Các thành phố trực thuộc Trung ương rất cần có quy hoạch chung
Có cần lập quy hoạch chung với các thành phố trực thuộc Trung ương; điều chỉnh quy định về quy hoạch không gian ngầm… là những vấn đề hiện còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức vừa qua, các chuyên gia nhất trí việc xây dựng quy hoạch chung với các thành phố trực thuộc Trung ương là rất cần thiết, các thành phố lớn trên thế giới cũng có quy hoạch chung.
Tồn tại song song hai bản quy hoạch cho thành phố trực thuộc Trung ương - có cần thiết không?
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, mối quan hệ giữa các loại và cấp độ quy hoạch này đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng cho biết, tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được bổ sung, sửa đổi theo hướng quy định rõ 5 loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm: quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thị trấn và đô thị mới; quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã; quy hoạch khu chức năng đối với khu chức năng; quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc Trung ương, và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc cũng cho biết, tại dự thảo Luật đã quy định cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn được lập để cụ thể hóa các nội dung định hướng phát triển đối với phạm vi được lập quy hoạch và làm cơ sở quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Trong đó, quy hoạch chung làm cơ sở, căn cứ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung và làm cơ sở, căn cứ lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn băn khoăn xoay quanh vấn đề quy định về quy hoạch chung được lập với thành phố trực thuộc Trung ương tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có nhiều nội dung trùng lặp với quy hoạch cấp tỉnh được lập đối với thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch. "Việc cùng một phạm vi lãnh thổ tồn tại song song hai bản quy hoạch do cùng một cấp phê duyệt có nội dung trùng lặp hay mâu thuẫn nhau sẽ gây lãng phí nguồn lực, có thể dẫn đến khó khăn trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương không?", Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Nguyễn Thành Công đặt câu hỏi.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần có quy hoạch chung đối với thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn nêu rõ, quy hoạch chung là cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Mức độ điều tiết của quy hoạch chung là cụ thể hóa mô hình phát triển, chiến lược, kịch bản phát triển kinh tế - xã hội qua việc tạo lập khung cấu trúc đô thị bền vững lâu dài, thích ứng được với sự biến đổi của các hình thái phát triển đô thị, tổ chức không gian, cơ cấu sử dụng đất, định vị các khung phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiểm soát các chỉ số về mật độ xây dựng, tầng cao, hệ số sử dụng đất…
Mặt khác, Kiến trúc sư, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính lưu ý, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, các quốc gia phát triển đều coi quy hoạch chung là một nội dung quan trọng để xây dựng, phát triển các đô thị lớn. Bởi, ở quy hoạch chung sẽ có dự báo phát triển, dân cư, phân bổ không gian cho từng phân khu của đô thị, bảo đảm phù hợp với tính chất của từng thành phố lớn. Trong khi đó, quy hoạch cấp tỉnh chỉ đưa ra khung định hướng chung, không thể lấy đó làm cơ sở để xác định từng không gian trong một đô thị.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch chung của thành phố trực thuộc Trung ương có những điểm giao thoa với nhau. Nhưng nếu thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 cũng đã có những điểm khác nhau giữa hai bản quy hoạch này về vị trí, vai trò của các quy hoạch; các tiêu chí kinh tế kỹ thuật được áp dụng; nội dung, thời hạn, thời kỳ của quy hoạch… Mặt khác, Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy cũng quy định việc xây dựng, phát triển Thủ đô phải thực hiện theo quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô; Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định quy hoạch chung đô thị là cơ sở để phân bổ kế hoạch sử dụng đất, tức là quy hoạch này không chỉ giúp phân bổ không gian cho một đô thị mà còn là cơ sở xác định các chỉ tiêu sử dụng đất.
Lồng ghép quy hoạch không gian ngầm trong quy hoạch đô thị
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sau khi rà soát đã được bổ sung, quy định rõ hơn về quy hoạch không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên, dưới mặt đất, mặt nước. Nhưng, theo nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Ngô Trung Hải, việc sử dụng hiệu quả và tích hợp hệ thống không gian ngầm đô thị là một trong những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tiết kiệm đất và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị theo hướng an toàn, sức khỏe, tiện lợi. Điều này đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu để quy định lồng ghép quy hoạch không gian ngầm vào quy hoạch cấp tỉnh của các thành phố trực thuộc Trung ương, thay vì để thành một loại quy hoạch riêng đối với các đô thị này như hiện nay.
Lý do, theo nguyên Viện trưởng Ngô Trung Hải là bởi, các doanh nghiệp đang “mắc” ở nhiều dự án do chưa có đủ quy hoạch không gian ngầm. Hiện nay, trên cả nước chỉ có hai thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có quy hoạch không gian ngầm. Nhưng, ngay tại TP. Hồ Chí Minh cũng quy định ở địa điểm nào chưa có quy hoạch không gian ngầm sẽ chỉ được xây dựng 1 tầng hầm, không đáp ứng được nhu cầu tầng ngầm tại những công trình lớn. Nếu không có quy hoạch không gian ngầm thì cơ quan quản lý không dám phê duyệt thiết kế xây dựng tầng hầm tại các công trình bất động sản quy mô lớn ở đô thị.
“Tầng hầm là bài toán cho phát triển đô thị ở nước ta, vì sẽ giúp tận dụng đất rất tốt. Nếu không có quy hoạch không gian ngầm tốt thì định hướng phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD) tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ không thực hiện được”.
Nhấn mạnh như vậy, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng chỉ rõ, dự thảo Luật không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ là một bước tiến so với quy định hiện hành, tháo gỡ nhiều ách tắc cho doanh nghiệp. "Trên đà cải tiến này, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu lồng ghép quy hoạch không gian ngầm vào quy hoạch cấp tỉnh với các thành phố trực thuộc Trung ương”, ông đề nghị.
Để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cũng đề nghị, tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ Xây dựng cần quy định rõ khi xây dựng quy hoạch không gian ngầm trong quy hoạch đô thị thì các địa phương sẽ phải tiến hành phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, thực trạng và định hướng phát triển đô thị, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xác định phân vùng quản lý không gian ngầm đô thị trên mặt bằng và theo độ sâu dưới mặt đất… Đồng thời, quy định rõ các tiêu chí, chỉ tiêu về sử dụng đất không gian ngầm công cộng; các yêu cầu về kiến trúc cảnh quan, môi trường không gian ngầm công cộng đô thị, cũng như yêu cầu về kết nối không gian ngầm và không gian trên mặt đất và không gian trên cao.