Các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam là hoàn toàn hợp lý
MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến địa phương đang tiến hành tổ chức tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đa phần các ý kiến đều khẳng định quan điểm, việc hiến định Mặt trận là tổ chức đứng đầu và 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc là hoàn toàn hợp lý.
Ông Trần Việt Anh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá rất cao việc hệ thống MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức thành viên đã tổ chức tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết trên nhiều nền tảng, ứng dụng, gần như tất cả tầng lớp nhân dân đều tham gia đóng góp ý kiến, với số đông ý kiến tán thành.

Ông Trần Việt Anh. Ảnh: Quang Vinh
Dưới góc nhìn cá nhân, ông Việt Anh bày tỏ ủng hộ việc sửa đổi 8 điều trong dự thảo Nghị quyết, trong đó Điều 9 bổ sung những quy định mới nhằm thể chế hóa vai trò, vị trí và chức năng của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị. Đi sâu phân tích những điểm mới tại khoản 2 Điều 9 Hiến pháp quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, ông Việt Anh cho rằng việc hiến định Mặt trận là tổ chức đứng đầu và 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc là hoàn toàn hợp lý.
“Trong xu thế phát triển của đất nước, Mặt trận đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình. Đơn cử như khi các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân làm công tác xã hội, người ta nghĩ ngay đến Mặt trận. Từ bà bán xôi hay ông tổng giám đốc khi làm công tác xã hội đều nghĩ ngay đến Mặt trận. Do đó, tôi nghĩ rằng khoản 2, Điều 9 đề cập các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam là hoàn toàn hợp lý” - ông Việt Anh nêu ý kiến và cho rằng, khi có sự đồng thuận trong xã hội thì việc người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ những điểm mới tại Điều 9 là rất lớn.
Mặt khác, cũng theo ông Việt Anh, vai trò của 5 tổ chức chính trị - xã hội rất quan trọng. Đội ngũ doanh nhân cần sự dẫn dắt rất nhiều của các tổ chức này. Tại TPHCM có Hội Doanh nhân cựu chiến binh và những cựu chiến binh đang làm rất tốt công tác xã hội. Tất cả những hoạt động của các hội doanh nhân tại TPHCM đều thông qua Mặt trận để làm các công tác xã hội, cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: Hạnh Nguyên
Ông Nguyễn Văn Sơn hiện đang là Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh Hà Tĩnh, thành viên Hội đồng Tư vấn Pháp luật thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cũng từng là Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội khóa XIII - XIV, nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh khóa XIV nên ông đặc biệt quan tâm tới việc sửa đổi Hiến pháp lần này.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tập trung vào 8 nội dung, được chuẩn bị chu đáo, vì thế ông đồng tình cao với cách lập luận, lý giải và những nội dung sửa đổi của dự thảo Nghị quyết. Những quy định về MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được xác định cụ thể trong dự thảo Nghị quyết, qua đó cho thấy khối liên minh giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội không độc lập như trước đây mà tập trung về một đầu mối đó là “ngôi nhà chung Mặt trận”. Bản thân các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nằm trong Mặt trận.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, Điều 9 của dự thảo Nghị quyết khẳng định, MTTQ nằm trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước, là cơ sở chính trị của chính quyền, từ đó nâng tầm MTTQ đến một vị thế mới, tức là nâng tầm vị thế dân chủ nhân dân. Cụm từ “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam” có ý nghĩa xác định các tổ chức chính trị - xã hội về “ngôi nhà chung” MTTQ.
“Khi các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nâng tầm vị thế của khối MTTQ trong hệ thống chính trị nước ta. Thể hiện Đảng, Nhà nước ta tôn trọng nhân dân, tôn trọng quyền con người, tôn trọng các tổ chức hội do nhân dân tự nguyện tham gia. Từ đó, vị thế của Mặt trận được nâng lên tầm cao mới” - ông Sơn khẳng định đồng thời kiến nghị, sắp tới sửa Điều lệ Đảng, ở cấp tỉnh, ngoài Bí thư cần có 3 Phó Bí thư, trong đó 1 Phó Bí thư phụ trách lĩnh vực Mặt trận – tức là phụ trách khối dân. Qua đó, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mang tính trực tiếp, trực diện chứ không phải thông qua các tổ chức khác.