Các tỉnh Nam Trung Bộ ứng phó hạn hán thế nào?
Trước tình hình các hồ chứa cạn kiệt, trong vụ hè thu 2020, các tỉnh Nam Trung Bộ ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi, cây trồng lâu năm và các ngành trọng điểm của tỉnh.
Nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, dân sinh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực Nam Trung Bộ trong tháng 4 đến 5/2020 tiếp tục ít mưa và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN). Từ nay đến tháng 5/2020, mực nước trên các sông ở Trung Bộ xuống dần và ở mức thấp, trên một số sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ phổ biến ở mức thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 15 đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 85%.
Tại Khánh Hòa, tổng dung tích trữ nước của 31 hồ chứa (28 hồ thủy lợi và 3 thủy điện) hiện chỉ còn hơn 110/250 triệu m3, đạt 41% so với dung tích thiết kế. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2019, tổng dung tích trữ nước tại các hồ chứa là 200 triệu m3, đạt 80% dung tích thiết kế.
Theo Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, nếu thời tiết không có mưa bổ sung, sau khi kết thúc vụ đông xuân (30/4) chỉ có một số hồ như Hoa Sơn, Tiên Du, Tà Rục, Suối Hành đảm bảo nhiệm vụ đủ nước sinh hoạt, công nghiệp và tưới cho lúa hè thu. Hồ Đá Bàn, Am Chúa ưu tiên nước sinh hoạt và tưới một phần diện tích lúa hè thu.
Số hồ còn lại sẽ dừng cấp nước sản xuất nông nghiệp, để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Vì vậy, diện tích lúa hè thu dự kiến sản xuất khoảng 6.500ha và diện tích khoanh vùng không sản xuất là 8.700ha.
Tại Ninh Thuận, mực nước 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 43 triệu m3, đạt 22% so với dung tích thiết kế. Một số hồ như Ông Kinh, Phước Trung, Tân Giang, Suối Lớn, Lanh Ra… dung tích trữ đã xuống dưới hoặc xấp xỉ mực nước chết. Bên cạnh đó, mực nước hồ Đơn Dương còn 90 triệu m3, đạt 55% so với dung tích thiết kế.
Còn Bình Thuận, tổng lượng nước hữu ích trong các hồ chứa nước thủy lợi trên bàn và 2 hồ thủy điện còn lại 362,19 triệu m3/1.033,60 triệu m3 thiết kế, đạt 35,04%; thấp hơn cùng kỳ (năm 2019) là 88,75 triệu m3.
Theo Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, do các hồ chứa không được bổ sung nguồn nước, vụ hè thu, Công ty chỉ điều tiết nước 9/21 hồ gồm: Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo, Núi Một, Thành Sơn, Bầu Ngứ, Sông Trâu, Bà Râu và Ba Chỉ để cấp nước tưới cho hơn 2.190ha. Nếu có mưa trên diện rộng, Công ty sẽ điều chỉnh diện tích gieo trồng cho phù hợp.
Đối với cấp nước phục vụ sản xuất vụ hè thu trong hệ thống các đập Sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm, Cty đã lên 3 phương án, tùy vào thời tiết để triển khai phương án nào. Theo các tỉnh Nam Trung Bộ, việc đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất và dân sinh mùa khô 2020 vô cùng khó khăn.
Phát huy hiệu quả các kênh chuyển nước
Là hai tỉnh hạn hán và có khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam, thời gian qua, phát triển thủy lợi là một trong những thành tựu nổi bật nhất của hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Ninh Thuận hiện có 21 hồ chứa nước với tổng dung tích theo thiết kế hơn 194 triệu m3. Vào mùa mưa, một số hồ chứa dung tích nhỏ thường phải xả nước để bảo đảm an toàn, còn vào mùa khô thì cạn kiệt nước, trơ cả đáy.
Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hơn 7.600 tỷ đồng, từ năm 2010, Ninh Thuận đã khởi công xây dựng hệ thống thủy lợi Sông Cái có dung tích chứa 219 triệu m3 trên địa bàn xã Phước Hòa, huyện Bác Ái. Dự kiến đến năm 2022 sẽ tích nước, phục vụ ổn định cho trên 20.000ha sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung mọi nguồn lực cộng với các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; vốn ADB, ODA... để đầu tư xây dựng hệ thống kết nối, liên thông các hồ chứa. Với kinh phí 350 tỷ đồng, Ninh Thuận đang thực hiện các thủ tục để triển khai dự án liên thông hồ chứa nước Tân Giang với hồ Sông Biêu, nâng dung tích chứa của hồ Sông Biêu từ 23 triệu m3 lên khoảng 38 triệu m3 để phục vụ nước cho khu công nghiệp phía Nam của tỉnh tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam…
Tận dụng triệt để nguồn nước xả từ các nhà máy thủy điện, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng hệ thống kênh chuyển nước, còn gọi là kênh “nối mạng” đưa nước từ những nơi thừa tới những khu vực khô hạn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước cho biết, tỉnh đã đưa vào sử dụng 11 kênh “nối mạng” với tổng chiều dài 113km, năng lực thiết kế 35.120ha, trong đó tiếp nước ổn định khu tưới đã có là 23.500ha và tưới tăng thêm là 11.620ha. Tổng mức đầu tư khoảng 1.321 tỷ đồng. Bình Thuận đang tiếp tục thi công ba công trình “nối mạng”.
Tại lưu vực sông Lũy (Bình Thuận), lượng nước từ thủy điện Đại Ninh và lưu vực tại chỗ chuyển về sông Lũy hằng năm khoảng 914 triệu m3. Dự án thủy lợi Phan Rí - Phan Thiết cấp nước tưới 15.700ha chỉ sử dụng khoảng 311 triệu m3/năm, còn lại hơn 600 triệu m3 phải xả ra biển do chưa có công trình điều tiết phù hợp.
Vì vậy, vào năm 2019, công trình hồ chứa nước Sông Lũy với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng được khởi công xây dựng. Hồ có dung tích gần 100 triệu m3 với mục tiêu cấp nước cho 24.200ha đất canh tác của các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc; cấp nước phục vụ sinh hoạt và du lịch cho Trạm bơm khu Lê Hồng Phong với lưu lượng 2m3/giây, kết hợp phát điện.