Các tập đoàn dầu khí lớn lao đao vì áp lực từ môi trường
Các công ty dầu khí lớn của thế giới đang hứng chịu nhiều 'đòn giáng' từ các tòa án và nhà đầu tư trong bối cảnh ngày càng có nhiều áp lực buộc họ phải hướng tới các hành động vì môi trường.
Tháng 5-2021, các nhà vận động vì môi trường đã hoan nghênh một loạt động thái nhằm buộc các công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tại Mỹ, cổ đông của Exxon Mobil đã “vượt cấp” ban lãnh đạo để bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị mới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi của công ty khỏi nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, tại châu Âu, một tòa án ở The Hague đã ra phán quyết rằng Royal Dutch Shell phải có nghĩa vụ đảm bảo thông qua chính sách doanh nghiệp của tập đoàn để giảm bớt lượng khí thải CO2 của tập đoàn, các nhà cung cấp và khách hàng của họ. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Chevron cũng đối mặt với một sự phản đối lớn tại cuộc họp chung thường niên về biến đổi khí hậu.
Danni Hewson, nhà phân tích tài chính tại AJ Bell, nhận định: “Các nhà hoạt động về khí hậu là những người có quyền lực và họ đã tìm ra cách sử dụng nó. Thay đổi là điều có thể gây đau đớn nhưng nó sẽ phải xảy ra. Việc đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu mà các chính phủ phương Tây đã đặt ra đòi hỏi các công ty dầu khí lớn phải đi đầu trong sự thay đổi đó”.
Thời điểm bước ngoặt
Ngày 26-5-2021 là một ngày trọng đại đối với các nhà hoạt động vì môi trường tập hợp chống lại các công ty dầu mỏ lớn. Các quyết định lớn đã được đưa ra chống lại Exxon Mobil và Royal Dutch Shell - lần lượt là 2 nhà phát thải carbon lớn thứ hai và thứ tư trên thế giới - bởi họ đã thất bại trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tập đoàn Shell đã thua cuộc trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt ở Hà Lan khi một thẩm phán ra phán quyết cho công ty phải tăng cường kế hoạch cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Với việc ngành công nghiệp dầu mỏ nói riêng đang chịu áp lực phải “làm sạch” hơn nữa hoạt động của mình, Shell đã đặt ra kế hoạch giảm lượng khí thải xuống 20% trong vòng 1 thập niên và đạt mức ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, tổ chức vì môi trường Milieudefensie của Hà Lan đã kêu gọi công ty phải hành động nhanh hơn, cắt giảm 45% lượng khí thải carbon vào năm 2030.
Một vụ kiện đã được đệ trình vào tháng 4-2019 thay mặt cho hơn 17.000 công dân Hà Lan, những người cho rằng Shell đang đe dọa nhân quyền bằng cách đầu tư hàng tỷ USD vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Vụ án được xét xử ở The Hague, nơi đặt trụ sở chính của Shell. Thẩm phán Larisa Alwin đã ủng hộ các nhà vận động và nói rằng đến năm 2030 lượng khí thải carbon ròng của Shell phải thấp hơn 45% so với mức năm 2019. Quyết định này khiến các nhà đầu tư sửng sốt và và Shell cho biết họ sẽ kháng cáo.
Phán quyết này đồng nghĩa rằng Shell sẽ phải tăng cường triệt để các chính sách khí hậu hiện tại để đạt được mục tiêu và dự kiến sẽ bán thêm tài sản và cắt giảm hoạt động thăm dò. Phán quyết cho thấy các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu đã có quyền lực mạnh mẽ như thế nào và các tập đoàn dầu mỏ không còn có thể gạt họ sang một bên.
Cùng lúc đó, Exxon Mobil đã thua trong cuộc chiến với các cổ đông của chính mình. Engine No. 1, một nhóm nhà đầu tư nhỏ tập trung vào lợi nhuận dài hạn đã thuyết phục đa số cổ đông bầu chọn cho ít nhất 2 ứng cử viên của họ, Gregory Goff và Kaisa Hietala, vào hội đồng quản trị của công ty. Cuối cùng, ngày 26-5, các cổ đông tại tập đoàn năng lượng Exxon Mobil đã bỏ phiếu để thay thế 2 thành viên trong hội đồng quản trị, liên quan đến vấn đề chống biến đổi khí hậu và kết quả hoạt động yếu kém gần đây.
Chiến thắng của Engine No. 1, dù chỉ là một phần nhưng là một cột mốc quan trọng và là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư về môi trường, xã hội và quản trị đang có ảnh hưởng trong các phòng hội đồng. Động thái này diễn ra ngay cả sau khi Exxon Mobil chi 35 triệu USD để ngăn chặn nỗ lực này. Engine No. 1 đã lập luận rằng việc Exxon Mobil miễn cưỡng thay đổi chiến lược kinh doanh của mình để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang gây nguy hiểm cho lợi nhuận. Trên thực tế, cuộc bỏ phiếu đã là một chiến thắng kép cho các nhà hoạt động môi trường và các đồng minh đầu tư của họ.
Các cổ đông của Chevron cũng dễ dàng thông qua một nghị quyết ủng hộ việc cắt giảm lượng khí thải tạo ra từ việc sử dụng các sản phẩm của mình trong cuộc họp đại hội đồng thường niên của công ty vào ngày 26-5. Tổng cộng 61% cổ đông đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất mở về việc Chevron phải cắt giảm lượng khí thải trong “Phạm vi 3” hay còn gọi là lượng khí thải do khách hàng sử dụng các sản phẩm của Chevro. Việc thông qua biện pháp “Phạm vi 3” có thể cho thấy sự không hài lòng của các nhà đầu tư trước phản ứng có vẻ chậm chạp đối với biến đổi khí hậu nhưng hành động này có phần mang tính biểu tượng bởi đề xuất không đặt ra mục tiêu về chính xác lượng khí thải cần được giảm hoặc vào thời điểm nào.
Động lực thay đổi vì môi trường
Sự kiện hôm 26-5 là hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty dầu khí lớn nếu họ chống lại nỗ lực thúc đẩy loại bỏ khí thải carbon. Những công ty này, cùng với nhiều công ty khác, đã rất chậm chạp trong hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng và bây giờ họ đang cố gắng để hành động phù hợp với thực tế mới. Thực tế đó, nói một cách dễ hiểu, là trách nhiệm giải trình.
Các công ty sẽ hướng tới mục tiêu giảm thiểu khí thải dựa trên cơ sở khoa học do các cổ đông yêu cầu và được các cơ quan quản lý thực thi. Việc giám sát, quản lý và giảm thiểu rủi ro khí hậu sẽ là những yếu tố quan trọng.
Các công ty dầu khí giờ đây phải công khai lộ trình cắt giảm khí thải carbon có thể kiểm chứng, thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng dựa trên nền tảng khoa học và lập kế hoạch chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Ngay cả những người khổng lồ toàn cầu như Exxon, Shell và Chevron ngày nay cũng sử dụng các quy trình phụ thuộc vào phần mềm xử lý bảng tính. Trong tương lai, những cách thức cũ này sẽ được thay thế bằng công nghệ hiện đại để cung cấp thông tin carbon cập nhật từng phút, đáng tin cậy (và có thể kiểm tra được) có thể được dự báo trên toàn bộ chuỗi giá trị. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến một loạt nhà lãnh đạo mới, những người mang lại sự nhạy bén về tài chính và công nghệ cho các hoạt động bền vững.
Tin tốt lành hiện nay là hệ thống “kế toán carbon” - dạng kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị, góp phần giúp các doanh nghiệp xác định các chứng chỉ tín dụng khí thải carbon, định giá, mua/bán và hạch toán nợ/có - đã được thiết lập. Bên cạnh đó, Nghị định thư về Khí nhà kính hiện là tiêu chuẩn toàn cầu trên thực tế để đo lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của khu vực tư nhân và nhà nước.
Sau những quyết định mang tính bước ngoặt này, các công ty dầu khí lớn cần cẩn thận với những tuyên bố mới về “trung hòa carbon” hoặc “không phát thải carbon”. Nếu không có các tính toán đảm bảo chặt chẽ, một chiến lược xác định, các mốc thời gian tạm thời, sự minh bạch đầy đủ và các hậu quả trừng phạt do vi phạm thì những tuyên bố này là chỉ là vô nghĩa.