Các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Chủ đề Ngày quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2021 là 'Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép' nhấn mạnh đến việc các quốc gia cùng chung sức để vượt qua dịch bệnh, khôi phục kinh tế, tăng cường sức chống chịu trước thiên tai.
Phát biểu tại lễ hưởng ứng Ngày quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN quản lý thiên tai (13/10) do Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Việt Nam tổ chức, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đặt vấn đề về tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác này.
Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNDRR), chủ đề của năm 2021 tập trung vào mục tiêu của Khung hành động toàn cầu Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển giảm nhẹ rủi ro và thiệt hại do thiên tai thông qua hỗ trợ phù hợp, bền vững, thực hiện các hành động cấp quốc gia nhằm hoàn thành các mục tiêu của Khung Sendai vào năm 2030.
Ông Marco Toscano-Rivalta, Giám đốc khu vực của UNDRR cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu với 70% dân số đang sinh sống ở các vùng ven biển và trũng thấp. Điều này có nghĩa là các thiên tai trong tương lai sẽ gây ra hậu quả và thiệt hại còn lớn hơn nữa. Vì vậy, ông hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ Việt Nam thông qua chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai. “Không quốc gia nào trên thế giới có thể tự mình giải quyết các rủi ro về khí hậu, sinh học và thiên tai”, ông Marco Toscano-Rivalta nêu rõ. Các quốc gia cần hợp tác với nhau để chia sẻ kiến thức, chuyên môn, kỹ thuật, cung cấp các hỗ trợ tài chính và xây dựng các kế hoạch xuyên biên giới cũng như hoạt động trong các lĩnh vực khác.
“Chúng ta hãy cam kết đưa hợp tác quốc tế lên một tầm cao mới, bởi vì chỉ khi hợp tác cùng nhau, chúng ta mới có thể đạt được tiến bộ, thực sự hướng tới một thế giới an toàn hơn và kiên cường hơn”, ông Marco Toscano-Rivalta đề nghị.
Theo ông Ekkaphab Phanthavong, Phó Tổng Thư ký ASEAN, sự kiện hôm nay không chỉ để thúc đẩy hợp tác mà còn khẳng định thêm các cam kết của Việt Nam trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai. “Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, nhất là trước những thách thức mà chúng ta chưa lường trước được, những tác động của kinh tế xã hội, đặc biệt từ đại dịch COVID-19”. Việt Nam là một thành viên rất chủ động, tích cực, hiệu quả trong khối ASEAN.
“Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, cùng với những diễn biến chúng ta không thể lường trước như dịch COVID-19, do đó điều hết sức quan trọng là chúng ta cần chủ động chuẩn bị để đối mặt với những phức tạp đó. ASEAN cam kết cùng với Việt Nam để ứng phó với thiên tai, đóng góp hiệu quả cho khu vực”, ông Ekkaphab Phanthavong nói.
Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cảnh báo về tình trạng nóng lên toàn cầu, các cơn bão thường xuyên hơn, cường độ cao hơn... đã ảnh hưởng đến cộng đồng, "gieo những hạt giống" đói nghèo, dịch bệnh mới, giảm tốc độ phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.
Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu, thiên tai. Bà mong muốn Việt Nam tăng cường những nỗ lực của mình, không chỉ giảm thiểu rủi ro thiên tai, mà còn quan tâm đến những vấn đề về bình đẳng giới trong tác động của thiên tai.
Thay mặt cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và với tư cách là Đồng Chủ tịch của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ông Andrew Jeffries cho biết, kể từ khi thành lập Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Đối tác đã thực hiện các hoạt động tập trung hỗ trợ các nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, đặc biệt là giải quyết các tác động của hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 và thiên tai bão lụt và sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung xảy ra vào tháng 10 năm ngoái.
Nhân sự kiện hôm nay, ông đã thông báo tổ chức East Meet West (Hội ngộ Đông Tây) là thành viên mới của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai - thành viên thứ 24. East Meet West có hơn 32 năm kinh nghiệm làm việc để hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam. “Chúng tôi hoan nghênh bạn và mong muốn được hợp tác với bạn trong các nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở Việt Nam”, ông Andrew Jeffries nói.
Trong khi đó, đại diện Chương trình Việt Nam của tổ chức Catholic Relief Services nêu rõ, trong thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thành lập cơ quan chuyên nghiệp quản lý thiên tai ở cấp Trung ương là Tổng cục Phòng, chống thiên tai, kiêm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý thiên tai các cấp và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã. "Bốn tại chỗ” là một mô hình tổ chức tốt trong quản lý rủi ro thiên tai để bảo đảm an toàn thiên tai ở cấp cộng đồng.
“Qua theo dõi, chúng tôi thấy từ khi có cơ quan chuyên trách cấp Trung ương, nhiều hoạt động về quản lý thiên tai được nâng tầm, hiêu quả hơn và thực tế đã dành được nhiều kết quả đáng ghi nhận và là những bài học tốt để nhân rộng trong khu vực”, đại diện Catholic Relief Services nói. “Chúng tôi đã chứng kiến chính phủ triển khai nhanh chóng các phương án cứu trợ và hợp tác với chính quyền các cấp kịp thời đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và chúng tôi rất vinh dự khi được đóng góp trong nỗ lực chung đó”.
Cùng quan điểm, theo đại diện tổ chức JICA Việt Nam, trong 4 năm qua, cùng với sự tăng cường trong quản trị rủi ro thiên tai ở các cấp Trung ương và địa phương, các hoạt động phòng chống thiên tai đã được thực hiện chủ động hơn, hiệu quả hơn. Nhận thức về thiên tai ở cộng đồng được tăng cường thông qua nhiều hình thức sáng tạo. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai cũng được tăng cường thông qua việc tổ chức điều phối chuyên nghiệp và trao đổi thường xuyên.
Đại diện JICA cho biết, Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua đề xuất Dự án “Phục hồi sau lũ lụt và xây dựng Quy hoạch tổng thể về phòng, chống thiên tai ở miền Trung Việt Nam” đã được Bộ NN&PTNT đề xuất trước đó. Đồng thời, trong năm vừa qua, JICA và Tổng cục Phòng, chống thiên tai cũng đã và đang tích cực chuẩn bị để khởi động Dự án “Nâng cao nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía bắc”.