Các tỉnh ĐBSCL phải quản lý tốt tàu cá của địa phương mình

Chiều ngày 28-6, tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); phân giới cắm mốc; phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Theo Bộ Công an, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi nổi lên là tội phạm về trật tự xã hội; mua bán người; vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng chức vụ, buôn lậu; vi phạm pháp luật về môi trường; sử dụng công nghệ cao; tệ nạn ma túy.

Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt trên 13 tỷ đồng, một số tỉnh tăng cường xử phạt các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm về tháo gỡ, thu gom, gửi thiết bị giám sát hành trình...

Các tỉnh, thành ĐBSCL đã phát hiện bắt giữ xử lý trên 26.400 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng; khởi tố hình sự 613 vụ, bắt 765 đối tượng, góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với việc chống khai thác IUU, tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục xảy ra trên 10 vụ vi phạm và trên 80 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. EC khẳng định không gỡ “thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng này.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã thực hiện các phần việc trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến Việt Nam là không để một tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ do đánh bắt trái phép.

Đồng thời, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2019/NĐ-CP và Nghị định 26/2019/NĐ-CP, phấn đấu hoàn thành trong tháng 7-2023.

Các địa phương phải cố gắng quản lý tốt nhất tàu cá của địa phương mình; phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra khởi tố một số vụ việc để nâng cao tính răn đe. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT hướng dẫn chuyển đổi nghề và gia tăng nguồn lợi thủy sản.

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về phân giới cắm mốc; phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý 13 tỉnh, thành ĐBSCL về tình trạng phân bón giả, buôn lậu qua biên giới, buôn lậu xăng dầu trên biển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm, tháo gỡ một số tồn tại, khó khăn còn vướng mắc trong vấn đề điều trị, cơ sở hạ tầng và chế độ chính sách đối với nhân viên, bác sĩ công tác tại các trung tâm y tế, cơ sở cai nghiện.

Đồng thời, gợi ý các địa phương ĐBSCL quan tâm bố trí quỹ đất gần các cơ sở cai nghiện để đào tạo, hướng dẫn người cai nghiện làm kinh tế nông nghiệp...

P. THANH - T. ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202306/cac-tinh-dbscl-phai-quan-ly-tot-tau-ca-cua-dia-phuong-minh-983264/