Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
Mùa báo cáo quý I đang diễn ra khá khả quan trong khi các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đưa ra quan điểm trước cuộc họp chính sách vào tháng tới. Bên cạnh đó, dữ liệu PMI có thể chỉ ra tác động của tình trạng hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực tài chính.
Báo cáo KQKD quý I
Lĩnh vực ngân hàng đã bắt đầu mùa báo cáo KQKD trong tuần qua, trong đó các ngân hàng JPMorgan, Citigroup và Wells Fargo đều vượt kỳ vọng khi được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất và giảm bớt lo ngại căng thẳng trong hệ thống ngân hàng.
Mùa báo cáo quý I sẽ đạt được bước tiến lớn trong tuần tới, với kết quả được mong đợi từ một số ngân hàng lớn khác bao gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America cùng với một danh sách dài của các công ty bao gồm Netflix, Tesla, IBM…
Theo dữ liệu mới nhất của Refinitiv, các nhà phân tích hiện kỳ vọng EPS của chỉ số S&P 500 đã giảm 4,8% trong quý I so với cùng kỳ năm trước, so với dự báo tuần trước về mức giảm 5,2% so với cùng kỳ.
Gina Bolvin, chủ tịch của Bolvin Wealth Management Group ở Boston cho biết: “Mặc dù chúng tôi không nghĩ rằng mùa báo cáo sẽ mang lại nhiều tin tốt, nhưng với kỳ vọng được đưa ra ở mức thấp đến mức chúng tôi có thể chứng kiến cổ phiếu tăng trở lại sau khi kết quả được công bố”.
Phát biểu của Fed
Hầu hết các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng Fed vẫn sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 3/5, bất kể biên bản cuộc họp tháng 3 của ngân hàng trung ương đã thừa nhận nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng vào cuối năm nay sau những bất ổn gần đây trong lĩnh vực tài chính.
Trong vài ngày tới, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội nghe ý kiến từ các quan chức Fed trước khi họ bước vào giai đoạn tạm ngừng hoạt động truyền thống trước cuộc họp chính sách. Các quan chức sẽ phát biểu bao gồm Chủ tịch Fed New York John Williams, Thống đốc Michelle Bowman, Thống đốc Christopher Waller và Thống đốc Lisa Cook.
Mỹ cũng sẽ công bố dữ liệu về doanh số bán nhà hiện tại và báo cáo hàng tuần về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu, mà các nhà kinh tế dự đoán sẽ cho thấy một sự gia tăng khác trong bối cảnh số lượng nhân viên bị sa thải tăng kể từ đầu năm.
Dữ liệu PMI
Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Mỹ và Anh sẽ công bố dữ liệu PMI vào thứ Sáu (21/4) và những người theo dõi thị trường sẽ tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy liệu tình trạng hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế hay không.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo rằng các vấn đề trong lĩnh vực tài chính có thể khiến nền kinh tế toàn cầu có nhiều khả năng hoạt động kém hơn thay vì vượt xa ước tính.
Dữ liệu PMI sẽ cho biết tốc độ tăng trưởng có đang chậm lại hay không và nếu có thì tốc độ như thế nào. Câu hỏi này đang nhanh chóng trở thành động lực chính cho thị trường khi các ngân hàng trung ương sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt của họ.
Các thị trường đang đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm, một kỳ vọng dựa trên sự suy giảm lớn trong hoạt động sản xuất của Mỹ trong nửa cuối năm.
Dữ liệu kinh tế Anh
Anh sẽ công bố dữ liệu việc làm tháng 2 vào thứ Ba (18/4) và dữ liệu lạm phát tháng 3 vào thứ Tư (19/4), điều này có thể xác định liệu các quan chức của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng tới hay không.
Lạm phát đã bất ngờ tăng lên 10,4% trong tháng 2. Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại một con số vào tháng 3, nhưng tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát được thấy ở phần còn lại của Châu Âu và Mỹ.
Trong khi nền kinh tế của Anh đã cố gắng tránh được suy thoái, tăng trưởng đã bị đình trệ trong năm qua.
Các thị trường dự đoán BoE sẽ tăng lãi suất vào tháng tới từ 4,25% lên 4,5%, đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ 12 liên tiếp kể từ tháng 12/2021.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố một loạt dữ liệu kinh tế vào thứ Ba (18/4), bao gồm các báo cáo về tổng sản phẩm quốc nội quý I, doanh số bán lẻ tháng 3 và sản xuất công nghiệp, với những người tham gia thị trường kỳ vọng sẽ có thông tin rõ hơn về sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi xuất khẩu của Trung Quốc đang gia tăng và tăng trưởng tín dụng ổn định, lạm phát vẫn thấp khi lĩnh vực tiêu dùng và công nghiệp phải vật lộn để phục hồi sau tác động của những hạn chế khắc nghiệt trong thời kỳ đại dịch.
Các nhà hoạch định chính sách đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế đã ghi nhận một trong những hoạt động tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ vào năm ngoái do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với Covid-19.