Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ tích cực cho Việt Nam
Trong năm 2020 vừa qua, 115 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hỗ trợ Việt Nam hơn 6,5 triệu USD để ứng phó với đại dịch COVID-19, hỗ trợ miền Trung vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi lũ lụt...
Chiều 17/3, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến giao ban toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tổng kết công tác năm 2020 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, các địa phương, bộ/ngành đã trao đổi, thảo luận về tình hình công tác phi chính phủ nước ngoài năm 2020 và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể cho công tác này trong năm 2021.
Đại diện các đơn vị đề nghị cần tăng cường chia sẻ thông tin, kết nối, giới thiệu đối tác; tăng cường đào tạo, tập huấn lực lượng triển khai công tác phi chính phủ nước ngoài, đặc biệt là tại các địa phương.
Các đại biểu cho rằng hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến công tác phi chính phủ nước ngoài cần được hoàn thiện hơn; cần tổ chức hội nghị xúc tiến, vận động viện trợ trong năm 2021; hoàn thiện cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện tử...
Báo cáo tại Hội nghị cho biết trong năm 2020, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, công tác của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, của địa phương, các bộ/ngành chịu nhiều tác động của dịch COVID-19 và tình hình khó khăn chung của thế giới.
Trong bối cảnh đó, Ủy ban và các cơ quan liên quan đã chủ động, linh hoạt đổi mới phương thức phù hợp, tổ chức tốt các hoạt động, bảo đảm yêu cầu đề ra. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực hỗ trợ, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Chính nhờ vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công tác phi chính phủ nước ngoài vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Năm 2020, giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam đạt hơn 220,7 triệu USD, trong đó viện trợ phi chính phủ nước ngoài từ khu vực châu Âu chiếm 41,3%, Bắc Mỹ chiếm 36,2%, châu Á chiếm 22,5%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như y tế, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, năm 2020, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài dành sự ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam ứng phó thiên tai, dịch bệnh. 115 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hỗ trợ tiền mặt, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, đào tạo, tập huấn trị giá hơn 6,5 triệu USD để ứng phó với đại dịch COVID-19; hỗ trợ các tỉnh miền Trung vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi lũ lụt với giá trị gần 9 triệu USD.
Trong bối cảnh thế giới, trong nước và chính các tổ chức phi chính phủ nước ngoài gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, kết quả đạt được năm 2020 là rất tích cực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Phan Anh Sơn đề nghị thời gian tới, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, bộ/ngành, địa phương cần duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Ủy ban, đồng thời đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tại Hội nghị, bà Nông Thị Hồng Hạnh (Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chia sẻ những điểm mới, điểm cần chú ý trong Nghị định 80/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 17/9/2020, về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
Nghị định gồm 6 chương, 36 điều, quy định chi tiết về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại.
Nghị định quy định rõ việc quản lý và sử dụng viện trợ phải đảm bảo nguyên tắc: các khoản viện trợ chỉ được tiếp nhận, thực hiện, sử dụng khi đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt.
Nguồn tiền viện trợ phải là nguồn tiền, tài sản hợp pháp; không tiếp nhận những hàng hóa (kể cả vật tư, thiết bị) thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật; cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý và sử dụng hiệu quả khoản viện trợ./.