Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
Thị trường có thể nhận được một số dấu hiệu về quy mô của đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong tuần này khi báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ được công bố và bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Dữ liệu kinh tế Mỹ
Fed đã bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất với mức cắt giảm 50 điểm cơ bản vào đầu tháng này, nhưng thị trường lao động vẫn tiếp tục là trọng tâm để các nhà đầu tư đánh giá tốc độ mà ngân hàng trung ương cần cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.
Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 10 vào thứ Sáu (4/10), với các nhà kinh tế dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ tăng thêm 144.000 việc làm.
Các nhà đầu tư đang háo hức xem liệu dữ liệu việc làm có hỗ trợ kỳ vọng về kịch bản hạ cánh mềm hay không, trong đó Fed kiềm chế lạm phát mà không ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.
Dữ liệu yếu hơn dự kiến có thể làm dấy lên nỗi lo về viễn cảnh suy thoái, trong khi tăng trưởng việc làm mạnh mẽ ngoài dự kiến có thể làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất sâu như mong đợi vì các nhà chức trách muốn tránh lạm phát quay trở lại.
Phát biểu của chủ tịch Fed
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu về triển vọng kinh tế trước Hiệp hội Kinh tế Doanh nghiệp Quốc gia vào thứ Hai (30/9).
Các nhà phân tích tại Deutsche Bank cho biết họ kỳ vọng những bình luận của ông Powell phần lớn sẽ lặp lại những phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách trước đó, trong đó ông cho biết rằng việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ vừa qua là dựa vào sự tự tin vào lạm phát và sự thay đổi rõ ràng về rủi ro theo chiều hướng giảm, đặc biệt là đối với thị trường lao động.
Khởi động quý IV
Quý IV sẽ bắt đầu vào thứ Ba (1/10) sau vài tháng thị trường trải qua nhiều biến động mạnh.
Tháng 8 là một tháng đầy biến động khi các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên được thu hồi diễn ra gần như cùng lúc với thời điểm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh và nỗi lo suy thoái bùng phát sau báo cáo việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến .
Nhưng sau đó, giá cổ phiếu đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, trong khi đồng yên sắp đạt được hiệu suất tốt nhất trong một quý kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chu kỳ giảm lãi suất trên toàn cầu, giá dầu sụt giảm và Trung Quốc đang mở vòi kích thích kinh tế.
Quý IV sẽ bị chi phối bởi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris nên có khả năng sẽ có nhiều biến động hơn nữa.
Lạm phát khu vực đồng euro
Khu vực đồng euro sẽ công bố dữ liệu lạm phát tháng 9 nhanh vào thứ Ba (1/10), dữ liệu này sẽ được theo dõi chặt chẽ khi các quan chức Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cân nhắc xem có nên cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 10 hay không.
Các nhà kinh tế đang kỳ vọng tỷ lệ lạm phát sẽ đạt 1,9%, giảm xuống dưới mục tiêu 2% của ECB lần đầu tiên kể từ tháng 6/2021 do giá năng lượng thấp hơn, mặc dù dự kiến sẽ tăng trở lại vào những tháng cuối năm.
Các nhà đầu tư hiện đang định giá ECB sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 10 khi hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro bất ngờ suy giảm vào tháng 9.
Giá dầu
Giá dầu đã giảm trong tuần qua khi các nhà đầu tư cân nhắc kỳ vọng về nguồn cung toàn cầu cao hơn so với các biện pháp kích thích mới từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc. Giá dầu Brent đã giảm khoảng 3%, trong khi giá dầu WTI giảm khoảng 5% trong tuần qua.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng vừa công bố các biện pháp kích thích mới nhằm đưa tăng trưởng kinh tế trở lại mục tiêu khoảng 5% của năm nay.
Nhưng lo ngại về tình trạng cung vượt cầu đã đè nặng sau các báo cáo rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày mỗi tháng bắt đầu từ tháng 12.
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung đang tiếp tục hỗ trợ thị trường dầu mỏ.
Các nhà giao dịch năng lượng sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu thị trường lao động trong những ngày tới vì việc cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng.