Các thành viên WTO đánh giá cao tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam

Từ ngày 27-29/4, Phiên Rà soát chính sách thương mại (RSCSTM) của Việt Nam giai đoạn 2014-2019 trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã được tổ chức trực tuyến, kết nối các điểm cầu Việt Nam, trụ sở WTO tại Geneva và các nước thành viên WTO.

Toàn cảnh Phiên Rà soát chính sách thương mại (RSCSTM) của Việt Nam giai đoạn 2014-2019 tại điểm cầu Việt Nam. (Ảnh: Đa Phương)

Toàn cảnh Phiên Rà soát chính sách thương mại (RSCSTM) của Việt Nam giai đoạn 2014-2019 tại điểm cầu Việt Nam. (Ảnh: Đa Phương)

Công tác rà soát chính sách thương mại là một trong ba trụ cột của WTO, được tiến hành định kỳ đối với tất cả các thành viên nhằm bảo đảm sự minh bạch trong việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo WTO. Đây là phiên rà soát thương mại lần thứ hai của Việt Nam từ khi gia nhập WTO năm 2007. Phiên họp lần đầu của Việt Nam được tổ chức năm 2013 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Phiên RSCSTM diễn ra dưới sự chủ trì của bà Athaliah Lesiba Molokomme, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Botswana tại WTO và vai trò thảo luận viên của Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Hà Lan Monique Van Daalen, cùng với sự tham dự của đông đảo đại diện các thành viên WTO.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ chủ trì cùng với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành như Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện nhiều cơ quan liên quan.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác cùng các cán bộ Phái đoàn tham dự từ đầu cầu Geneva.

Tại Phiên họp, gần 40 thành viên WTO đã phát biểu, chia sẻ ý kiến với những đánh giá tích cực về các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan trong nhiều năm qua và ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, gắn kết hiệu quả giữa tăng trưởng với xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn, đẩy mạnh tiến trình tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP và EVFTA và đóng vai trò tích cực trong WTO và các thể chế đa phương khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC…

Nhiều nước thành viên bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại song phương với Việt Nam và hợp tác trong khuôn khổ WTO và các thể chế đa phương.

Nhân dịp này, nhiều nước thành viên đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam về tăng cường tham gia các sáng kiến hợp tác trong WTO như sáng kiến đàm phán nhiều bên về thương mại điện tử, đẩy mạnh triển khai Hiệp định WTO về thuận lợi cho thương mại, tiếp tục các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, thực thi các cam kết trong khuôn khổ WTO và các FTA.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Trần Quốc Khánh phát biểu tại Phiên Rà soát chính sách thương mại (RSCSTM) của Việt Nam giai đoạn 2014-2019. (Ảnh: Đa Phương)

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Trần Quốc Khánh phát biểu tại Phiên Rà soát chính sách thương mại (RSCSTM) của Việt Nam giai đoạn 2014-2019. (Ảnh: Đa Phương)

Trao đổi với các thành viên WTO, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Trần Quốc Khánh khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam đẩy mạnh công cuộc Đổi mới và tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thứ trưởng nhấn mạnh trong thời gian tới, Việt Nam sẽ gắn chặt việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với tăng cường năng lực thể chế đồng bộ, hiện đại; nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế; thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế và các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Các thành viên WTO đánh giá cao Đoàn Việt Nam đã trả lời đầy đủ, nghiêm túc hơn 850 câu hỏi trong khuôn khổ Phiên RSCSTM thông qua trao đổi trực tiếp và bằng văn bản liên quan đến nhiều lĩnh vực đa dạng như kinh tế-thương mại, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và các vấn đề cụ thể khác.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-thanh-vien-wto-danh-gia-cao-tien-trinh-doi-moi-va-hoi-nhap-quoc-te-cua-viet-nam-143762.html