Các thành viên Hiệp ước bầu trời mở tính đến tương lai không có Mỹ
Nếu nỗ lực giữ Hiệp ước bầu trời mở thất bại, các nước sẽ mất đi một cơ chế thu thập dữ liệu thông tin hợp pháp về cơ sở hạ tầng quân sự của nhau.
35 quốc gia tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở ngày 6/7 họp trực tuyến để bàn về tương lai của Hiệp ước này, sau khi Mỹ đơn phương thông báo rút khỏi thỏa thuận. Một Hiệp ước tồn tại mà không có sự tham gia của Mỹ là kịch bản được tính đến trong các cuộc thảo luận. Tuy nhiên cũng có nhiều lo ngại về bất đồng giữa châu Âu và Nga trong việc tuân thủ Hiệp ước, có thể khiến nhiều nước nối gót Mỹ rút khỏi thỏa thuận, đẩy Hiệp ước đứng trên bờ vực sụp đổ.
Phát biểu trước cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhận định, mặc dù vẫn còn khoảng thời gian đệm trước khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước, nhưng Mỹ chắc chắn sẽ không thay đổi quyết định. Theo phía Nga, từ bỏ một cách có hệ thống các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc tế và phá hủy toàn bộ cấu trúc trong lĩnh vực này nằm trong chính sách của Mỹ. Do đó, bất chấp nỗ lực cứu vãn của các quốc gia thành viên cũng không thể khiến Mỹ thay đổi quyết định. Vì vậy, hội nghị trực tuyến hôm nay là cơ hội để các nước thảo luận tương lai của một Hiệp ước Bầu trời Mở không có Mỹ.
Về mặt khách quan, Hiệp ước Bầu trời Mở có lợi cho cả Nga và châu Âu ngay cả khi không có Mỹ, bởi vì cơ chế của thỏa thuận giúp hai bên chia sẻ thông tin và dữ liệu về lực lượng vũ trang và cơ sở hạ tầng quân sự của nhau. Điều này đảm bảo an ninh, giảm rủi ro quân sự, ngăn ngừa sự cố, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu còn nhiều bất đồng. Chính vì vậy, ngay sau thông báo đơn phương của Mỹ, hơn 30 quốc gia, bao gồm Nga, các đồng minh NATO của Mỹ và các quốc gia Đông Âu đã ra tuyên bố tiếp tục tuân thủ Hiệp ước. Muốn duy trì Hiệp ước nhưng các nước NATO cũng khẳng định Nga đã vi phạm một số điều khoản, hối thúc Nga tuân thủ để bảo vệ tốt nhất cho Hiệp ước.
Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Mỹ tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước nhưng cũng sẵn sàng cân nhắc nếu Nga tuân thủ hoàn toàn Hiệp ước. Các đồng minh NATO đang hợp tác với Nga để yêu cầu nước này tuân thủ thỏa thuận sớm nhất có thể. Các nước NATO sẽ tiếp tục tuân thủ, ủng hộ và củng cố các thỏa thuận nhằm tăng cường kiểm soát vũ khí, không phổ biến vũ khí- những yếu tố quan trọng trong an ninh của NATO”.
Trong số các quốc gia châu Âu có lập trường cứng rắn nhất với Nga liên quan đến những cáo buộc vi phạm này bao gồm Ba Lan, các nước cộng hòa Baltic, Ukraine và Grudia. Những tuyên bố phản đối gay gắt công khai từ một số quốc gia khiến các quan chức Nga phải thừa nhận có khả năng sẽ có hiệu ứng Domino nối gót Mỹ rút khỏi Hiệp ước. Và khi châu Âu từ bỏ Hiệp ước, thỏa thuận này cũng trở nên vô nghĩa đối với Nga.
Ngoài khả năng liệu có tiếp tục tham gia Hiệp ước hay không, hiện cũng có bất đồng giữa Nga và châu Âu về cách thức thực hiện Thỏa thuận khi không có Mỹ. Là các quốc gia đồng minh trong NATO, những nước châu Âu có thể hợp tác theo cơ chế chuyển dữ liệu thông tin sang nước thứ 3 là Mỹ.
Đây là một khả năng Nga sẽ không bao giờ chấp nhận, vì trong khi Nga không thể nhận được những thông tin hợp pháp từ Mỹ, Mỹ vẫn có thể nhận dữ liệu các chuyến bay về Nga từ các đồng minh châu Âu. Chính vì vậy, ngay trước cuộc họp đặc biệt hôm nay, phía Nga đã đưa ra 2 lằn ranh giới đỏ để duy trì Hiệp ước bầu trời mở: thứ nhất đó là sự tham gia của các nước châu Âu trong Hiệp ước và thứ hai là không chuyển dữ liệu về chuyến bay cho nước thứ 3 là Mỹ.
Nếu nỗ lực giữ Hiệp ước Bầu trời Mở thất bại, các nước sẽ mất đi một cơ chế thu thập dữ liệu thông tin hợp pháp về cơ sở hạ tầng quân sự của nhau. Các hoạt động giám sát sẽ dựa chủ yếu vào dữ liệu vệ tinh giám sát, được đánh giá là kém hiệu quả và ít tin cậy hơn. Tuy nhiên hệ lụy nguy hiểm nhất của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước này đó là bước đệm cho việc Mỹ không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Việc Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn tồn tại đứng trước nguy cơ hết hiệu lực, cho thấy mức độ nguy hiểm của an ninh toàn cầu trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân Nga-Mỹ luôn trong tình trạng dễ dàng leo thang căng thẳng./.