Các tàu mắc vào chân cầu Vĩnh Phú được giải tỏa
Chiều 10/9, các tàu trôi dạt, mắc vào cầu Vĩnh Phú được lực lượng chức năng lai dắt ra khỏi vị trí mắc, bảo đảm an toàn cho cầu.
Theo chính quyền tỉnh Phú Thọ, sau khi xảy ra tình trạng tàu, sà lan trôi theo dòng nước và mắc kẹt vào chân cầu Vĩnh Phú vào sáng 10/9, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã kiểm tra, chỉ đạo hướng giải quyết.
2 tỉnh lên phương án sẵn sàng xử lý các tình huống cháy, nổ tàu và sự cố nếu có liên quan đến cầu Vĩnh Phú và các tàu, sà lan đang bị mắc kẹt.
Đến 14h20 cùng ngày, nước sông chảy xiết đẩy và nhấn chìm chiếc tàu lớn nhất có mái che đang bị mắc kẹt vào thành cầu, đồng thời giải phóng 4 sà lan đang bị kẹt cạnh đó.
Ngay sau đó, các tàu lai dắt được bố trí quanh khu vực cầu Vĩnh Phú nổ máy đi tới tiếp cận, lai dắt 4 sà lan bị trôi xuống hạ nguồn.
2 sà lan còn lại, lực lượng chức năng đã triển khai điều người, phương tiện cắt neo và lai kéo, di chuyển về khu vực neo đậu an toàn.
Lãnh đạo 2 tỉnh cũng thống nhất để lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc kiểm định lại cầu trước khi đề xuất phương án cho lưu thông trở lại.
Như Báo GD&TĐ thông tin, sáng 10/9, do ảnh hưởng mưa bão, mực nước sông Lô dâng cao ở mức báo động. Do dòng nước chảy xiết, một số phương tiện tàu, thuyền bị mắc vào chân cầu Vĩnh Phú.
Để đảm bảo an toàn, 8h sáng 10/9, lực lượng chức năng ban hành lệnh khẩn cấp tạm dừng các phương tiện giao thông lưu thông trên cầu Vĩnh Phú.
Cục Đường thủy nội địa khu vực I thông báo cấm các phương tiện giao thông thủy qua khu vực cầu Vĩnh Phú nối Vĩnh Phúc với Phú Thọ. Lệnh cấm thực hiện từ 8h30 ngày 10/9 đến khi có thông báo mới.
Cầu Vĩnh Phú được khởi công xây dựng từ tháng 12/2021 với tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng, kết nối TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) với huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc).
Cầu Vĩnh Phú có chiều dài của cầu hơn 509m, trong đó, cầu chính dài 290m, gồm 4 làn xe cơ giới.