Các tổng thống Mỹ tự chuẩn bị tang lễ cho mình như thế nào?

Hành trình tưởng niệm và đưa tiễn cố Tổng thống Jimmy Carter sẽ kết thúc tại ngôi nhà của ông ở thị trấn nhỏ Plains, bang Georgia, nơi ông lớn lên trong một trang trại trồng lạc.

Tang lễ cố Tổng thống John F. Kennedy năm 1963. (Ảnh tư liệu)

Tang lễ cố Tổng thống John F. Kennedy năm 1963. (Ảnh tư liệu)

Đó là nơi phu nhân của ông, bà Rosalynn, được chôn cất vào năm ngoái, tại khu đất mà họ đã chọn cách đây nhiều năm.

Nhưng trước khi ông Carter đến nơi an nghỉ cuối cùng của mình, sẽ có nhiều nghi lễ cấp nhà nước được tổ chức để tưởng nhớ ông. Kể từ khi lập quốc, Mỹ vĩnh biệt các cố tổng thống bằng một loạt sự kiện phức tạp đan xen giữa truyền thống và sự riêng tư.

Đám tang thường do chính các tổng thống lên kế hoạch từ khi còn sống, trong những năm họ rời Nhà Trắng để chọn cách họ muốn được tưởng niệm.

"Họ tham gia rất nhiều vào quá trình lập kế hoạch tang lễ cho chính mình, qua đó cho chúng ta biết rất nhiều về con người họ, cách họ nhìn nhận về vai trò tổng thống và cách họ muốn được người dân Mỹ nhớ đến", Matthew Costello, nhà sử học thuộc Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng, cho biết.

Ông là đồng tác giả cuốn sách "Tưởng nhớ các tổng thống: Mất mát và di sản trong văn hóa Mỹ”.

Cựu Tổng thống Carter có nhiều thời gian để lên kế hoạch hơn hầu hết mọi người.

Ông sống 43 năm sau khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc, lâu nhất trong lịch sử Mỹ. Ông qua đời hôm 29/12 ở tuổi 100. Nhiều chi tiết về tang lễ của ông vẫn được giữ bí mật, phụ thuộc vào quyết định của gia đình và các đơn vị quân đội chịu trách nhiệm thực hiện.

Hầu hết linh cữu các tổng thống Mỹ được quàn tại Đồi Capitol và thường có một buổi lễ tưởng niệm tại Nhà thờ quốc gia Washington. Năm ngoái, Tổng thống Joe Biden vô tình tiết lộ ông Carter đã đề nghị ông đọc điếu văn.

Ngày 29/12, Tổng thống Biden cho biết đội ngũ trợ lý của ông đang trao đổi với gia đình ông Carter và những người khác "để đảm bảo ông được tưởng nhớ một cách phù hợp, tại Mỹ và trên toàn thế giới."

Ông cho biết quá trình này "sẽ mất một chút thời gian" nhưng sẽ có "buổi lễ lớn tại Washington D.C.", dự kiến vào ngày 9/1.

Các cựu tổng thống Mỹ đôi khi cũng quyết định cả những chi tiết nhỏ nhất. Jeffrey Engel, giám đốc Trung tâm Lịch sử tổng thống thuộc Đại học Southern Methodist ở Dallas, kể rằng cựu Tổng thống George H.W. Bush đã sửa sơ đồ chỗ ngồi cho đám tang của mình.

Tổng thống Dwight Eisenhower, người chỉ huy quân Đồng minh trong Thế chiến II trước khi trở thành chính trị gia, muốn được chôn cất trong một chiếc quan tài do chính phủ cấp với giá 80 USD. Ngoại trừ một con dấu được thêm vào thiết kế, nó không khác gì so với quan tài của bất kỳ người lính nào.

Đám tang cố Tổng thống Richard Nixon năm 1969. (Ảnh tư liệu)

Đám tang cố Tổng thống Richard Nixon năm 1969. (Ảnh tư liệu)

Chi tiết về đám rước cũng phản ánh các khía cạnh trong cuộc sống của một vị tổng thống. Linh cữu của ông Ronald Reagan được đưa lên các bậc thang phía tây của Đồi Capitol, nhìn về hướng bang California quê hương của ông.

Khi ông Gerald Ford qua đời, linh cữu của ông được đưa qua Hạ viện, thể hiện sự công nhận cho những nỗ lực của ông cho công tác lập pháp.

Thực hiện tang lễ của tổng thống là nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm chung vùng thủ đô, bao gồm 4.000 quân nhân và nhân viên dân sự.

Tang lễ của tổng thống có thể để lại dấu ấn lâu dài trong ký ức của người Mỹ. Mô tả ấn tượng nhất về ông George Washington — "người đầu tiên trong chiến tranh, người đầu tiên trong hòa bình và người đầu tiên trong trái tim của những người đồng hương" — đến từ bài điếu văn được tái bản rộng rãi khi vị tổng thống đầu tiên của Mỹ qua đời.

Sau khi ông John F. Kennedy bị ám sát, hình ảnh được lưu lại là khoảnh khắc con trai ông, John Jr. chào linh cữu.

Quan tài của ông Kennedy được qua Đại lộ Pennsylvania trên cùng chiếc xe chở cố Tổng thống Abraham Lincoln, và một con ngựa không có người cưỡi tham gia đoàn rước. Lễ tang của ông Kennedy là lễ tang tổng thống đầu tiên được phát sóng rộng rãi trên truyền hình.

"Công nghệ giúp nhiều người hiểu hơn về tang lễ, để họ có thể hiểu hơn về ý nghĩa của nó”, ông Costello cho biết.

Tuy nhiên, trong nền chính trị chia rẽ ngày nay, tang lễ cấp nhà nước có thể tạo ra những khoảnh khắc khó xử, thậm chí căng thẳng. Trong tang lễ của ông George H.W. Bush năm 2018, Tổng thống Donald Trump cũng có mặt. Ông bắt tay cựu Tổng thống Barack Obama nhưng không giao lưu với bà Hillary Clinton – đối thủ của ông trong cuộc bầu cử năm 2016, và cựu Tổng thống Bill Clinton.

"Những đám tang như vậy luôn mang tính chính trị. Thành thật mà nói, bất cứ điều gì xảy ra trong tang lễ của ông Carter đều sẽ mang tính chính trị, bất kể những người xung quanh gia đình ông Carter có muốn hay không”, Engel nói.

Bình Giang

Theo AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cac-tong-thong-my-tu-chuan-bi-tang-le-cho-minh-nhu-the-nao-post1705522.tpo