Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp
Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu lâu nay đã là những địa phương phát triển công nghiệp lớn của cả nước. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025, các địa phương khu vực này đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp, kịp thời đón đầu làn sóng đầu tư mới.
Khu công nghiệp Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) được quy hoạch là khu công nghiệp chuyên biệt phát triển khoa học công nghệ cao.
Nhiều tỉnh mở rộng khu công nghiệp
Tại Đồng Nai, theo quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh có 35 khu công nghiệp. Mới đây, tỉnh vừa có thêm 3 khu công nghiệp được bổ sung vào Quy hoạch khu công nghiệp cả nước để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: Khu công nghiệp Long Đức 3 với diện tích 253ha; Khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp với diện tích 2.627ha; Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn với diện tích 3.595ha. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn tới, Đồng Nai vẫn xác định công nghiệp là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế nên sẽ đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp để thu hút đầu tư trong và ngoài nước”.
Trong khi đó, tỉnh Bình Dương có 29/31 khu công nghiệp được phê duyệt đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 11.021ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 70%. Thời gian tới, tỉnh chú trọng thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao nên đã quy hoạch phát triển Khu công nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn huyện Bàu Bàng. Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, huyện sẽ mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng với diện tích 1.000ha để thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ.
Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang trở thành điểm sáng về tốc độ phát triển công nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp được phê duyệt, với tổng diện tích gần 9.055ha. Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, hiện nhu cầu thuê đất trong các dự án khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh của các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn. Đơn vị đã đề xuất tỉnh bổ sung xây dựng thêm 6 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.796ha.
Chú trọng phát triển đồng bộ
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam và xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư trong khu công nghiệp đang gia tăng, nên việc phát triển thêm các khu công nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam lưu ý, ở phía Bắc nếu như thành phố Hải Phòng đã chú trọng phát triển cụm công nghiệp sản xuất các linh kiện điện tử trong cùng một khu vực, tạo thành chuỗi cung ứng thuận lợi cho các doanh nghiệp, thì tại nhiều địa phương phía Nam, các nhà sản xuất vẫn phải nhập linh kiện từ các nhà máy đơn lẻ nằm rải rác khắp nơi. Còn ông Desmond Sim, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Singapore và Đông Nam Á của Tập đoàn CBRE cho rằng, ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
Nhận thức rõ những thách thức này, nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ đã có sự chuẩn bị chu đáo. Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, mới đây Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp - khu kinh tế các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký thỏa thuận hợp tác với Ban Quản lý khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, hình thành mạng lưới tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phục vụ các nhà đầu tư trong vùng.
Còn về phát triển nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, giai đoạn 2020-2025, toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mỗi năm cần khoảng 640.000 chỗ làm việc, trong đó khoảng 85% nhân lực đã qua đào tạo. Tại Bình Dương, nhiều khu công nghiệp đã chủ động liên kết tổ chức các cơ sở dạy nghề. Thạc sĩ Lâm Nguyễn Hoài Diễm (Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thông tin, các trường cao đẳng nghề của Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Trường Cao đẳng nghề Đồng An của Khu công nghiệp Đồng An… đã tập trung đào tạo nhóm ngành mà các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đó có nhu cầu tuyển dụng.
Thành phố Hồ Chí Minh lâu nay là nơi đào tạo, cung cấp nhân lực trình độ cao cho toàn vùng. Mỗi năm, hơn 500 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã cung ứng cho thị trường lao động khoảng 500.000 sinh viên tốt nghiệp. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, ngành đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng, chuẩn hóa việc đào tạo nhân lực trình độ cao thuộc 8 ngành dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN và các ngành công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ.