Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An chủ động ứng phó với mưa lớn

Tối 24/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành văn bản số 4751/BNNMT-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Tình trạng ngập lụt gây nên những xáo trộn, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân tỉnh Nghệ An. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Tình trạng ngập lụt gây nên những xáo trộn, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân tỉnh Nghệ An. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Theo đó, trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt. Dự báo từ tối 24/7 đến đêm 25/7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, khu công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên khẩn trương huy động nguồn lực khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động phòng tránh; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, nhất là những khu vực đã xảy ra mưa lớn những ngày vừa qua.

Các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; iểm tra, rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình xung yếu, các công trình đang thi công, nhất là các vị trí đê điều đã bị sự cố, hồ chứa nhỏ đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết hồ chứa và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Các địa phương chủ động biện pháp tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tăng cường thông tin về diễn biến của mưa lớn đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh. Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/cac-tinh-thanh-pho-khu-vuc-bac-bo-va-thanh-hoa-nghe-anchu-dong-ung-pho-voi-mua-lon-20250724230042640.htm