Các tỉnh phía bắc khắc phục thiệt hại do mưa đá
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong 30 ngày tới (từ 18-3 đến 17-4), các tỉnh thuộc phần phía Đông Bắc Bộ thời tiết ẩm ướt. Trong khi, các tỉnh Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, tình trạng thiếu mưa xuất hiện trở lại, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của người dân.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong 30 ngày tới (từ 18-3 đến 17-4), các tỉnh thuộc phần phía Đông Bắc Bộ thời tiết ẩm ướt. Trong khi, các tỉnh Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, tình trạng thiếu mưa xuất hiện trở lại, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của người dân.
* Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp hội tụ gió trên cao, đêm 17 và rạng sáng 18-3, các khu vực trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có mưa vừa, mưa to kèm theo mưa đá tại một số khu vực thuộc huyện Ngân Sơn, Chợ Đồn, Ba Bể trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 phút. Mưa đá đã làm hỏng mái 11 ngôi nhà tại xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn; làm hư hại 55,57 ha thuốc lá, 77 ha ngô và 7 ha rau màu các loại tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn.
* Tại huyện Lục Yên (Yên Bái) mưa đá và dông lốc làm hư hỏng 93 ngôi nhà, chủ yếu là bị tốc mái; làm hư hỏng 40 ha lúa ở xã An Phú, hơn 40ha ngô và cây rau màu ở các xã Trúc Lâu và An Phú bị thiệt hại. Mưa dông cũng làm sạt lở công trình kè trường mầm non xã Trúc Lâu, đổ tường rào khu làm việc của một số cơ quan… Tại huyện Yên Bình, có 56 ngôi nhà bị tốc và hư hỏng mái, 10 ha ngô và rau màu hư hại, một số gia súc và gia cầm bị sét đánh chết...
* Tại tỉnh Lai Châu, trận mưa đá đêm 17, rạng sáng 18-3 đã làm vỡ mái, tốc mái, hư hỏng hơn 1.700 ngôi nhà, hơn 70 ha rau màu, cây ăn quả; làm hư hỏng hơn 400 thiết bị năng lượng mặt trời và nhiều tài sản khác. Ước thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng.
Cụ thể mưa đá, gió lốc xuất hiện tại các huyện Tam Đường, Sìn Hồ và TP Lai Châu. Trong đó, huyện Tam Đường thiệt hại nặng nhất với 805 nhà dân bị vỡ mái hư hỏng từ 10% trở lên; hơn 65 ha rau màu và ngô bị hư hại. Tại TP Lai Châu, mưa đá đã làm hơn 350 nhà và 350 thiết bị năng lượng mặt trời bị hư hỏng.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền các địa phương nói trên đã chỉ đạo các xã, phường thống kê thiệt hại; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân có nhà bị hỏng mái sửa chữa, để sớm ổn định cuộc sống.
* Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tại các xã Bình An, Thượng Lâm (huyện Lâm Bình), Tứ Quận (huyện Yên Sơn), xã Sơn Phú, Đà Vị huyện Na Hang và TP Tuyên Quang, mưa rào và dông mạnh kèm mưa đá rải rác khiến 15 ngôi nhà bị thủng, tốc mái; 113 ha lúa bị hư hại; hơn 53 ha ngô, rau màu bị thiệt hại; khoảng 2,5 ha cam đang trong giai đoạn đậu quả bị ảnh hưởng. UBND các huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền các xã thống kê thiệt hại và lên kế hoạch hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.
* Tại tỉnh Hà Giang, mưa đá kèm dông lốc đã gây thiệt hại ở các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Xín Mần, Vị Xuyên, làm khoảng 370 nhà bị hỏng mái; hơn 35 ha thảo quả, ngô, đậu tương bị ảnh hưởng, dập thân, táp lá; một số tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở. Ngay khi xảy ra thiên tai, các huyện đã thống kê thiệt hại về nhà ở, hoa màu và huy động lực lượng tại chỗ khắc phục thiệt hại giúp dân.
* Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 36 điểm sạt lở (bờ sông 17 điểm, bờ biển 19 điểm) với tổng chiều dài 80km; trong đó có 14 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm uy hiếp trực tiếp đến khu dân cư, và cơ sở hạ tầng quan trọng. Tỉnh đang tập trung đầu tư nhiều công trình kè sông, biển bảo vệ khu dân cư và hoạt động sản xuất của người dân.
* Tỉnh Đồng Tháp có diện tích rừng hơn 12.000 ha; trong đó, diện tích đất có rừng hơn 6.000 ha, độ che phủ rừng 1,54%, chủ yếu phân bố ở các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh. Hiện đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, theo dự báo cháy rừng cấp V, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có sáu khu vực ở mức cực kỳ nguy hiểm có khả năng cháy lớn và lan nhanh.
* Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của các nhà hàng, khách sạn ở Sa Pa khó khăn khiến cho các trang trại nuôi cá hồi cũng lao đao. Tại thôn Kim Ngan, xã Ngũ Chỉ Sơn - nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi cá hồi ở Sa Pa - các trang trại nuôi cá hồi cũng đang tồn trung bình 1 - 2 tấn cá thương phẩm, cá biệt có trang tại tồn đến 5 tấn, trong khi đó tiền mua thức ăn hằng ngày cho cá rất tốn kém, giá bán rẻ, hiện thương lái chỉ mua với giá 150.000 đồng/kg.
* Tại các làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành, Hà Đông và ở các phường 7, 8, 10, 11 của TP Đà Lạt rau, hoa đã quá lứa nhưng không có người mua, giá rớt thảm hại. Không chỉ hoa, các loại rau củ cũng lâm tình trạng ế ẩm. Đại diện Công ty Đồng Xanh (TP Đà Lạt) cho biết, hằng ngày, công ty cung cấp hơn ba tấn rau xà lách lô lô, xà lách Mỹ cùng các loại rau cho hệ thống nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng do nhiều nhà hàng đóng cửa nên lượng rau tiêu thụ chỉ bằng 1/10 so bình thường.
* Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, tỉnh mới thả nuôi được khoảng 300/710 ha ốc hương, chủ yếu trên địa bàn TP Cam Ranh và huyện Vạn Ninh. Người dân chỉ thả giống cầm chừng hoặc chuyển sang nuôi tôm, cá để tránh nguy cơ thua lỗ. Nguyên nhân là từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc xuất khẩu hầu như đứng yên đã khiến người nuôi ốc hương lo ngại, không mặn mà thả nuôi.
* UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã phân bổ cho các huyện, thành phố 25 tỷ đồng thực hiện dồn điền đổi thửa và năm tỷ đồng hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ năm 2020. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã dồn điền đổi thửa được 8.214 ha với kinh phí hỗ trợ hơn 120 tỷ đồng.
* Để ứng phó khô hạn, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã khuyến cáo, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, canh tác, sử dụng các loại cây trồng sử dụng ít nước tưới thay dần cho cây lúa, trong đó vừng là loại cây trồng có khả năng chịu nắng hạn tốt. Đến nay, nông dân đã xuống giống được hơn 2.269 ha vừng vụ hè thu 2020, cao hơn so cùng kỳ năm trước là 1.713 ha; trong đó, chủ yếu là trồng vừng trên nền đất lúa, tập trung tại các quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh.
* Nhiều nông dân ở các địa phương của tỉnh Sóc Trăng như: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Châu Thành… đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng; trong đó, việc đưa màu xuống chân ruộng, đặc biệt là cây dưa hấu đã và đang khẳng định được hiệu quả kinh tế, không chỉ giúp người nông dân giải quyết được áp lực nước tưới tiêu mùa hạn mặn mà còn tạo được công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân…