Các tỉnh, thành phố phía Nam: Đẩy mạnh xử lý nạn buôn lậu dịp cuối năm

Khi các tỉnh, thành phố phía Nam mở dần các hoạt động kinh tế - xã hội sau đợt cao điểm chống dịch Covid-19, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có dấu hiệu gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp ở cả nội địa, khu vực biên giới, trên biển. Trước tình hình đó, các địa phương, ngành chức năng đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm triệt phá những đường dây, ổ nhóm tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường.

Lực lượng chức năng kiểm tra một điểm kinh doanh hàng hóa tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (ngày 10-8), phát hiện khoảng 64.800 viên thuốc tân dược không rõ nguồn gốc. Ảnh: Uyên Phương

Nạn buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo 389), từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố đã kiểm tra hơn 4.000 vụ việc về buôn lậu. Cao điểm nhất là tháng 8-2021, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 534 vụ việc (trong đó, 75 vụ hàng cấm, hàng nhập lậu, 457 vụ gian lận thương mại, 2 vụ hàng giả). Điển hình, ngày 10-8, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố) kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa tại phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân) do ông Nguyễn Ngọc Bảo làm chủ. Lực lượng chức năng đã phát hiện tại đây đang tàng trữ 64.800 viên thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ.

Còn theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, từ ngày 16-6 đến hết ngày 15-9, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 671 vụ vi phạm, điều tra khởi tố 30 vụ án/34 đối tượng. Các vụ buôn lậu chủ yếu liên quan đến những mặt hàng như: Thuốc lá ngoại 527.340 bao, đường cát 6.1150kg, xe ô tô 47 chiếc, xe mô tô 81 chiếc. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An Phạm Đức Chinh thông tin, trên tuyến biên giới, lực lượng chức năng đã lập nhiều chốt kiểm soát phòng, chống dịch và trong nội địa có chốt kiểm soát 24/24 giờ, nhưng tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra phức tạp do chênh lệnh giá thuốc lá phía biên giới Campuchia và Việt Nam rất cao.

Trong khi đó, tại vùng biển Tây Nam - nơi có số lượng lớn tàu cá hoạt động, do nhu cầu về xăng dầu phục vụ khai thác thủy sản khá cao nên các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự chênh lệch giữa giá dầu trong nước và các nước lân cận, đã mua bán, vận chuyển trái phép để kiếm lời. Điển hình, lúc 4h30, ngày 16-8-2021, Tổ công tác của Biên đội C21, Hải đoàn 28, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện tàu cá KG 95859TS chở khoảng 80.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ, đang đưa đi tiêu thụ.

Vấn nạn này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và làm méo mó thị trường. Chị Lê Thị Diễm Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Tấn Phát (quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Doanh nghiệp tôi kinh doanh hóa mỹ phẩm, nhưng thường bị khách hàng phản ánh là bán đắt hơn thị trường. Tìm hiểu, chúng tôi thấy, nhiều mặt hàng cùng nhãn mác, giống về mặt hình thức, nhưng là hàng trôi nổi, thậm chí là hàng giả. Vì vậy rất mong cơ quan chức năng kiểm tra xử lý tình trạng trên để môi trường kinh doanh lành mạnh hơn".

Quyết liệt xử lý vi phạm

Cơ quan chức năng nhận định, từ nay đến cuối năm 2021 là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nên dự báo hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Để xử lý triệt để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm, các tỉnh, thành phố phía Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.

Đơn cử, tại tỉnh An Giang, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, địa phương này đã chỉ đạo các lực lượng biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường, phối hợp triển khai chặt chẽ với các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương; phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực ngăn chặn hoạt động buôn lậu qua biên giới. Còn Đại tá Đậu Thanh Thủy, Đoàn trưởng Hải đoàn 28, Bộ đội Biên phòng thông tin, trong các tháng cuối năm, đơn vị tiếp tục đấu tranh mạnh với nạn mua bán, vận chuyển, sang mạn xăng dầu trái phép trên biển.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn tiêu thụ hàng hóa lớn, do đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng đã yêu cầu cơ quan chức năng thành phố thực hiện có hiệu quả kế hoạch trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến cuối năm 2021. "Ban Chỉ đạo 389 thành phố cần chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng để phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ việc có tính chất phức tạp, nguy hiểm để răn đe... Bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả…", Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Phạm Thanh - Đức Thắng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1015276/cac-tinh-thanh-pho-phia-nam-day-manh-xu-ly-nan-buon-lau-dip-cuoi-nam