Các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong hai ngày 14 và 15-10, tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế), Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam) tổ chức 'Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu'.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ Việt Nam); các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT); Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế và gần 500 đại biểu đại diện cho lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, tỉnh Thừa Thiên - Huế, các vị khách quốc tế, các vị chức sắc đại diện hơn 40 tổ chức tôn giáo trong cả nước tham dự.
Các tôn giáo xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường
Nhận thức tầm quan trọng của các tôn giáo trong sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), năm 2015, lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bộ TN-MT ký kết Chương trình phối hợp BVMT và ứng phó với BĐKH (giai đoạn 2015-2020) với năm nội dung và bảy mục tiêu, giải pháp (gọi tắt Chương trình phối hợp). Sau khi Chương trình phối hợp được ký kết, Ban Chỉ đạo Chương trình đã được thành lập với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo. 63 tỉnh, thành phố đã tiến hành ký kết Chương trình hoặc kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận, Sở TN-MT cùng các tổ chức tôn giáo ở cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết: Qua bốn năm triển khai thực hiện, chương trình phối hợp đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng trên nhiều phương diện, nổi bật là sự phối hợp giữa nhiều lực lượng cùng tham gia thể hiện chung tay BVMT; cách thức triển khai chương trình phối hợp đồng bộ, bài bản, có nhiều sáng tạo, phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo, đặc điểm tình hình các địa phương và yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Kết quả sau bốn năm thực hiện với sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tôn giáo, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các cấp, ngành TN-MT trong cả nước, các tôn giáo đã xây dựng được 1.014 mô hình về BVMT, ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai… phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.
Nhiều nội dung của chương trình phối hợp đã được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân tham gia BVMT" nên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ngành và các đoàn thể; sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân cũng như các cộng đồng tôn giáo. Qua đó, hình thành cơ chế hỗ trợ hiệu quả, phát huy nội lực, tự quản trong nhân dân kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước, nguồn lực xã hội, quốc tế trong sự nghiệp xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Trong đó, có một số mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như: “Khu dân cư BVMT, ứng phó với BĐKH” vùng đồng bào theo đạo Bà la môn (tỉnh Bình Thuận); mô hình “Tuyến đường tự quản về BVMT, ứng phó với BĐKH của các cơ sở thờ tự trên địa bàn xã, phường” của tỉnh Quảng Nam; “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ)…
Ông Ngô Sách Thực cho rằng: “Thông qua thực hiện chương trình đã khẳng định đường hướng sống "Tốt đời, đẹp đạo" của các tôn giáo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể là đúng đắn, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, BVMT và ứng phó với BĐKH là vấn đề lớn mang tính chất toàn cầu được cả loài người trên thế giới quan tâm. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã đưa ra đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu quan trọng về BVMT, ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững.
Theo các chuyên gia môi trường thế giới, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến công tác BVMT và ứng phó với BĐKH. Tính trung bình, GDP cứ tăng thêm 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP. Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với Việt Nam khi vừa phải tập trung phát triển kinh tế vừa bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thay mặt Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các cơ quan đồng tổ chức hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn đã biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua khó khăn của MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức tôn giáo để tham gia hiệu quả mạnh mẽ vào công tác BVMT, ứng phó với BĐKH ở Việt Nam và nhấn mạnh: Hội nghị là nơi để các đại biểu tôn giáo chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, đưa ra các điển hình cần nhân rộng trong việc BVMT và ứng phó với BĐKH, đồng thời tăng cường công tác phối hợp, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào này.
Nhân rộng các điển hình tiên tiến trong tổ chức tôn giáo
Nhấn mạnh đến những thách thức do ô nhiễm môi trường và BĐKH, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề do BĐKH. Nếu mực nước biển dâng một mét và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh, thành phố ven biển miền trung, 17,8% diện tích TP Hồ Chí Minh, 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập. Tình trạng thiên tai, khí hậu cực đoan do BĐKH xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn, khốc liệt hơn, khó dự báo hơn. Ngay trong năm 2019, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Nam Trung Bộ đã dẫn đến nhiều tỉnh như An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang, Ninh Thuận… phải công bố tình trạng khẩn cấp.
Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chủ trương nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT; kinh tế, xã hội và môi trường là trung tâm để Việt Nam phát triển bền vững. Đồng hành với nỗ lực của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong những năm qua, các tôn giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong BVMT đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước, nổi bật như các phong trào: Giáo xứ, cơ sở thờ tự “Xanh, sạch, đẹp”; cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia BVMT; phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo; hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự; Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ Sáu hằng tuần; giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa…
Phát huy kết quả trên, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đề nghị đại diện lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo hiện nay tại Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của mình trong hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về BVMT, ứng phó với BĐKH trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo; tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền.
Lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống, văn hóa BVMT vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch BVMT, ứng phó với BĐKH; phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT và ứng phó BĐKH; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự.
Về phần mình, Bộ TN-MT sẽ tích cực phối hợp với Ban Thường trực Ủy Ban T.Ư MTTQ Việt Nam, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo tại Việt Nam trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để các tôn giáo tham gia đồng hành hiệu quả hơn nữa với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong công tác về BVMT, ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.
Trong những ngày diễn ra, ngoài ba phiên chính tại hội nghị còn có các hoạt động bên lề như: các cơ sở, doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường; các chương trình hoạt động trại về truyền thông phân loại rác, chia sẻ kinh nghiệm cứu trợ thiên tai, khám chữa bệnh từ thiện; tập huấn về BĐKH cho 300 tăng ni sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; tham gia vệ sinh môi trường hưởng ứng phong trào Ngày Chủ nhật xanh...
Dịp này, 39 tập thể, 20 cá nhân và chín mô hình các tổ chức tôn giáo được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ TN-MT vinh danh, tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác BVMT và ứng phó với BĐKH.