Các tỉnh Trung Bộ mưa lớn, lũ dâng, năm người mất tích

Nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh miền trung đang có mưa to, lũ lớn, nước bắt đầu dâng cao. Hiện còn năm người mất tích, trong đó có hai người bị lũ cuốn ở Gia Lai, hai người ở Quảng Trị và một người Đắk Lắk. Công tác ứng phó mưa lũ đang diễn ra khẩn cấp. Sáu thuyền viên mất tích do tàu chìm ở Thừa Thiên Huế đã được cứu thành công.

Nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh miền trung đang có mưa to, lũ lớn, nước bắt đầu dâng cao. Hiện còn năm người mất tích, trong đó có hai người bị lũ cuốn ở Gia Lai, hai người ở Quảng Trị và một người Đắk Lắk. Công tác ứng phó mưa lũ đang diễn ra khẩn cấp. Sáu thuyền viên mất tích do tàu chìm ở Thừa Thiên Huế đã được cứu thành công.

* Mưa lớn, nhiều tuyến đường ở TP Tam Kỳ ngập sâu

Ban Chỉ huy Phòng chống, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, từ sáng 6-10 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa đo được tại các trạm từ 72mm đến 263mm.

Đáng nói, tại khu vực TP Tam Kỳ có mưa rất lớn, tổng lượng mưa đo được 263mm, nên chiều tối nay đã gây ngập cục bộ. Nhiều tuyến đường ở khu vực nội thị như: Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trưng Nữ Vương… bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) Lê Ngọc Ty cho biết, khoảng 13 giờ 30 phút chiều nay, mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm một nhà dân bị tốc mái hoàn toàn và hai nhà khác trên địa bàn xã bị tốc mái một phần…

Gió lốc làm nhà dân ở xã Tam Thanh bị tốc mái.

Gió lốc làm nhà dân ở xã Tam Thanh bị tốc mái.

Dù mưa lớn, nhưng đây là trận mưa đầu mùa, nên mực nước tại các hồ chứa vẫn bình thường. Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Quảng Nam cho biết, đến chiều nay (7-10), tình hình nguồn nước đối với 17 hồ chứa vừa và lớn do đơn vị quản lý đa số tích dưới 50% dung tích hữu ích, chỉ có hồ chứa nước Đá Vách (Tiên Phước) tích đạt 75%.

Đối với các hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4, có mực nước dâng cao hơn mực nước chết, từ 2 đến 10m, riêng hồ chứa nước thủy điện Sông Bung 2 đạt hơn 587m, cao hơn mực nước chết hơn 20m.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Công ty CP Thủy điện Đak Mi, Công ty Thủy điện Sông Bung chủ động tính toán, vận hành điều tiết để bảo đảm mực nước các hồ thủy điện Đak Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 không vượt quá giá trị mực nước đón lũ thấp nhất theo quy định (tại Bảng 2, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn); đồng thời, đề nghị các chủ hồ thủy điện theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg.

* Kịp thời cứu năm thuyền viên trong mưa bão

Hồi 13 giờ 45 ngày7-10, ở cách cửa Tư Hiền, Thừa Thiên Huế về hướng Đông Bắc khoảng ba hải lý, tàu vận tải Công Thành 27 của Công ty Thành Thái, Tiền Hải, Thái Bình gồm 11 thuyền viên, chở 4.500 tấn clinke đã bị sóng to do mưa bão đánh chìm.

Bộ đội biên phòng Thừa Thiên-Huế tìm kiếm người mất tích.

Bộ đội biên phòng Thừa Thiên-Huế tìm kiếm người mất tích.

Toàn bộ thuyền viên đã sử dụng phao rời khỏi tàu.

Nhận được tin báo, Bộ đội biên phòng Thừa Thiên-Huế đã huy động một phương tiện của ngư dân từ bờ ra cứu nạn, điều 26 cán bộ, chiến sĩ tuần tra ven bờ. Đến 15 giờ, bộ đội biên phòng đã phát hiện và quăng dây phao cứu kéo được năm thuyền viên, đưa về đồn Vinh Hiền chăm sóc sức khỏe.

Hiện, Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục cử lực lượng theo dõi, quan sát tìm kiếm sáu người còn lại.

* Gia Lai: Mưa lớn, hai cha con bị nước lũ cuốn trôi

Đến chiều tối 7-10, dù đã rất nỗ lực nhưng các lực lượng chức năng vẫn chưa tìm được hai cha con anh Nguyễn Văn Trường (SN 1983) và em Nguyễn Hoàng Bảo Long (SN 2003) ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) bị nước lũ cuốn trôi vào lúc gần 19 giờ tối 6-10.

Hiện tại, khu vực cha con anh Nguyễn Văn Trường (SN 1983, trú tại Đội 7, Công ty TNHH một thành viên Bình Dương) bị nước lũ cuốn trôi vẫn mưa rất to. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Đồn Biên phòng Ia Púch, lực lượng dân quân xã, lực lượng của Công ty TNHH một thành viên Bình Dương và người dân đã sử dụng áo phao, phao cứu sinh, xuống máy nỗ lực tham gia công tác tìm kiếm.

Tuy nhiên, do lượng nước từ đầu nguồn đổ về lớn nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Anh Trần Đại Nghĩa, người cùng đi qua đập tràn với hai cha con anh Trường kể lại: Vào thời điểm trên có tám phụ huynh đến khu vực cầu tràn Đội 7 để đón các cháu học sinh đi học ở trung tâm huyện về (các cháu đi học được xe đưa đón đến cầu tràn).

Lúc này, nước suối tràn qua ngầm khoảng 80 cm, không xe máy nào qua được. Thấy vậy, anh Nghĩa và anh Trường liền để xe máy bên này ngầm tràn và đi bộ qua ngầm để đón con. Qua đến nơi, anh Trường cõng cháu Long, còn anh Nghĩa cõng theo con mình là Trần Anh Tuấn và cùng nắm tay nhau để lội về. Khi đến giữa ngầm thì một cây củi dài khoảng 2m, đường kính khoảng 15cm trôi qua và đập vào chân làm cả anh Trường và anh Nghĩa ngã xuống nước. May mắn là anh Nghĩa đã đứng được dậy và tiếp tục đi vào bờ an toàn, còn hai cha con anh Trường không trụ vững nên bị nước lũ cuốn trôi.

Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, nhận được tin báo của địa phương, Bí thư Huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "bốn tại chỗ". Đồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Đồn Biên phòng Ia Púch, Công ty TNHH một thành viên Bình Dương, xã Ia Púch huy động lực lượng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn. Địa phương đang tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm.

* Quảng Nam kêu gọi đưa 129 tàu cá hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn

Chiều 7-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh đã phát thông tin kêu gọi thuyền trưởng của 129 tàu cá, cùng với 3.391 lao động đang còn hoạt động trên biển khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn hoặc khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Theo số liệu từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, hiện toàn tỉnh còn 112 tàu, với 3.288 lao động hoạt động xa bờ; trong đó, ở khu vực biển Hoàng Sa có 33 tàu, với 286 lao động; ở khu vực biển Trường Sa có 79 tàu, với 3.002 lao động. Ngoài ra, còn có 17 tàu, với 103 lao động đang hoạt động gần bờ.

Ngay sau khi nhận được thông tin về áp thấp nhiệt đới trên biển đông, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đã thường xuyên thông tin về hướng đi, diễn biến của áp thấp để các thuyền trưởng chủ động đưa tàu vào nơi trú tránh an toàn, nhằm hạn chế thiệt hại và bảo đảm an toàn tính mạng cho ngư dân.

 Hàng trăm tàu thuyền đã vào Khu âu thuyền An Hòa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) để tránh trú.

Hàng trăm tàu thuyền đã vào Khu âu thuyền An Hòa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) để tránh trú.

Cũng theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện toàn tỉnh có 2.919 tàu không hoạt động và đã được đưa vào nơi trú ẩn an toàn.

Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là các huyện ở khu vực miền núi của tỉnh khẩn trương triển khai phương án “bốn tại chỗ”, hướng người dân phòng tránh và có phương án ứng cứu kịp thời khi có lũ quét, sạt lở đất do mưa bão gây ra…

* Quảng Trị hai người bị mưa lũ cuốn trôi mất tích

Chiều 7-10, Chủ tịch UBND huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Đặng Trọng Vân cho biết, do mưa lũ lớn, trên địa bàn của huyện có hai người dân không may bị lũ cuốn trôi mất tích.

Cụ thể, vào trưa 7-10, anh Nguyễn Văn N. (SN 1985) và anh Lê Quang H. (SN 1992) cùng ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện miền núi Hướng Hóa, trong lúc chèo thuyền qua con suối gần khu vực Thủy điện Rào Quán để về nhà thì gặp nước lũ chảy xiết, chiếc thuyền chở hai anh bị lật, cả hai bị nước cuốn mất tích.

Sau khi vụ việc xảy ra, UBND huyện Hướng Hóa đã huy động lực lượng quân sự, công an, dân quân và người dân địa phương tổ chức tìm kiếm. Tuy nhiên, do mưa lớn, nước lũ đổ về rất mạnh nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công điện số 06/CĐ-BCH vào hồi 9 giờ sáng 7-10, cảnh báo trong ngày hôm nay, khu vực tỉnh Quảng Trị tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, đặc biệt tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ… và đề nghị các địa phương chủ động phòng, chống lũ.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay trực tại điểm giao thông cảnh báo người dân không đi qua vùng có nước chảy xiết.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay trực tại điểm giao thông cảnh báo người dân không đi qua vùng có nước chảy xiết.

Lượng mưa từ chiều 6 đến chiều 7-10 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rất lớn, nơi lượng mưa cao nhất đo được hơn 360 mm. Phần lớn các đường giao thông miền núi bị cô lập vì nước lũ dâng cao, chảy xiết.

Bộ đội Biên phòng Quảng Trị tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông sẵn sàng túc trực tại các điểm xung yếu, thông báo kịp thời người dân không đến các điểm giao thông bị ngập, đang chảy xiết, bảo đảm an toàn tính mạng người dân.

 Nhiều tuyến đường miền núi Quảng Trị bị ngập do mưa lũ lớn.

Nhiều tuyến đường miền núi Quảng Trị bị ngập do mưa lũ lớn.

* Phú Yên ứng phó với mưa lớn trên diện rộng

Từ chiều 6 đến sáng 7-10, tỉnh Phú Yên đã có mưa, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 17 đến hơn 90mm.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, hiện có 234 tàu cá/1.419 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, tìm nơi tránh trú. Tất cả các tàu đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến của vùng áp thấp trên Biển Đông, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên liên lạc về gia đình và Bộ đội Biên phòng. 74.661 lồng, bè của doanh nghiệp và người dân nuôi thủy sản cũng đã sẵn sàng các phương án ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên gây mưa to, lũ lớn.

Do mưa lớn, toàn tỉnh hiện có 14 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 25 km, gây nguy hiểm trực tiếp đến các khu dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng. Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông và mưa lớn, từ chiều tối 6-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã phát đi công văn hỏa tốc, yêu cầu các đơn vị, địa phương sẵn sàng sơ tán dân ở những vùng trũng thấp dễ bị ngập sâu, chia cắt; nghiêm cấm người dân đi lại, đánh cá, vớt củi ở các khu vực nước chảy xiết, trên sông, suối.

Các đơn vị quản lý hồ chứa phải theo dõi chặt chẽ mực nước để phối hợp vận hành xả lũ hợp lý, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Các lực lượng được giao nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn phải trong tư thế sẵn sàng ứng phó 24/24 giờ. Mọi công tác ứng phó với mưa lũ phải phù hợp với diễn biến và công tác phòng chống dịch Covid-19.

* Mưa lũ gây chia cắt nhiều nơi ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình

Trưa 7-10, UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp, từ đêm 6-10, trên địa bàn huyện có mưa to, nước sông Gianh, sông Rào Nan và các suối dâng cao gây ngập lụt ở một số nơi. Chiều nay, nhiều trường học ở Minh Hóa cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Nhiều tuyến đường ở huyện Minh Hóa bị ngập sâu.

Nhiều tuyến đường ở huyện Minh Hóa bị ngập sâu.

Theo đó, tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã Xuân Hóa ngập sâu đoạn qua ngầm Bến Sú, giao thông bị ách tắc. Nước lũ sông Rào Nan đang lên nhanh làm ngập sâu ở ngầm tràn về xã Minh Hóa, cô lập toàn bộ địa phương và đang có nguy cơ lũ lớn ở “rốn lũ” Tân Hóa. Tuyến đường vào các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa; vào các bản vùng Lòm, xã Trọng Hóa; bản Ka Ai, xã Dân Hóa đã bị chia cắt nhiều đoạn bởi nước từ các khe suối dâng cao. Đường đến hai xã Thượng Hóa và Hóa Sơn cũng bị sạt lở, ngập sâu nhiều đoạn.

Trưa 7-10, UBND huyện Minh Hóa đã cho toàn bộ học sinh các cấp nghỉ học. Riêng hai Trường PTDT bán trú TH và THCS ở Trọng Hóa và Dân Hóa, học sinh ở lại tránh lũ ngay tại trường, không trở về nhà trong thời điểm này vì nước lũ làm ngập đường không bảo đảm an toàn.

Bộ đội biên phòng Đồn Cà Xèng đưa học sinh trở về nhà do đường bị ngập. (Ảnh: CTV)

Bộ đội biên phòng Đồn Cà Xèng đưa học sinh trở về nhà do đường bị ngập. (Ảnh: CTV)

Các Đồn Biên phòng Cà Xèng, Ra Mai và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã cử lực lượng ngăn dây, lập rào chắn cảnh báo nguy hiểm, không cho người dân qua lại những đoạn đường ngập sâu. Riêng Đồn Biên phòng Cà Xèng chuẩn bị ca-nô sẵn sàng ứng cứu người dân trên tuyến đường độc đạo vào vùng Rục đang có nguy cơ lũ ngập sâu chiều nay.

 Nhiều đoạn đường ở huyện miền núi Minh Hóa bị ngập.

Nhiều đoạn đường ở huyện miền núi Minh Hóa bị ngập.

UBND huyện Minh Hóa cũng yêu cầu các xã sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ, cấm người dân qua lại, đánh bắt cá ở khe suối để bảo đảm an toàn. Đặc biệt, các địa phương phải bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm chủ động di dời người dân đến nơi an toàn tại các nơi ngập lụt sâu và nguy hiểm.

Hiện, Quảng Bình đang có mưa to đến rất to, dự báo xảy ra lũ trên diện rộng.

* Đắk Lắk mưa lớn trên diện rộng, một người lũ cuốn mất tích

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều 6 đến sáng 7-10, một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp là 47,2mm; xã EaTóh, huyện Krông Năng là 23,2… Mưa lớn trên diện rộng làm một người bị nước lũ cuốn mất tích và nhiều diện tích hoa màu bị ngập lụt, ảnh hưởng.

Mưa lớn khiến nước lũ tràn về làm ngập một đoạn Quốc lộ 14C đoạn qua xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Mưa lớn khiến nước lũ tràn về làm ngập một đoạn Quốc lộ 14C đoạn qua xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Đến trưa 7-10, Công an xã Ia Lốp, huyện Ea Súp đang phối hợp Đồn biên phòng 735 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) và người dân địa phương tổ chức tìm kiếm một nam thanh niên bị nước lũ cuốn trôi mất tích trong đêm 6-10.

Theo người dân địa phương, khoảng 21 giờ 30 phút đêm 6-10, anh Quốc Đình Huy 26 tuổi, trú xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk điều khiển xe máy BKS 49G1-025.17 chở theo sau là anh Phạm Thành Luân 27 tuổi trú tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, lưu thông trên đường liên thôn thuộc xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.

Khi đi đến giữa cống số 2 thuộc thôn Đoàn, bất ngờ nước lũ đổ về mạnh, dâng cao dẫn đến xe bị chết máy. Lúc này, do nước chảy xiết, hai anh hoảng loạn bỏ lại xe máy rồi chạy quay lại vào bờ. Tuy nhiên, cả hai anh đều bị nước lũ cuốn trôi nhưng anh Huy bơi được vào bờ, còn anh Luân bị nước lũ cuốn trôi mất tích.

Nhận được tin báo, Công an xã Ia Lốp cùng các lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường tổ chức tìm kiếm…

Được biết, hai anh Huy và Luân là công nhân của một công ty đang thi công công trình năng lượng mặt trời trên địa bàn xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Đắk Lắk, trong 24 giờ tới, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp trên khu vực Biển Đông di chuyển vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa khiến gió Tây Nam hoạt động mạnh và nhiều nơi có mưa to đến rất to.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, sạt lở vùng đất dốc thuộc huyện: M’Đrắk, Ea Kar, Lắk, Krông Ana, Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, Cư M’Gar, Krông Bông, Krông Pắk, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột.

Hiện nay, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk cùng các địa phương trong tỉnh đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống mưa, lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ BÁO NHÂN DÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cac-tinh-trung-bo-mua-lon-lu-dang-nam-nguoi-mat-tich-619459/