điện thoại gập hiện đại cũng đạt được tiến bộ về độ bền cũng như thời lượng pin hơn hẳn so với những mẫu điện thoại gập trước đây.
Theo số liệu thống kê do Samsung cung cấp vào tháng 7 năm nay, toàn ngành đã xuất xưởng 10 triệu chiếc điện thoại có thể gập trong năm 2021, cao hơn 3 lần so với năm 2020.
Ngoài Samsung, các nhà sản xuất lớn khác gồm Oppo và Xiaomi cũng tung ra điện thoại gập và sản phẩm của họ đã nhận được nhiều đánh giá tích cực.
3. Thay đổi lớn trong cuộc khủng hoảng thiếu chip
Tình trạng chip máy tính bị thiếu hụt trong hai năm qua đã đẩy giá thiết bị điện tử lên cao và làm đình trệ hoạt động triển khai một số sản phẩm như ô tô và máy chơi game PlayStation 5.
Nhưng gió hiện đã đổi chiều khi nguồn cung chip đang tăng mạnh. Thậm chí, một số công ty sản xuất chất bán dẫn hiện phải đối mặt với tình trạng dư thừa chip, trong bối cảnh người dùng đang giảm bớt nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ vì nhiều lý do.
Sự thay đổi này đã khiến nhiều nhà sản xuất chip như Intel và Qualcomm phải ngừng hoạt động tuyển dụng hoặc cắt giảm nhân công.
4. Ngành công nghệ đuổi người hàng loạt
Năm nay, tin tức xuất hiện chủ đạo trong ngành công nghệ là hàng loạt công ly lớn sa thải nhân viên liên tục. Cụ thể các "gã khổng lồ" công nghệ như Meta, Twitter và Microsoft đều cắt giảm hàng nghìn việc làm, trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Diễn biến mới đã đánh dấu chấm hết đột ngột cho những đợt tuyển dụng rầm rộ do chính các công ty này thực hiện trong những năm qua, được thúc đẩy bởi sự phát triển của kỹ thuật số hóa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan tràn trên toàn cầu.
5. Thị trường tiền điện tử lao đốc
Sự sụp đổ của một số đồng tiền điện tử chủ chốt trên quy mô toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư hoảng loạn.
Sam Bankman-Fried, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX (hiện đã sụp đổ), gây chú ý vào tháng 11 sau khi nộp đơn xin phá sản ở Mỹ và từ chức lãnh đạo côngg ty. Việc FTX phá sản đã khiến các nhà đầu tư thiệt hại hàng trăm triệu USD.
Trong một vụ khác, sáng lập viên Do Kwon của Terraform Labs - công ty sở hữu tiền điện tử Terra Luna và TerraUSD- đang chạy trốn do có liên quan tới sự sụp đổ của hai đồng tiền ảo kể trên.
Việc hàng loạt đồng tiền ảo mất giá mạnh cho thấy sự thất bại của các công ty trong việc kiểm soát tình hình, cũng như sự nguy hiểm của những cơn sốt trong hoạt động đầu tư.
6. Sự cố WhatsApp ngừng hoạt động
Ứng dụng nhắn tin trực tuyến được sử dụng rộng rãi bậc nhất thế giới này chỉ ngừng hoạt động trong vài giờ vào tháng 10 năm nay. Nhưng sự cố đã ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng trên toàn cầu.
Ví dụ đơn giản là người dùng doanh nghiệp tạm thời bị cắt khỏi khách hàng của họ.
Các chuyên gia an ninh mạng cho biết, sự cố ngừng hoạt động - được cho là do lỗi kỹ thuật - là một lời nhắc nhở cư dân mạng nên có các ứng dụng trò chuyện thay thế ở chế độ chờ, trong trường hợp xảy ra sự cố tương tự.
7. Liên minh châu Âu chống lại các đại gia công nghệ
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục sứ mệnh kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ, vốn bị cáo buộc đang thực hiện các hành vi trốn thuế, kìm hãm cạnh tranh và truyền bá thông tin sai lệch cũng như các hoạt động có hại trên không gian mạng.
Ngày 20/12 vừa qua, Amazon đã đồng ý tiến hành những thay đổi lớn đối với cách thức công ty sử dụng dữ liệu của người bán ở châu Âu, như một phần của thỏa thuận dàn xếp các cuộc điều tra chống độc quyền có thể dẫn đến một khoản tiền phạt nặng.
Đây là kết quả mới nhất trong một loạt cuộc chiến do các cơ quan quản lý của EU phát động, nhằm vào những gã khổng lồ công nghệ.
8. USB-C trở thành chuẩn bắt buộc ở EU
Những chiếc điện thoại iPhone bán tại thị trường châu Âu trong tương lai có thể sẽ được trang bị cổng USB-C. Điều này diễn ra sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị di động phải tiêu chuẩn hóa cổng sạc của họ theo chuẩn USB-C vào năm 2024.
Điều này nhằm giảm lãng phí, cũng như giảm số lượng các bộ sạc cần sử dụng cho nhiều thiết bị, khi hầu hết thiết bị Android, iPad và MacBook mới đã sử dụng chuẩn USB-C.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải về cách Apple sẽ phản ứng với quy định mới. Một số nhà quan sát nghi ngờ Apple sẽ loại bỏ hoàn toàn lựa chọn sạc có dây trên iPhone và chỉ bán các sản phẩm sạc không gây trong tương lai.
9. Máy tính lượng tử được quan tâm
Cuộc đua chế tạo các máy tính lượng tử mạnh mẽ hơn đang nóng lên.
Những máy tính này có thể xử lý các tác vụ điện toán cực kỳ phức tạp với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với các máy tính truyền thống. Các công ty lớn như IBM đang tăng gấp đôi hoạt động nghiên cứu để xây dựng máy tính lượng tử của tương lai.
Sức mạnh xử lý tăng lên có thể đẩy nhanh việc phát hiện ra các loại thuốc mới, dẫn đến sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) tốt hơn và tạo ra những thứ như một mạng Internet không thể bị tấn công.
10. Cơn sốt NFT
Token không thể thay thế (NFT) đã thu hút sự quan tâm rất lớn vào năm 2022, với các giao dịch xung quanh những sản phẩm NFT trên các sàn giao dịch điện tử đã đạt doanh số 12,5 tỷ USD ngay trong quý đầu năm.
Con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 3,4 tỷ USD trong quý ba, do sự hoài nghi về tiền điện tử tăng lên.
Những tên tuổi lớn như Nike, Gucci và Instagram đều đã nhảy vào cuộc chơi với NFT của riêng họ trong năm 2022. NFT hiện đã được sử dụng trong hoạt động thời trang, giải trí và chơi game.
Hồi tháng 10, Tòa án cấp cao Singapore đã gây chú ý khi ra phán quyết cho rằng NFT có thể được coi là một loại tài sản.