Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục thu hút sự chú ý trong tuần tới khi chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về các phản ứng chính sách trước đại dịch bên cạnh đó là một số thông tin đáng chú ý khác.
Thị trường chứng khoán đã có những động thái lớn trong tuần qua. Đầu tiên, lo ngại về rủi ro tài chính đến từ nhà phát triển bất động sản Evergrande đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ hôm 20/9. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng hồi phục trong các phiên sau đó.
Tuy nhiên, Giám đốc chiến lược đầu tư Sam Stovall của CFRA cho biết: “Tôi cho rằng tình trạng hỗn loạn này của thị trường vẫn chưa có hồi kết”.
Một số dữ liệu kinh tế quan trọng sẽ được công bố trong tuần tới bao gồm Số liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu (1/10) và GDP quý III của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm (30/9).
Chủ tịch Fed điều trần trước Quốc hội
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ vẫn là một trọng tâm thu hút sự chú ý trong tuần tới. Một loạt các diễn giả của Fed sẽ có bài phát biểu trong khi Chủ tịch Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ tham gia trong các phiên điều trần trước Quốc hội vào thứ Ba (28/9) và thứ Năm (30/9) về các phản ứng chính sách trước đại dịch.
Ông Powell cũng xuất hiện trong một hội đồng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu với các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương khác vào thứ Tư (29/9).
Các diễn giả của Fed dự kiến sẽ không cung cấp bất kỳ thông tin mới nào nhưng họ có thể tinh chỉnh thông điệp của mình sau khi Fed đã báo hiệu vào tuần trước rằng dự kiến sẽ sớm cắt giảm 120 tỷ USD chương trình mua mua trái phiếu hàng tháng. Fed cũng đưa ra một dự báo mới về lãi suất, trong đó tiết lộ rằng một nửa trong số 18 quan chức Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất trong năm tới.
“Tôi nghĩ rằng những gì Fed đạt được cho đến nay là một sự thuận lợi mà thị trường đã không phản ứng quá mạnh”, Marc Chandler, Giám đốc chiến lược thị trường Forex toàn cầu của Bannockburn cho biết.
“Fed dự kiến sẽ giảm 120 tỷ USD mua trái phiếu hàng tháng trừ khi có dữ liệu việc làm yếu một cách đáng kinh ngạc. Đó là điều duy nhất cản trở Fed giảm bớt”, ông cho biết.
Dự luật cấp ngân sách của Quốc hội
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi Quốc hội trong tuần tới khi các nhà lập pháp cố gắng thông qua dự luật cấp ngân sách kịp thời để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa vào ngày 1/10.
Mức trần nợ dự kiến sẽ là một phần của cuộc tranh luận đó nhưng các chiến lược gia cho rằng vấn đề này sẽ chưa được giải quyết cùng một lúc. Các chiến lược gia cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường trong vài tuần trước khi Quốc hội nâng mức trần nợ. Lo lắng về một vụ vỡ nợ và thiệt hại kinh tế liên quan tới mức trần nợ đã góp phần khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc hôm 20/9.
Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà lập pháp Mỹ có thể ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa, rủi ro thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp diễn với rủi ro vỡ nợ tiềm tàng từ Evergrande.
Hiệu ứng tháng 10
Tháng 10 được xem là thời điểm mà cổ phiếu thường có xu hướng sụt giảm trong lịch sử, điều này làm nảy sinh thuật ngữ “Hiệu ứng tháng 10” tại thị trường chứng khoán Mỹ.
“Tôi cho rằng tháng 10 sẽ là một tháng rất nhiều biến động. Mức độ biến động của tháng 10 cao hơn 36% so với mức trung bình của 11 tháng khác trong năm. Sự biến động cao hơn và các đợt điều chỉnh có xu hướng xuất hiện thường xuyên hơn. Đó là một tháng địa chấn”, Sam Stovall, Trưởng chiến lược đầu tư tại CFRA cho biết.
Công ty quản lý tài sản Wellington Shields cảnh báo rằng việc nhiều cổ phiếu giảm xuống dưới đường MA 200 ngày là một điều tiêu cực cho thị trường. Chỉ có 59% cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vẫn ở trên đường MA 200 ngày hoặc trong xu hướng tăng và đó là một chỉ báo giảm giá khi độ rộng thị trường suy yếu.