Các tỉnh ven biển triển khai ứng phó bão số 9, cấm tàu thuyền ra khơi

Các địa phương ven biển sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm '4 tại chỗ;' chuẩn bị phương án di dời, sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm.

Tàu thuyền neo đậu tránh bão Rai tại cảng cá Cà Ná, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Tàu thuyền neo đậu tránh bão Rai tại cảng cá Cà Ná, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Chiều 17/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận có công điện hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với cơn bão Rai.

Bình Thuận cấm tàu, thuyền, phương tiện vận tải hoạt động và đánh bắt hải sản trên biển từ 6 giờ ngày 18/12.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn các chủ phương tiện, kêu gọi các tàu đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm của bão; hướng dẫn neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền tại các bến bãi, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Các tàu nhỏ công suất dưới 30CV nên kéo lên bờ để bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ trực tiếp.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra các vùng trọng điểm, vùng thường xuyên bị sạt lở khi bão đổ bộ; triển khai ngay kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, triều cường gây nước dâng cao ở các vùng trũng, ngập lụt; cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở, các khu vực có lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển, nhất là tại huyện Phú Quý và Tuy Phong.

Công tác ứng phó với bão Rai phải đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với huyện đảo Phú Quý, Ủy ban Nhân dân huyện chủ động trong mọi tình huống, không để bị động, bị cô lập, chia cắt giữa đảo với đất liền khi bão vào biển Đông gây ảnh hưởng trực tiếp; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm, thuốc y tế để ứng phó, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn trên biển trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Sở Y tế phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán tập trung, khu cách ly; đảm bảo và tạo điều kiện cho lực lượng phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ; sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất lọc nước để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các sở, ngành có liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, không được chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, phải tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả theo chỉ đạo tại các Công điện của tỉnh.

Để chủ động ứng phó bão Rai đổ bộ, Bình Thuận cũng chuẩn bị phương án di dời, sơ tán hơn 46.900 người ở vùng xung yếu, ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, huyện đảo Phú Quý cần di dời, sơ tán 219 hộ với 991 khẩu.

Chiều 17/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế có công điện yêu cầu các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai công tác ứng phó với siêu bão Rai đang đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 9.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, Cảng vụ Hàng hải tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; cấm tất cả các phương tiện tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 9 giờ ngày 18/12 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định hướng dẫn ngư dân vào trú tránh bão an toàn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định hướng dẫn ngư dân vào trú tránh bão an toàn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Các địa phương ven biển chỉ đạo hướng dẫn cho người dân gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên đầm phá, các lòng sông.

Chủ đầu tư những công trình đang thi công ở khu vực ven biển cũng phải tạm dừng thi công từ ngày 19/12, có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại công trình.

Ngoài ra, những địa phương trong tỉnh phải tiến hành kiểm tra, đảm bảo an toàn các công trình, cơ sở hạ tầng; rà soát những khu vực trọng điểm có nguy cơ ngập úng, sạt lở, các phương án sơ tán dân khi cần thiết.

Ngày 17/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng có Công điện số 05/CĐ-UBND về ứng phó với siêu bão Rai - bão số 9.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân; rà soát các khu dân cư ở vùng trũng, thấp, ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhất là hộ dân sống ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê và khu vực đồi núi của huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu…

Các địa phương, đơn vị tổ chức neo đậu và quản lý người, phương tiện hoạt động trên sông, biển an toàn; sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ;” chỉ đạo công tác triển khai sản suất vụ Đông Xuân và có kế hoạch xuống giống hợp lý, tránh thiệt hại trôi giống, ngập úng do ảnh hưởng mưa bão.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tiếp tục nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn; chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, khẩn trương di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi âu thuyền, đến neo đậu tại các khu vực phù hợp trước 12 giờ ngày 18/12, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố Đà Nẵng triển khai phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố; sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động, phối hợp với các lực lượng liên quan hỗ trợ các địa phương triển khai sơ tán nhân dân khi có đề nghị; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng trên từng địa bàn, nhất là các khu vực xung yếu, địa bàn trọng điểm như đập An Trạch, hồ chứa Đồng Nghệ và Hòa Trung...

Tàu thuyền vào neo trú tại vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, Quảng Ngãi. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Tàu thuyền vào neo trú tại vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, Quảng Ngãi. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước; sẵn sàng vận hành các trạm bơm chống ngập; chỉ đạo tổ chức bơm chống ngập ở khu vực nội thành.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, đến chiều 17/12, Cà Mau có trên 3.400 tàu với hơn 16.300 thuyền viên đang neo đậu an toàn tại 4 khu neo đậu tránh trú bão.

Tỉnh còn 1.115 tàu với hơn 5.800 thuyền viên đang hoạt động trên biển, đã được thông báo về hướng đi của bão để tránh trú; đồng thời triển khai công tác đảm bảo an toàn dịch COVID-19 tại nơi neo đậu tránh trú bão.

Bên cạnh đó, qua rà soát, tổng số 47.000 căn nhà cần chằng chống trên địa bàn các huyện ven biển. Lãnh đạo các địa phương đã triển khai nhanh công tác hướng dẫn, vận động người dân chủ động hoàn thành việc chằng chống trước 36 giờ khi có tình huống bão ảnh hưởng.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 5 vị trí đê xung yếu với chiều dài 1.500 m, tại các vị trí này, ngành chức năng đã bố trí sẵn sàng 500 rọ đá, 1.000 m3 đá hộc và nhiều phương tiện vật tư khác.

Bên cạnh đó, tỉnh bố trí lực lượng ứng trực 24/24h, sẵn sàng phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các đơn vị chức năng hộ đê khi có tình huống xảy ra.

Song song đó, qua rà soát hiện có trên 1.270 lồng bè trên biển và khoảng 480 người canh giữ đáy hàng khơi. Do đó, ngành chức năng các địa phương đã thông tin hướng dẫn đến các chủ lồng bè có biện pháp gia cố, di chuyển đảm bảo an toàn chống bão, hoàn thành trước 24 giờ theo kịch bản bão ảnh hưởng, đồng thời vận động và yêu cầu người canh giữ đáy hàng khơi vào bờ trước 36 giờ theo kịch bản bão ảnh hưởng.

Căn cứ vào diễn biến của bão, Cà Mau đã đưa ra kịch bản bão có khả năng ảnh hưởng đến 3 huyện ven biển gồm Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Phú Tân. Theo đó, số dân cần di dời là hơn 146.000 người.

Để ứng phó với kịch bản trên, tỉnh đã chuẩn bị 600 điểm sơ tán, với sức chứa gần 260.000 người, đồng thời chuẩn bị 1.500 phương tiện (thủy và bộ) và lực lượng 29.000 người để thực hiện di dời dân khi cần thiết.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của bão; kịp thời thông tin rộng rãi đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân biết để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thông báo đến các phương tiện đang hoạt trên biển biết thông tin, diễn biến của bão; thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với thuyền trưởng các phương tiện; hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các đơn vị làm nhiệm vụ trực ban về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức trực ban theo quy định…/.

Hồng Hiếu-Đỗ Trưởng-Quốc Dũng-Huỳnh Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-tinh-ven-bien-trien-khai-ung-pho-bao-so-9-cam-tau-thuyen-ra-khoi/761625.vnp