Các thuốc dùng trị hội chứng ruột kích thích kèm táo bón
Người mắc hội chứng ruột kích thích kèm táo bón thường có triệu chứng đầy hơi, đau bụng thường xuyên và khó đi ngoài (táo bón). Mặc dù không đe dọa đến tính mạng, nhưng hội chứng ruột kích thích thường gây khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của người mắc…
Không có phương pháp duy nhất hay tốt nhất để điều trị hội chứng ruột kích thích kèm táo bón. Thông thường, sử dụng kết hợp các liệu pháp để giảm đau, có thể bao gồm những thay đổi trong chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát căng thẳng và dùng thuốc.
Mục tiêu của điều trị không chỉ là giảm bớt các vấn đề về đường ruột mà còn làm dịu cơn đau bụng, đầy hơi… những triệu chứng phổ biến của hội chứng ruột kích thích kèm táo bón.
Người bệnh không nên tự điều trị mà không trao đổi với bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc có những rủi ro cho sức khỏe, nhất là khi lạm dụng thuốc nhuận tràng và các chất bổ sung thường xuyên.
Một số thuốc dưới đây có thể được sử dụng điều trị hội chứng ruột kích thích kèm táo bón
1. Thuốc nhuận tràng trị hội chứng ruột kích thích kèm táo bón
Thuốc nhuận tràng là một trong những nhóm thuốc dùng điều trị hội chứng ruột kích thích kèm táo bón để giảm táo bón, giúp người bệnh đi vệ sinh dẽ dàng hơn.
Chỉ nên dùng thuốc nhuận tràng với chứng táo bón không thường xuyên. Vì lạm dụng, dùng thường xuyên thuốc nhuận tràng có thể gây hại.
Có nhiều loại thuốc nhuận tràng khác nhau. Điều quan trọng là phải hiểu được về những thuốc mà người bệnh dùng. Một số thuốc có thể an toàn hơn để điều trị táo bón lâu dài, nhưng cũng có những thuốc có thể hình thành thói quen và gây hại về lâu dài. Hãy trao đổi với bác sĩ để được dùng loại thuốc phù hợp với bản thân.
-Thuốc nhuận tràng kích thích: Các thuốc này có sẵn ở hiệu thuốc, bao gồm: Bisacodyl, sennosides, dầu thầu dầu và cascara thực vật… có tác dụng kích hoạt các cơ trong ruột co bóp, đẩy phân ra ngoài.
Các tác dụng phụ có thể bao gồm tiêu chảy, đau bụng, nôn và co thắt dạ dày...
-Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Gồm các thuốc kê đơn như lactulose hoặc không kê đơn như: Polyethylen glycol, magie citrate và sorbitol…, giúp kéo nước trở lại ruột kết để làm mềm phân, giúp người bệnh đi ngoài dễ dàng hơn.
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu được coi là khá an toàn để sử dụng đối với một số người mắc IBS-C, nhưng hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bạn sử dụng chúng thường xuyên.
Các tác dụng phụ bao gồm tiêu chảy, mất nước và đầy hơi. Cần đảm bảo uống nhiều nước khi dùng các thuốc này để tránh mất nước.
Một số thuốc kê đơn khác:
- Linaclotide là thuốc được dùng điều trị IBS-C, khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Thuốc dưới dạng viên nang, uống một lần/ngày khi bụng đói, ít nhất 30 phút trước bữa ăn đầu tiên trong ngày. Nuốt toàn bộ viên nang và không làm vỡ hay nhai viên nang.
Thuốc giúp tăng chất lỏng trong ruột và giúp tăng tốc độ di chuyển của thức ăn qua ruột, do đó giảm táo bón. Không nên dùng cho người từ 17 tuổi trở xuống không nên dùng nó. Tác dụng phụ phổ biến nhất là tiêu chảy.
- Lubiprostone là thuốc dùng điều trị IBS-C ở những phụ nữ không được hỗ trợ bởi các phương pháp điều trị khác. Các nghiên cứu chưa chỉ ra đầy đủ rằng nó hoạt động tốt ở nam giới. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng.
- Plecanatide cũng là một thuốc theo đơn dùng điều trị táo bón. Có thể uống thuốc mỗi ngày một lần cùng hoặc không cùng thức ăn. Thuốc có tác dụng làm tăng dịch tiêu hóa trong ruột và tăng nhu động ruột đều đặn.
2. Thuốc chống trầm cảm
Bác sĩ có thể kê liều thấp thuốc chống trầm cảm cho IBS. Thuốc có thể ngăn chặn nhận thức của não về cơn đau trong ruột.
Đối với Hội chứng ruột kích thích kèm táo bón có thể dùng thuốc chống trầm cảm SSRI (chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) với liều lượng nhỏ như: Citalopram, escitalopram, fluoxetine, paroxetine, sertraline… Tác dụng phụ của thuốc có thể bao gồm buồn nôn, chán ăn và tiêu chảy.
Lưu ý, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để có được kế hoạch điều trị phù hợp. Dùng thuốc đúng liều lượng khuyến cáo của bác sĩ (hoặc nhà sản xuất đối với các thuốc không kê đơn).
Trong quá trình sử dụng thuốc, cần theo dõi các bất thường có thể xảy ra, có thể là do tác dụng phụ của thuốc… cần báo cho bác sĩ biết để được tư vấn cách ứng phó kịp thời, thích hợp.
Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần phải kết hợp chế độ ăn uống – bổ sung chất xơ và tập luyện đều đặn…
Với cách điều trị thích hợp cùng với sự kiên nhẫn của người bệnh… có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích kèm táo bón.