Các tình huống pháp lý đối với người đưa và nhận hối lộ trong vụ Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu bị bắt
Người đưa hối lộ cũng có thể bị xử lý hình sự, trừ trường hợp việc đưa hối lộ do bị ép buộc và chủ động khai báo trước khi bị cơ quan chức năng phát giác.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa bắt quả tang ông Châu Văn Mỹ, Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu đang nhận hối lộ của một nữ bị cáo tại một khách sạn trên địa bàn phường 1 (TP Bạc Liêu).
Báo CAND thông tin, trước đó, nữ bị cáo D.H.T (SN 1985, ngụ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) bị TAND huyện Hòa Bình xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 6 tháng tù giam về tội "Trộm cắp tài sản". Sau đó, bị cáo T. kháng cáo lên TAND tỉnh Bạc Liêu, xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong thời gian chờ TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm, T. chạy án với ông Mỹ để ông này giảm nhẹ hình phạt từ 6 tháng tù giam xuống còn 6 tháng tù cho hưởng án treo. Theo thỏa thuận, T. phải chi cho ông Mỹ 100 triệu đồng và phải quan hệ tình dục với ông này.
Tối 11/11, ông Mỹ hẹn T. đến khách sạn C.H (phường 1, TP Bạc Liêu) để nhận 20 triệu đồng còn lại (trước đó ông Mỹ đã nhận 80 triệu đồng). Sau khi nhận tiền, ông Mỹ đòi quan hệ tình dục với T thì bị cán bộ điều tra VKSND Tối cao ập vào bắt quả tang.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tiến hành khám xét phòng khách sạn, xe ô tô riêng của ông Mỹ. Việc khám xét này có sự chứng kiến của đại diện Công an tỉnh, VKSND tỉnh Bạc Liêu. Sau đó, ông Mỹ được di lý lên TP Hồ Chí Minh để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi nhận hối lộ.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, đây là một trong những vụ việc rúng động trong ngành tư pháp, bởi người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đang giữ chức vụ Phó Chánh án của tòa án cấp tỉnh. Đây là vụ án hình sự khá bất ngờ khi người bị bắt giữ là cán bộ cao cấp trong ngành tòa án ở địa phương; địa điểm bắt giữ là khách sạn và người đưa hối lộ được xác định là đương sự (bị cáo) trong vụ án hình sự; của hối lộ không chỉ là tiền mà còn có thể là hối lộ tình dục.
Đây mới chỉ là những thông tin ban đầu, Cơ quan điều tra viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, thu thập các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội. Đặc biệt là hành vi quan hệ tình dục đã diễn ra hay chưa, có bị ép buộc hay không. Hành vi này là hối lộ tình dục hay là cưỡng dâm để xác định xử lý bị can về một tội danh hay nhiều tội danh theo quy định của bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối với ông Phó Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu về 02 tội danh là tội "Nhận hối lộ" và tội "Cưỡng dâm".
Về mặt lý luận thì có người đưa hối lộ thì mới có người nhận hối lộ. Cả hành vi đưa và nhận hối lộ đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hình sự theo quy định. Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý thì có thể sẽ xảy ra trường hợp người nhận hối lộ bị xử lý hình sự nhưng người đưa hối lộ lại không bị xử lý (trong một số tình huống).
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, đối với người đưa hối lộ mà bị ép buộc, chủ động khai báo trước khi bị phát hiện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy sẽ cần làm rõ là hành vi đưa hối lộ có bị ép buộc hay không, việc cơ quan điều tra VKSND Tối cao bắt quả tang có phải do người đưa hối lộ đã trình báo trước đó hay không là vấn đề quan trọng để quyết định việc có khởi tố người đưa hối lộ hay không.
Có hai yếu tố quan trọng để quyết định có xử lý hình sự đối với người đưa hối lộ hay không, đó là: Người đưa hối lộ có bị ép buộc hay không ? Việc cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang có phải do người đưa hối lộ đã chủ động trình báo với cơ quan chức năng trước đó hay không?.
Đối với hành vi nhận hối lộ, theo quy định tại Điều 354 (BLHS 2015) là hành vi của người có chức vụ quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Luật cũng quy định của hối lộ ở đây có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất. Nếu là lợi ích vật chất thì trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ngoài ra, của nhận hối lộ còn có thể là lợi ích phi vật chất (khen thưởng, thăng chức, quan hệ tình dục...) thì hành vi cũng cấu thành tội phạm.
"Hành vi nhận hối lộ thể hiện sự sa đọa, suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, gây bất bình đẳng trong xã hội và có thể phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực khác. Bởi vậy, hình phạt đối với tội nhận hối lộ là rất nghiêm khắc, nếu tài sản nhận hối lộ trị giá từ 1 tỉ đồng trở lên thì người nhận hối lộ sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình", Tiến sĩ Cường phân tích.
Tiến sĩ Cường cũng cho rằng, để chứng minh tội phạm thì cơ quan điều tra viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ làm rõ "thỏa thuận" đưa tiền để được hưởng án treo giữa ông Phó Chánh án và bị cáo trong vụ trộm cắp tài sản này diễn ra như thế nào? Ai là người đưa ra đề nghị trước và việc đưa nhận hối lộ có sự ép buộc hay không ?
Nếu có chứng cứ về việc hai bên có thỏa thuận đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn để được hưởng án treo (thực tế bị cáo đã đưa 80.000.000 đồng cho ông Phó Chánh án này và khi đưa thêm 20.000.000 đồng nữa thì bị bắt quả tang) thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu tội "Đưa hối lộ" theo Điều 354 (BLHS 2015) và tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 364 (BLHS).
Theo quy định của bộ luật hình sự thì hành vi thỏa thuận quan hệ tình dục với người có chức vụ quyền hạn để họ hực hiện công việc theo yêu cầu của người quan hệ tình dục thì đây là hành vi đưa hối lộ (hay còn gọi là hối lộ tình dục). Người có chức vụ, quyền quyền hạn quan hệ tình dục với người khác để thực hiện theo yêu cầu của người đã quan hệ tình dục với họ thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Nhận hối lộ" theo Điều 364 (BLHS).
Nếu cơ quan điều tra làm rõ và kết án về hành vi này thì có lẽ đây là trường hợp đầu tiên bị xử lý về hành vi nhận hối lộ tình dục. Cơ quan điều tra bắt quả tang hai người ở khách sạn và rất có thể sẽ có ghi âm, tin nhắn giữa hai bên trước đó. Đây là những chứng cứ quan trọng để xác định có hành vi hối lộ tình dục hay không, làm căn cứ để xử lý hình sự về hành vi đưa hối lộ tình dục" và hành vi nhận hối lộ tình dục.
"Một điều đáng chú ý về khía cạnh pháp lý là hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn do bị ép buộc có thể bị xử lý hình sự với người ép buộc về tội "Cưỡng dâm" hoặc tội "Nhận hối lộ" (tình dục). Nếu hành vi quan hệ tình dục này là trái ý muốn nhưng có kèm theo điều kiện "thỏa thuận" là sau khi quan hệ tình dục thì người có chức vụ quyền hạn sẽ thực hiện công việc theo yêu cầu của người đã quan hệ tình dục với họ thì đây là hành vi nhận hối lộ (tình dục). Người thực hiện hành vi quan hệ tình dục trong trường hợp này sẽ bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ", Ts. Ls Cường nói.
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
................