Các tỉnh Đông Bắc tiếp tục ứng phó mưa lớn sau bão số 7
Các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng và TP Hải Phòng không ghi nhận thiệt hại đáng kể sau khi bão số 7 đổ bộ vào đất liền, tiếp tục triển khai công tác ứng phó mưa lớn kéo dài những ngày tới.
Do ảnh hưởng của bão số 7 và không khí lạnh, tỉnh Lạng Sơn có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa bình quân 120mm, tuy nhiên, chưa ghi nhận lũ trên các sông và sạt lở đất tại các khu vực miền núi nguy cơ cao như Lộc Bình, Văn Lãng, Cao Lộc, Văn Quan... Tại TP Lạng Sơn, gió lớn đã làm một số cây xanh bật gốc đổ chắn ngang đường, kéo theo hệ thống dây gây nghiêng cột điện, hiện đã được các đơn vị xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến giao thông.
Tại TP Hải Phòng, từ trưa nay trời đã tạnh mưa. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, bão số 7 không gây sự cố mất an toàn về người, tài sản, phương tiện và công trình; không có tình trạng ngập úng. Riêng huyện Cát Hải có 350 khách du lịch là người dân các địa phương trong TP Hải Phòng đi du lịch Cát Bà, do lệnh cấm biển trước bão số 7 nên không thể trở về, phải lưu trú tại Cát Bà từ trưa hôm qua.
Đến giữa chiều nay, thời tiết trở lại bình thường, phà Gót (nối Cát Bà với nội thành Hải Phòng) đã hoạt động lại, vận chuyển những du khách có nhu cầu trở về đất liền. Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, UBND TP Hải Phòng yêu cầu các sở ngành, các địa phương theo dõi chặt chẽ, rà soát các phương án ứng phó thiên tai; sẵn sàng chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó.
2 tỉnh, Bắc Kạn và Cao Bằng dự báo từ đêm nay sẽ có mưa vừa, mưa to với lượng trung bình khoảng 100 mm. Theo thống kê, Cao Bằng, Bắc Kạn có khoảng 3.200 hộ dân trong các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Các huyện, thành phố tập trung rà soát các phương án ứng phó và triển khai công tác phòng chống thiên tai cụ thể theo tình hình từng địa phương, khu vực, trong đó có các biện pháp phòng dịch và an toàn cho các điểm sơ tán, đảm bảo lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu để người dân không đói, rét.
Ông Hà Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn cho hay: “Với phương châm chỉ đạo 4 tại chỗ, ngành đã chỉ đạo các địa phương tại các khu vực trọng điểm này, sẵn sàng phương án di dời tạm thời dân cư khi có mưa bão xảy ra, đồng thời, tiếp tục theo dõi, rà soát để có phương án phòng tránh và ổn định lâu dài sau khi kết thúc đợt mưa bão”.
Còn tại Quảng Ninh, từ đêm 9/10 trên địa bàn có gió cấp 4-5, riêng khu vực đảo Cô Tô, Vân Đồn có gió cấp 6-8. Trước khi bão đổ bộ, việc kêu gọi tàu cá, tàu du lịch về nơi tránh trú an toàn đã hoàn tất. Tính đến 15h chiều nay (10/10), các địa phương trong tỉnh chưa xảy ra thiệt hại gì sau bão, duy trì mưa rải rác từ mưa vừa đến mưa to. Trước dự báo tiếp tục có mưa lớn đến 100mm, đặc biệt là nguy cơ từ cơn bão Kompasu đang tiến vào biển Đông, các ngành chức năng Quảng Ninh tiếp tục công tác kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tập trung phòng, chống hoàn lưu sau bão, đặc biệt là đối với vùng khai thác mỏ lộ thiên và mỏ hầm lò, khu vực miền núi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Các địa phương trong toàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo nhân dân thu hoạch lúa mùa để bảo vệ sản xuất, cùng với gia cố chằng chống lồng bè nuôi trồng thủy sản, chòi canh. Tỉnh tiếp tục duy trì cấm biển, không cho tàu ra khơi đánh bắt hải sản để đảm bảo an toàn cho người dân. Hiện tại, tất cả các hồ chứa đang duy trì 85% công suất chứa để đảm bảo có thể đón lũ tiếp tục trong thời gian 10 ngày tới”./.