Các thành viên IEA sẽ tiếp tục xả kho dầu dự trữ chiến lược

Các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã quyết định tiếp tục rút dầu ra khỏi kho dự trữ dầu chiến lược của họ, nhưng với khối lượng không xác định, nhằm cố gắng hạ giá dầu hiện nay, IEA thông báo hôm thứ Sáu.

“Sáng nay, hơn 30 quốc gia đã họp bất thường và quyết định đưa thêm hàng chục triệu thùng dầu vào thị trường”, Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cho biết khi đề cập đến quyết định của IEA.

Sau đó một thông cáo báo chí xác nhận rằng 31 thành viên IEA đã quyết định rút dầu ra khỏi kho dự trữ của họ một lần nữa, nhưng các chi tiết sẽ được công khai “vào đầu tuần tới”.

Quyết định này "cho thấy cam kết vững chắc và đoàn kết của IEA trong việc ổn định thị trường năng lượng thế giới", vốn rất bất ổn kể từ khi Nga đưa quân sang Ukraine, IEA cho biết.

Tổng thống Mỹ đã thông báo hôm thứ Năm rằng ông sẽ rút 1 triệu thùng/ngày trong sáu tháng từ kho dự trữ dầu chiến lược khổng lồ của Mỹ, điều chưa từng có. Con số này tương ứng với tổng cộng 180 triệu thùng.

Ông Joe Biden đang phải vật lộn để cố gắng ngăn chặn sự gia tăng giá năng lượng, điều khiến các hộ gia đình Mỹ bực tức và phe đối lập Cộng hòa đang tận dụng điều này trong chiến dịch cho cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11.

Tổng thống Mỹ, người đang cố gắng đổ lỗi tình trạng này cho cuộc chiến ở Ukraine của Nga, cũng không tiếc lời chỉ trích ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ, ngành mà ông cáo buộc đã có lợi nhuận khổng lồ nhưng lại không đầu tư vào sản xuất.

Tháng trước, các nước IEA đã hứa sẽ rút khoảng 62,7 triệu thùng từ kho dự trữ của họ, nhấn mạnh rằng họ có khả năng tiến xa hơn. Các nước thành viên trong IEA có tổng trữ lượng 1,5 tỷ thùng.

IEA, có trụ sở tại Paris, được thành lập vào năm 1974 nhằm đảm bảo an ninh cho nguồn cung của các nước phát triển sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ.

Cơ quan này có 31 thành viên, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Vương quốc Anh, v.v.)

Mỗi quốc gia được yêu cầu dự trữ dầu khẩn cấp tương đương với 90 ngày nhập khẩu. Trong trường hợp có vấn đề về nguồn cung, họ có thể quyết định tung kho dự trữ này ra thị trường.

Cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh, trong khi các nước sản xuất cũng tiếp tục hạn chế nguồn cung.

Các nước sản xuất của OPEC+ (một liên minh bao gồm Nga) hôm thứ Năm đã đồng ý tăng khiêm tốn nguồn cung của họ, bỏ qua lời kêu gọi tăng mạnh nguồn cung để giảm bớt áp lực lên giá dầu.

Vào ngày 7 tháng 3, dầu đã đạt mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Dầu Brent đạt đỉnh 139,13 đô la một thùng và WTI đạt 130,5 đô la.

Kể từ đó, giá đã trượt khỏi đỉnh cao, với một thùng khoảng 100 đô la vào ngày 1/4/2022.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cac-thanh-vien-iea-se-tiep-tuc-xa-kho-dau-du-tru-chien-luoc-646779.html