Các tín đồ cực đoan của đạo Hindu ở Ấn Độ kêu gọi diệt chủng người Hồi giáo

Phong trào bài trừ Hồi giáo đang gia tăng ở Ấn Độ. Các lực lượng cực đoan trong cộng đồng người Hindu đang tìm cách biến Ấn Độ thành quốc gia của riêng người Hindu. Một số tín đồ Hindu thậm chí còn kêu gọi diệt chủng người Hồi giáo.

Lời lẽ hận thù nhằm vào người Hồi giáo trong cùng nước

Tại một hội thảo ở Ấn Độ vào tháng 12/2021, một nữ tín đồ Hindu cực đoan mặc đồ truyền thống của tôn giáo này từ đầu tới chân đã kêu gọi những người ủng hộ mình hãy sát hại người Hồi giáo và "bảo vệ" đất nước Nam Á này.

Theo video ghi lại sự kiện này, Pooja Shakun Pandey - một thành viên cấp cao của chính đảng Hindu Mahasabha cánh hữu, nói: "Nếu 100 chúng ta trở thành chiến sĩ và chuẩn bị giết 2 triệu người Hồi giáo, thì chúng ta sẽ chiến thắng, bảo vệ được Ấn Độ, biến Ấn Độ thành quốc gia Hindu".

Biểu tình ở Ấn Độ phản đối thái độ và phát ngôn hận thù nhằm vào người Hồi giáo. Ảnh: CNN.

Biểu tình ở Ấn Độ phản đối thái độ và phát ngôn hận thù nhằm vào người Hồi giáo. Ảnh: CNN.

Đáng buồn thay, lời lẽ và lời kêu gọi của bà này lại nhận được những tràng pháo tay lớn từ lượng lớn cử tọa. Hội thảo này kéo dài 3 ngày và được tổ chức ở thành phố Haridwar nằm ở miền Bắc nước này.

Nhưng trên khắp Ấn Độ, người dân đã phẫn nộ. Đến tháng 1/2022, tức là gần một tháng kể từ vụ phát ngôn đó, nhiều người vẫn còn hậm hực về việc chính quyền thiếu phản ứng hoặc bắt giữ các đối tượng liên quan đến các phát ngôn trên. Họ cho rằng tình trạng đó làm nổi rõ môi trường đang xấu đi đối với người Hồi giáo của Ấn Độ.

Sau khi áp lực gia tăng, tòa án tối cao của Ấn Độ đã can thiệp vào ngày 12/1, yêu cầu giới chức bang và liên bang phải có phản ứng trong vòng 10 ngày.

Bà Pandey cùng một số người khác đang bị cảnh sát địa phương điều tra về tội lăng nhục niềm tin tôn giáo - tội này có thể nhận mức án lên tới 4 năm tù, theo quan chức cảnh sát thành phố Haridwar.

Sự trỗi dậy của nhóm Hindu cánh hữu

Đảng Hindu Mahasabha là một trong các tổ chức chính trị lâu đời nhất tại Ấn Độ. Đảng được thành lập vào năm 1907 thời thực dân Anh cai trị trong bối cảnh xung đột gia tăng giữa người Hồi giáo và người Hindu ở đất nước này.

Đảng này không ủng hộ sự cai trị của người Anh nhưng cũng không hậu thuẫn cho phong trào độc lập Ấn Độ do Mohandas Karamchand Gandhi lãnh đạo. Gandhi đặc biệt khoan dung với người Hồi giáo. Thậm chí đến bây giờ, một số thành viên của đảng này vẫn tôn thờ Nathuram Godse - kẻ đã ám sát Gandhi.

Tầm nhìn của đảng Hindu Mahasabha, theo chính website chính thức của tổ chức này, là tuyên bố Ấn Độ trở thành "Tổ quốc của người Hindu".

Vẫn trang web trên cho biết, nếu đảng này nắm được chính quyền, họ sẽ không ngần ngại "ép buộc" người Hồi giáo Ấn Độ phải di cư sang nước Pakistan láng giềng, đồng thời họ sẽ cải cách hệ thống giáo dục của Ấn Độ để uốn nắn nó theo tầm nhìn của đạo Hindu.

Với hệ tư tưởng gây tranh cãi như vậy, đảng Hindu Mahasabha luôn chỉ là một lực lượng chính trị bên lề. Lần cuối nhóm này hiện diện tại quốc hội Ấn Độ là vào năm 1991.

Tuy nhiên, theo Gilles Verniers - phó giáo sư chính trị học tại Trường Đại học Ashoka (Ấn Độ), "sức mạnh của họ không nằm ở khía cạnh bầu cử". Trong 8 năm kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền, đảng này đã mở rộng về số lượng và tầm ảnh hưởng dựa trên quy mô và tần suất các cuộc mít tinh của họ. Verniers ước tính đảng này có hàng chục ngàn thành viên.

Hindu Mahasabha nhắm tới các cộng đồng nông thôn ở miền bắc Ấn Độ, khuyến khích người dân ở đây bỏ phiếu cho các đảng có cùng quan điểm dân tộc chủ nghĩa Hindu.

Và khi Hindu Mahasabha gia tăng thành viên trong các năm gần đây, họ càng công khai các quan điểm của mình.

Một sinh viên Hồi giáo 21 tuổi ở Delhi giấu tên cho biết, người Hồi giáo ở đây ngập tràn nỗi sợ mỗi khi các nhóm Hindu cánh hữu đưa ra các bình luận mang tính hận thù. Cậu này cho biết, ngay việc mang một cái tên Hồi giáo cũng khiến cậu cảm thấy không an toàn.

Hồi năm 2019, quốc hội Ấn Độ đã thông qua một đạo luật cho phép người nhập cư đến từ 3 nước láng giềng được nhận quốc tịch, trừ người Hồi giáo.

Trong khi đó, Zakia Soman - đồng sáng lập viên của nhóm Hồi giáo Bharatiya Muslim Mahila Andolan chia sẻ: "Cộng đồng chúng tôi nhận thức rằng mình như trở thành công dân hạng 2"./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch Nguồn: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cac-tin-do-cuc-doan-cua-dao-hindu-o-an-do-keu-goi-diet-chung-nguoi-hoi-giao-post918555.vov